Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lương tối thiểu năm 2015 sẽ tăng 15,1%

Tạp Chí Giáo Dục

Với 9/15 thành viên bỏ phiếu thông qua, hôm qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp lên 15,1% so với năm 2014 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Dự kiến lương mới sẽ được áp dụng từ 1.1.2015.


Dự kiến mức lương tối thiểu năm 2015 sẽ tăng từ 300.000 – 400.000 đồng (tùy từng vùng khác nhau) so với 2014 – Ảnh: Ngọc Thắng
Trước đó, tại cuộc họp ngày 31.7, đại diện các bên đưa 3 phương án tăng lương tối thiểu để Hội đồng tiền lương quốc gia thảo luận nhưng sau đó có nhiều quan điểm không thống nhất. Sau một tuần thương lượng, chỉ còn lại 2 phương án được đưa ra lấy ý kiến. Cụ thể, phương án của Tổng liên đoàn Lao động VN kiến nghị, mức lương tối thiểu năm 2015 vùng 1 từ 2,7 triệu đồng tăng lên 3,2 triệu đồng; vùng 2 từ 2,4 triệu đồng tăng lên 2,85 triệu đồng; vùng 3 tăng từ 2,1 triệu đồng tăng lên 2,52 triệu đồng; vùng 4 từ 1,9 triệu đồng tăng lên 2,3 triệu đồng.
Còn phương án của VCCI thấp hơn 100.000 đồng so với đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động VN. Cụ thể, vùng 1 từ 2,7 triệu đồng tăng lên 3,1 triệu đồng; vùng 2 từ 2,4 triệu đồng tăng lên 2,75 triệu đồng; vùng 3 từ 2,1 triệu tăng lên 2,42 triệu đồng; vùng 4 từ 1,9 triệu đồng tăng lên 2,2 triệu đồng.
Hội đồng tiền lương quốc gia bỏ phiếu và chọn phương án của VCCI (60% đồng thuận), để trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Theo đó, mức lương tối thiểu năm 2015 tăng bình quân 15,1%, mức tiền lương cụ thể giữa các vùng khác nhau sẽ tăng lên từ 300.000 – 400.000 đồng so với năm 2014.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, thành công lớn nhất của cuộc họp lần này là cả bên đại diện lao động và người sử dụng lao động đều thống nhất tăng lương tối thiểu cho người lao động, dù mức đề xuất còn khác nhau nhưng đều có sự điều chỉnh trong quá trình thương lượng. Để lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu vùng đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì trong năm 2016 và 2017 mức tăng sẽ phải lớn hơn. Chuẩn bị cho lộ trình này, trong năm 2015, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ bổ sung các căn cứ như chỉ số giá tiêu dùng, đời sống người lao động, lương giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, chênh lệch giữa khu vực phi chính thức và chính thức… khi nghiên cứu mức lương tối thiểu. Bên cạnh đề xuất tiếp tục tăng lương tối thiểu, hội đồng sẽ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập hội đồng nghiên cứu năng suất lao động, để đảm bảo đời sống lao động và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Quan trọng là sức khỏe của nền kinh tế
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Thực tế phải nhìn nhận rằng, tiền lương của người lao động VN hiện nay đang ở mức quá thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh việc tăng lương, vấn đề mấu chốt hiện nay là các giải pháp chính sách tiền tệ giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh sản xuất. Nếu doanh nghiệp chết thì lấy ai trả lương, tăng lương cho người lao động. Doanh nghiệp phải phát triển ổn định thì người lao động mới được trả lương xứng đáng. Vấn đề tăng lương phải được xem xét đi liền với duy trì và đảm bảo sức khỏe, sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp”.
Đảm bảo tiền lương thực tế
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Ngoài tăng lương tối thiểu thì việc quan trọng hơn là đảm bảo tiền lương thực tế, nếu nâng mức lương trên danh nghĩa mà không kiềm chế được tốc độ lạm phát và đi đôi với duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế, thì đời sống của người lao động chắc chắn không được cải thiện. Vì vậy, nếu Chính phủ chốt mức tăng này, thì ngoài các giải pháp kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện đồng bộ một số chính sách xã hội về an sinh xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục…”.
P.Hậu
Thu Hằng – Phan Hậu
(TNO)


Bình luận (0)