Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lương tối thiểu chưa đủ sống… tối thiểu

Tạp Chí Giáo Dục

Bao giờ lương tối thiểu mới giúp người lao động đảm bảo cuộc sống? Ảnh: Q.Huy

Ngày 12-4, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống”. Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng mức lương tối thiểu đang được tính hiện nay chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của công chức và người lao động.
Chưa sống được bằng lương tối thiểu
Ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết theo đề án đã trình Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, nội dung cải cách chính sách tiền lương tối thiểu đến năm 2020 xác định và thực hiện lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Theo đó thực hiện điều chỉnh năm 2013 tăng 35-37%, năm 2014 tăng 25-27%, năm 2015 tăng 20-25% để đạt nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2015. Tuy nhiên, thực tế năm 2012 do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và dự báo năm nay tiếp tục còn khó khăn, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2013 với mức tăng 16-18% (thấp hơn so với mức dự kiến đã trình Trung ương tăng 35-37%). Ông Thành thừa nhận hiện lương tối thiểu ở khu vực Nhà nước mới đáp ứng được 50% mức sống tối thiểu của công chức. Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết hiện lương khối sự nghiệp hành chính mới chỉ bằng 70% khu vực doanh nghiệp. Lương tối thiểu của khối doanh nghiệp cũng chỉ mới đáp ứng được 62-69% mức sống tối thiểu của người lao động. Còn bà Văn Thu Hà, đại diện Oxfam (Tổ chức Liên minh chống nạn đói và nghèo khổ) thì khẳng định không chỉ chưa theo kịp mức sống, lương tối thiểu tại Việt Nam cũng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tăng lương tối thiểu những năm gần đây mới chỉ bằng 38-41% mức tăng GDP bình quân đầu người. Bà Hà còn nêu thực tế, ở Việt Nam, các doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng đẩy lương tối thiểu lên mức cho phép trong khi năng suất lao động thấp hơn khu vực FDI. Các doanh nghiệp FDI ép lương tối thiểu xuống sát mức Nhà nước quy định trong khi lao động phải làm cường độ cao, thêm giờ nhưng không được trả lương thỏa đáng. Đây là lý do giải thích lương của lao động nữ và lao động ngoại tỉnh thường thấp hơn so với nam và lao động địa phương…
Nghiên cứu của Oxfam cũng cho thấy hiện với những người sống bằng lương tối thiểu thì đó là cuộc sống chật vật, nằm trong nhóm có chi tiêu thấp nhất hiện nay, hay nói cách khác họ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo.
Bao giờ sống “khỏe”?

Lương tối thiểu đến nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống của người lao động. Ảnh: Q.Huy

Đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 1,15 triệu đồng từ 1-7-2013 (thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1-5-2013 như đã trình Trung ương). Vì vậy, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì năm 2014 và năm 2015 phải điều chỉnh mức tăng rất lớn, doanh nghiệp rất khó đáp ứng. 
Theo ông Lê Xuân Thành, nếu điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình sợ doanh nghiệp không chịu đựng được. Nếu điều chỉnh đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản.
Tuy nhiên, từ thực tế khảo sát điều kiện sống và lương của công nhân nhập cư tại Đồng Nai, ông Đoàn Văn Đây – Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai – nêu lên thực tế hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự điều chỉnh lương đều hoặc cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định. Mặc dù vậy đời sống của người lao động, nhất là lao động nhập cư đang thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập trung bình của người lao động trong 2 năm 2011-2012 ở Đồng Nai chỉ dao động từ 2,9 triệu – 3,8 triệu đồng/người/tháng. 
Mặt khác, ông Đây cho biết cùng một ngành nghề, cùng một địa bàn nhưng lương của người lao động ở doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi cao gấp 2-3 lần doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân. Nhiều doanh nghiệp ở khu vực này khi xây dựng thang, bảng lương chủ yếu là để đối phó với cơ quan quản lý bằng cách chia thành nhiều bậc lương, khoảng cách giữa các bậc chỉ cách nhau từ 10.000 đến 20.000 đồng dẫn đến tình trạng mỗi lần tăng lương người lao động cũng chỉ được tăng mức rất thấp. 
Trên cơ sở thực trạng điều kiện sống và lương của lao động nhập cư ở Đồng Nai, ông Đây đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu và áp dụng thống nhất tiền lương tối thiểu giữa các doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư nước ngoài tránh tình trạng cùng một công việc, ngành nghề như nhau nhưng lương tối thiểu khác nhau, dẫn đến bất bình đẳng trong tiền lương và cạnh tranh thiếu lành mạnh. 
Đồng tình với quan điểm trên, qua nghiên cứu các loại hình doanh nghiệp tại 10 tỉnh/thành thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) Đặng Quang Điều kiến nghị cần sớm điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2015. Ông Điều cho rằng cần quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương và đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương; nâng cao năng lực của công đoàn cơ sở trong thương lượng tiền lương. Chính phủ nên điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với mức sống tối thiểu, đảm bảo nhu cầu tối thiểu thực tế của người lao động; xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu đi kèm với việc cải cách chế độ tiền lương để công nhân, viên chức, lao động có thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)