Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lương thấp, bấp bênh việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát tình trạng việc làm của lao động trẻ năm 2009 do Báo Người Lao Động tiến hành cho thấy mức lương được các doanh nghiệp trả cho người lao động quá thấp

Khảo sát hiện trạng việc làm lao động trẻ năm 2009 dựa trên bảng trả lời của 1.017 ứng viên (ƯV) đăng ký tìm việc tại bộ phận hỗ trợ việc làm của Báo Người Lao Động trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10-2009 cho thấy: Có 737 ƯV đã từng có việc làm (tạm gọi là có kinh nghiệm), chiếm 72,5% và 279 ứng viên tìm việc lần đầu, chiếm 27,5%. Trong nhóm ƯV có kinh nghiệm, khảo sát tìm thấy 31% có từ 3 tháng đến dưới 2 năm kinh nghiệm; 39% có từ 2 đến dưới 4 năm kinh nghiệm và 30% có từ 4 năm kinh nghiệm trở lên.
Bỏ việc vì lương
Đi sâu phân tích, đằng sau những con số trên là tình trạng việc làm bấp bênh, hiện tượng bỏ việc, thay đổi chỗ làm của lao động trẻ khá phổ biến. Tính chung trong cả 3 nhóm ƯV phân chia theo kinh nghiệm như trên, tỉ lệ thay đổi chỗ làm từ 3 doanh nghiệp (DN) trở lên chiếm trên 80%; rất ít ƯV gắn bó với một DN trong thời gian từ 2 năm trở lên.
Kết quả phân tích còn cho thấy càng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc thì việc thay đổi chỗ làm càng nhiều.

Về tiền lương, trên 90% ƯV tìm việc lần đầu đưa ra mức lương khởi điểm từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp và người lao động đến tuyển dụng, tìm việc tại Phòng Hỗ trợ việc làm của Báo Người Lao Động. Ảnh: N.HỮU

Còn ở nhóm có kinh nghiệm dưới 2 năm, 80% chỉ đề nghị lương trong khoảng 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng. Mức lương mà người lao động (NLĐ) mong muốn được trả không thay đổi so với 5 năm về trước. Đáng chú ý là không có sự chênh lệch rõ ràng về mức lương đề nghị giữa lao động có trình độ đại học với cao đẳng và trung cấp; giữa các ngành nghề với nhau.
Có một thực tế là phần đông DN trả lương cho NLĐ rất thấp, không tương xứng với yêu cầu công việc và chậm tăng lương, thậm chí không thay đổi sau một thời gian làm việc. Hậu quả là có đến trên 80% ƯV thay đổi công việc do DN chậm tăng lương, lương thấp, không đủ để trang trải đời sống.
Thiếu quan tâm, đãi ngộ
Ngoài lương, còn nhiều yếu tố khác khiến NLĐ nghỉ việc, phổ biến là công việc không phù hợp chuyên môn, thiếu ổn định; công việc cực nhọc, thời gian làm việc trong ngày quá nhiều; bất đồng, mâu thuẫn với người quản lý, đồng nghiệp; không được DN tạo điều kiện  nâng cao chuyên môn; ít có cơ hội thăng tiến; DN không thực hiện các chế độ theo quy định của pháp luật và thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp…
Một chi tiết cũng rất đáng chú ý khác là  trong nhóm tìm việc ở lĩnh vực tài chính – kế toán,  khá đông NLĐ cho biết nguyên nhân nghỉ việc còn do DN không minh bạch về tài chính.
Những hạn chế trong chính sách quản trị nhân sự cùng với việc trả lương thấp, sử dụng không đúng người, đúng việc, thiếu chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện cho NLĐ phát triển nghề nghiệp của DN đã dẫn đến hệ quả tất yếu là tình trạng lao động bỏ việc gia tăng trong giới trẻ. Đáng lưu ý là trên 90% ƯV bỏ việc trong đợt khảo sát này có xuất phát điểm làm việc từ DN tư nhân trong nước.

85% ứng viên dưới 30 tuổi

Trong tổng số 1.017 ƯV được khảo sát, 85% ƯV có độ tuổi dưới 30 và 15% từ 30 – 45 tuổi.  Về trình độ chuyên môn, 275 ƯV có bằng cấp đại học (27,04%); 306 ƯV có trình độ cao đẳng (30,08%); 357 ƯV có trình độ trung cấp và tương đương (35,1%); số còn lại có trình độ THPT trở xuống.
Về ngành nghề, có 23,1% ƯV là lao động kỹ thuật, tập trung chủ yếu ở các ngành cơ khí, điện – điện tử, điện công nghiệp, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, xây dựng…; 23,89% có bằng cấp, chuyên môn về quản trị kinh doanh, thương mại; 44,14% có bằng cấp, chuyên môn về tài chính, kế toán.

DUY QUỐC (NLD)

 

Bình luận (0)