Vừa qua, thông tin Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không đồng tình với đề xuất tăng lương giáo viên do lo ngại phá vỡ chế độ tiền lương hiện nay khiến nhiều thầy cô giáo cảm thấy thất vọng.
Giáo viên là một nghề đặc thù, đòi hỏi phải liên tục nâng cao trình độ chuyên môn để thích ứng với thời cuộc. Trong ảnh: Giáo viên một trường tiểu học đang trao đổi với học sinh trong tiết dạy. Ảnh: N.Trinh |
Dưới góc nhìn của những “người trong cuộc”, điều này không chỉ đồng nghĩa với việc lương sẽ vẫn giữ nguyên, nhà giáo sẽ vẫn phải “nai lưng” với nghề mà xa hơn, là những cải cách giáo dục sẽ khó mà thực hiện tốt.
Giáo viên phải… chạy Grab
Đó là chia sẻ thật tình của hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3 (TP.HCM) về thực trạng khó khăn của nhiều giáo viên hiện nay. Vị hiệu trưởng này cho biết, đây là một điều rất đau lòng khi nghề vốn được coi là cao quý, là nghề “trồng người” mà thực tế lại không thể sống nổi với nghề. “Đồng nghiệp của tôi, ngay trong trường này, giáo viên giáo dục công dân sáng đi dạy, chiều đi phụ bàn ở quán ăn; giáo viên thể dục sáng đi dạy, chiều chạy Grab, sau đó xin nghỉ vì chạy Grab lương còn cao hơn làm thầy giáo. Còn những giáo viên mới ra trường, đặc biệt là giáo viên dạy các môn phụ mà lại “đèo bòng” thêm con nhỏ, ở nhà thuê thì khó khăn chồng chất khó khăn”, vị hiệu trưởng trải lòng.
Trong lập luận bác bỏ đề xuất tăng lương, Bộ Nội vụ cho rằng nhà giáo đã được hưởng sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước khi được hưởng chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất lên đến 70%, phụ cấp thâm niên nghề. Về điều này, thầy Phan Huy (Hiệu trưởng Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM) cho biết trên thực tế giáo viên chỉ được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đứng lớp là 35%, phụ cấp thâm niên chỉ dành cho giáo viên công tác trên 5 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mỗi năm sẽ thêm 1%. “Tức là, nếu tốt nghiệp ĐH, đi làm 6 năm, sau khi đã tính cả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, người giáo viên sẽ có mức lương là 4 triệu 685 ngàn đồng. Còn nếu chỉ tốt nghiệp CĐ, sau khi tính tất cả phụ cấp, mức lương sẽ là 4 triệu 229 ngàn đồng”, thầy Huy nêu rõ.
Cũng theo thầy Huy, chính vì lương thấp nên những hô hào, khuyến khích giáo viên nâng cao về trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tin học cứ mãi “ì ạch”. “Không phải là các thầy cô không muốn mà có muốn cũng khó thực hiện được khi tiền lo cho gia đình còn đang thiếu trước hụt sau. Nhà trường cũng chỉ có thể hỗ trợ cho giáo viên có thêm thu nhập chính đáng như dò bài lớp bán trú, đứng lớp các tiết tăng thêm. Nhưng cũng chỉ là giáo viên những bộ môn như văn, toán, tiếng Anh, còn những môn như thể dục, mỹ thuật hay giáo dục công dân thì không có”, thầy Huy chia sẻ.
Ví như một sự “tổn thương ghê gớm về nghề” khi lương giáo viên cứ liên tục được đưa lên “bàn cân” để cân-đo-đong-đếm, một giáo viên tiểu học tại Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết giáo viên là một nghề đặc thù, đòi hỏi phải liên tục nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm thì mới có thể thích ứng với thời cuộc. “Không thể nào soạn một giáo án mà dùng cho năm này, năm sau được. Cũng không thể áp dụng mãi một phương pháp dạy vào mọi thế hệ học sinh được. Người giáo viên phải chịu vô vàn những áp lực. Áp lực từ lứa học sinh thời hiện đại, giỏi nhưng non kém về ý thức tự giác; áp lực từ phía phụ huynh khi luôn đòi hỏi giáo viên phải vừa có trình độ, vừa có phương pháp. Giáo dục giờ không đơn thuần chỉ là dạy, người giáo viên không phải chỉ có công việc lên lớp mà còn là hướng dẫn, chia sẻ, điều chỉnh…”, giáo viên này bày tỏ.
