Cuối năm, vấn đề thưởng Tết được người lao động rất quan tâm. Ảnh: I.T |
Chúng ta đón Xuân Quý Tỵ 2013 trong bối cảnh bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tình trạng nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội… Xuân chưa đến, nhưng vấn đề thưởng Tết đã bắt đầu “nóng” bởi đây là vấn đề người lao động rất quan tâm hiện nay, nó tác động trực tiếp đến “miếng cơm, manh áo” của họ.
Có người lao động cho rằng, chỉ cần trả hết nợ lương cho họ thì coi như đó là thưởng Tết rồi, có người thì thở dài: Thưởng Tết năm nay “hẻo” hơn năm ngoái… Điều đó cho thấy, sự mong đợi, hi vọng của đông đảo người lao động vào khoản tiền thưởng cuối năm là rất lớn.
Những thông báo ban đầu về số tiền thưởng Tết năm nay của một số công ty, doanh nghiệp cho thấy có sự chênh lệch rất lớn. Sự chênh lệch quá lớn này ít nhiều cũng phản ánh sự phân hóa về thu nhập, phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm đối tượng người lao động. 400 triệu đồng tiền thưởng Tết/ người lao động của một doanh nghiệp ở TP.HCM so với mấy trăm ngàn/ người lao động (thậm chí có doanh nghiệp không có thưởng Tết) là khoảng cách quá xa vời trước thềm Tết Quý Tỵ.
Ở nước ta, lương tối thiểu là cơ sở ban đầu để tính thu nhập cho người lao động và trên thực tế thì không ai sống được bằng lương tối thiểu cả. Trình độ chuyên môn là cơ sở ban đầu để xác định hệ số lương của người lao động theo hệ thống thang, bảng lương của Nhà nước. Và sau khi lương đã được nhân hệ số, người lao động còn phải dựa vào các nguồn thu nhập tăng thêm, phúc lợi khác để duy trì cuộc sống. Như vậy, phân khúc trình độ tạo nên sự chênh lệch trong thu nhập của người lao động và thường thì sự chênh lệch này mang tính tất yếu, được mọi người thừa nhận. Mỗi dịp cuối năm, người lao động lại xôn xao về vấn đề lương, thưởng. Có doanh nghiệp thì thưởng đồng thời tháng lương thứ 13 và thưởng Tết; có doanh nghiệp chỉ thưởng một trong hai. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị thì các nguồn thu nhập tăng thêm được “cào bằng” cho tất cả các đối tượng người lao động. Những cơ quan theo quan điểm “cào bằng” cho rằng: Đã là thu nhập tăng thêm thì ai cũng giống ai. Nhưng ở một số cơ quan, đơn vị thì trình độ chuyên môn cũng chính là cơ sở để tính các nguồn thu nhập tăng thêm, phúc lợi cho người lao động và họ lý giải như sau: Trình độ cao thì phải được hưởng thu nhập tăng thêm nhiều hơn so với trình độ thấp.
Thực tế thì ở các cơ quan hành chính sự nghiệp có thu sẽ có quỹ phúc lợi để chi trả thu nhập tăng thêm hàng tháng, thưởng vào các dịp lễ, Tết cho người lao động. Chẳng hạn, nhiều nhân viên của một bệnh viện thuộc quân đội đóng ở TP.HCM khẳng định: Thu nhập tăng thêm hàng tháng và các khoản thưởng của bệnh viện này đều như nhau. Có nghĩa rằng, từ vị tướng cho đến anh binh nhì, từ tiến sĩ, bác sĩ… cho đến người quét rác đều được thụ hưởng bình đẳng từ nguồn thu các loại hình dịch vụ mà bệnh viện này có được. Điều này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc và làm hài lòng tất cả các đối tượng lao động. Xét cho đến cùng, người lao động có trình độ cao thì thu nhập đã được Nhà nước trả lương cao hơn so với người lao động có trình độ thấp. Chưa kể, những người lao động có trình độ cao lại có nhiều cơ hội để tạo ra thu nhập hơn so với người lao động có trình độ thấp. Chẳng hạn, bác sĩ thì có thể mở phòng mạch tư (trong lúc điều dưỡng, hộ lý… thì chỉ trông chờ vào đồng lương), hay tiến sĩ, thạc sĩ trong các trường ĐH, CĐ thì có nhiều cơ hội để thỉnh giảng hơn so với các đối tượng khác. Cách tính phúc lợi cào bằng của bệnh viện trên được hầu hết các nhân viên đồng tình bởi ranh giới giữa những người đóng góp công sức nhiều và ít rất khó phân biệt. Hơn nữa, cũng đâu dễ nhận diện trình độ cao thấp ở trong các khoản thu để đưa vào quỹ phúc lợi. Ví dụ tiền thu được từ dịch vụ giữ xe, nhà thuốc, căng tin… thì đâu thể nói là người có trình độ cao làm nhiều hơn so với người có trình độ thấp.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách phúc lợi theo kiểu cào bằng như trên không nhiều mà phần lớn họ dựa vào trình độ chuyên môn để phân chia phúc lợi dẫn đến sự phân hóa thu nhập rất rõ nét giữa các nhóm đối tượng người lao động. Chẳng hạn, một số bệnh viện ở TP.HCM dựa vào điểm để tính thu nhập tăng thêm. Trình độ cao thì điểm sẽ cao và như thế khoản thu ngoài lương chính cũng cao hơn so với người có trình độ thấp. Có những bệnh viện tiền thưởng Tết của bác sĩ cao hơn rất nhiều so với điều dưỡng, hộ lý.
Các doanh nghiệp thường căn cứ trên doanh thu, sản phẩm để thưởng Tết nhằm tạo sự công bằng bởi sự đóng góp nhiều – ít của các đối tượng người lao động đã quá rõ ràng. Trong khi ở một số cơ quan, đơn vị thì sự đóng góp nhiều – ít đó chưa phân minh lại đòi hỏi sự hưởng thụ theo thứ bậc cao – thấp. Và như vậy vô tình đã tạo nên sự phân hóa giàu nghèo rõ nét: Người giàu lại càng sung túc và người nghèo thì nhìn mâm cỗ Tết của mình mà thấy tủi thân.
ThS. Nguyễn Quế Diệu
Bình luận (0)