Nhà văn Lương Vũ Sinh |
Được coi là người khai sáng kỷ nguyên mới trong lịch sử tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, võ lâm trưởng lão Lương Vũ Sinh đã về chốn giang hồ của riêng mình sau 30 năm chuyên tâm sáng tác tiểu thuyết võ hiệp.
Với tác phẩm đầu tay Long hổ đấu kinh hoa (20.1.1954) đăng liên tục trên Tân văn báo Hồng Kông (trước Thư kiếm ân cừu lục của Kim Dung một năm), Lương Vũ Sinh được coi là khai sơn tổ sư của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. So với Kim Dung, thời gian sáng tác của Lương Vũ Sinh dài gấp đôi, số lượng tác phẩm cũng gấp đôi, gồm 35 bộ trường thiên tiểu thuyết với 160 cuốn, tiêu biểu như Long hổ đấu kinh hoa, Thảo mãng xà long truyện, Bạch phát ma nữ, Tái ngoại kỳ hiệp truyện, Thất kiếm hạ thiên sơn, Giang hồ tam nữ hiệp, Vân hải ngọc cung duyên, Bình tung hiệp ảnh, Đại đường du hiệp ký, Vũ Đương nhất kiếm…
Không giống Kim Dung ôm đồm nhiều việc: biên kịch, đạo diễn điện ảnh, làm báo, viết chính luận, hoạt động chính trị…, Lương Vũ Sinh chỉ tập trung sáng tác văn chương võ hiệp và được đánh giá là một nhà văn chân chính, luôn ra sức bảo vệ vị trí của tiểu thuyết võ hiệp trên văn đàn. Báo chí Trung Quốc thừa nhận ông không những đa tài, đa nghệ mà còn có học thức uyên bác, đặc biệt rất xuất sắc về văn chương, lịch sử Trung Quốc, thi từ, kỳ đạo, đối liễn… tới mức Kim Dung cũng không sánh kịp. Kiến thức sâu rộng cùng tính cách kiên nghị, nhẫn nại dành trọn 30 năm cho văn học võ hiệp đã ảnh hưởng sâu đậm lên các tác phẩm của ông.
Nhiều tác phẩm của Lương Vũ Sinh đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa (như Thất kiếm – đạo diễn Từ Khắc) và phim truyền hình ăn khách (như Thất kiếm hạ thiên sơn, Bình tung hiệp ảnh, Bạch phát ma nữ, Thần châu hiệp lữ, Đại đường du hiệp ký…), được Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, thậm chí cả Singapore dựng lại thành nhiều bản. Nhiều diễn viên nữ như Lâm Thanh Hà, Thái Thiếu Phân… nhờ tham gia các phim kiếm hiệp này đã nổi lên thành các ngôi sao sáng.
Ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Lương Vũ Sinh đã định vị tiểu thuyết của mình, đó là phát huy sở trường học vấn, viết truyền kỳ lịch sử. Mỗi bộ tiểu thuyết đều có bối cảnh lịch sử rõ ràng, phần lớn đều lấy những sự kiện lịch sử quan trọng làm cái khung cho cốt truyện. Ví dụ Long hổ đấu kinh hoa và Thảo mãng long xà truyện đã lấy phong trào Nghĩa Hòa đoàn nổi tiếng cuối đời Thanh làm bối cảnh và tuyến tự sự, phản ánh được sự lựa chọn khó khăn giữa việc phản Thanh, diệt Dương và phù Thanh, diệt Dương của các anh hùng thảo dã và nghĩa sĩ Hán tộc. Hoặc các tiểu thuyết thuộc bộ Thiên Sơn hệ liệt như Thất kiếm hạ thiên sơn, Vân hải ngọc cung duyên, Giang hồ tam nữ hiệp… lại viết về những biến động lịch sử từ đầu đến giữa đời Thanh. Trong khi Bạch phát ma nữ, Hoàn kiếm kỳ tình lục, Bình tung hiệp ảnh… lại viết trên bối cảnh lịch sử triều Minh. Các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết của ông như Võ Tắc Thiên, Từ Hy thái hậu, Càn Long, Ung Chính, Đường Huyền Tông… nhiều tới mức chiếm nửa bộ từ điển nhân vật lịch sử từ đời Đường đến đời Thanh.
Các nhân vật giang hồ và hào kiệt võ lâm được hư cấu thường trực tiếp tham dự những sự kiện lịch sử trọng đại trong tác phẩm. Điểm khác biệt cơ bản trong tác phẩm của ông là phần lớn có sắc thái chính trị rõ ràng, mượn câu chuyện truyền kỳ để mô tả biến động lịch sử, biểu hiện xu thế phát triển của lịch sử, hình thành nên chủ đề riêng biệt mà các tiểu thuyết võ hiệp khác không hề có. Nhiều nhà phê bình nước này thừa nhận tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh đã kết hợp được lịch sử với truyền kỳ, đem hai thứ vốn thuộc hai lĩnh vực khác nhau, kết hợp sáng tạo nên một thế giới võ hiệp mới mẻ. Trong đó phương châm sáng tác của ông luôn chủ trương giữ hiệp làm chính, võ là phụ; võ chỉ là phương tiện, hiệp mới là mục đích. Thông qua võ lực mà đạt tới mục đích hiệp nghĩa. Sự trân trọng tình yêu, tôn trọng phụ nữ, khám phá tâm linh cũng là một trong những đặc điểm chính xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.
Năm 1984, Lương Vũ Sinh tuyên bố “phong đao”, chấm dứt sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, theo con sang định cư tại Úc và dự định chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử chính thống. Ngày 22.1.2009, Lương Vũ Sinh đã qua đời tại Sydney, thọ 85 tuổi. Để tưởng nhớ nhà văn nổi tiếng này, nhiều nhà sách tại Trung Quốc hiện nay đã dành trọn nhiều quầy sách bán riêng các tác phẩm của ông.
Cảnh trong phim "Thất kiếm hạ thiên sơn" |
Cảnh trong phim "Bình tung hiệp ảnh" – Ảnh: sina.com.cn |
Nguyễn Lệ Chi (Theo TNO)
Bình luận (0)