17 năm trong nghề, lương của cô giáo tiểu học này cũng chỉ là 6,1 triệu đồng, bao gồm cả thâm niên, thu nhập tăng thêm.
Khó thu hút nhân tài vào ngành sư phạm
Là một nhà giáo tâm huyết với giáo dục, luôn cố gắng đưa những sáng tạo để giảm bớt “gánh nặng” cho giáo viên, trong đó có phương pháp giảng dạy, cô Tô Thị Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục toàn cầu) cho rằng với mức lương như hiện nay, căn cứ theo tháp nhu cầu Maslow thì giáo viên đang ở “level” thấp nhấp, tức là “đang cần no bụng”. “Bạn của tôi hiện đang làm giáo viên một trường THPT ở Q.3 nhưng vừa dạy, vừa làm trà sữa bán cho học sinh. Rồi bao nhiêu giáo viên bán hàng online tăng thêm thu nhập, cứ băn khoăn làm sao bán được nhiều hàng”, cô Quyên cho biết.
Theo cô Quyên, việc tăng lương không chỉ bao hàm ý nghĩa về vật chất mà quan trọng là ý nghĩa về tinh thần, tạo động lực cho họ phấn đấu, rằng họ thấy mình được trân trọng. Song song với đó, cô Quyên cho biết lương thấp thì khó mà thu hút nhân tài ngành sư phạm. “Đề án chỉ học sinh giỏi mới thi vào sư phạm có lẽ sẽ phá sản. Và có lẽ, mãi mãi cải cách giáo dục là “thuật ngữ xa vời”. Lương của một giáo viên mới vào nghề chỉ ở mức 2,5-3 triệu đồng thử hỏi người giỏi ai muốn vào nghề?”, cô Quyên khẳng định.
Ở khía cạnh khác, cô Quyên đặt ra vấn đề rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, người giáo viên nếu không liên tục thay đổi, liên tục nạp thêm kiến thức chắc chắn sẽ bị đào thải. “Khái niệm supper teacher – nghĩa là không có ranh giới trong học tập. Giáo viên nào giỏi có thể dạy cho hàng ngàn người. Học sinh đòi hỏi cao hơn, xã hội đòi hỏi cao hơn, giáo viên phải tự hoàn thiện mình mỗi ngày cả về chuyên môn, cả về nghiệp vụ. Lương thấp thì khó làm được những điều này!”, cô Quyên phân tích.
Theo cô Quyên, để cải thiện lương cho giáo viên mà không ảnh hưởng đến quỹ lương thì nên trao quyền tự chủ giáo dục cho các trường theo một cơ chế mở. “Mỗi trường sẽ tự thu hút học sinh dựa vào chất lượng giảng dạy để có thể tăng lương cho giáo viên mà không làm nặng ngân sách. Thay vào đó, các trường sẽ tự chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy của mình”, cô Quyên đề xuất.
Thiệt thòi cho giáo viên vùng sâu
Đó là chia sẻ của cô Tăng Thị Thanh Nga (giáo viên Trường THPT Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Theo cô Nga, giáo viên ngoại thành đã có những thiệt thòi như khó mà dạy thêm được, đặc biệt là các môn mà học sinh coi nhẹ như thể dục, giáo dục công dân, thiếu thốn về cơ sở vật chất, tiếp cận giáo dục. “Vì vậy, cứ mỗi lần nghe tăng lương là mong ngóng, chỉ cần tăng vài chục ngàn đồng thôi là đã thấy như yêu thêm nghề vậy”, cô Nga trải lòng.
Là giáo viên ngoại thành, với 9 năm cống hiến trong ngành, thu nhập hàng tháng của cô Nga tính cả trợ cấp ngành (chỉ dành cho giáo viên ngoại thành) và phụ cấp thâm niên, mỗi tháng trên 5 triệu đồng. Nói về phụ cấp giảng dạy, thu nhập tăng thêm, cô Nga cho biết khoản này không phải là lương và không ổn định, không phải giáo viên nào cũng giống nhau khi còn căn cứ vào giờ đứng lớp, vào thâm niên trong nghề. Nhưng những khoản thu tăng thêm này, theo cô Nga, mỗi tháng cũng chỉ dao động vài trăm ngàn đồng. “Nếu vì lương, chắc chắn đã rất nhiều giáo viên bỏ nghề, trong đó có tôi, có các đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi phải luôn đứng lớp với tâm niệm vì học sinh thì mới có thể theo nghề được!”, cô Nga chia sẻ.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)