Bài cuối: Sống chung với HIV/AIDS
Y, bác sĩ đang chăm sóc BN nhiễm HIV/AIDS tại khoa nhiễm E, BV Nhiệt Đới TP.HCM. Ảnh: V.M |
Hai nghề được mọi người trân trọng gọi bằng thầy, đó chính là thầy thuốc và thầy giáo. Thế nhưng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân (BN) HIV/AIDS, tính mạng người thầy thuốc luôn đối diện với nguy hiểm.
Nghề nguy hiểm
Khi tôi liên hệ để viết bài này, tôi được TS.BS Trần Tịnh Hiền, phó Giám đốc BV Nhiệt Đới TP.HCM giới thiệu xuống khoa E (khoa điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS), làm “BS tập sự”. Có ở đây mới thấy hết được người y, BS phải từng ngày, từng giờ đối diện với nguy cơ phơi nhiễm HIV như thế nào. Vừa vào tôi ngạc nhiên bởi sự vui vẻ của các BS nơi này. BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa E, lý giải: “Tất cả các BN ở đây đều là những người bị nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối. Thôi thì cũng để họ tự do vui vẻ cho những tháng ngày cuối đời một chút cũng không có gì phải bận tâm. Mặt khác, để cho các y, BS ở khoa có tinh thần làm việc vì họ thường xuyên phải đối diện với cái chết”. Rồi tôi được BS Chí khoác cho chiếc áo blouse trắng làm “BS tập sự” để dễ tiếp xúc BN và nói như lời BS Chí là “có gì em cứ viết nấy cho nó thực”.
Tr. Th. H., một điều dưỡng bị phơi nhiễm HIV, khi tôi đến chị vẫn đang đẩy xe đi tiêm thuốc cho BN. Vừa làm chị vừa hỏi BN: “Anh đã thấy khỏe hơn chưa? Anh nằm xuống nghỉ đi có gì cứ gọi em”. Từ phía buồng bệnh cuối cùng, một người nhà của BN chạy lại gọi lớn: “Chị ơi, nước biển bị tắc rồi!”. Chị H. lại vội vàng đứng dậy, chạy qua rút kim tiêm dịch truyền cho BN. Cuối buổi sáng, khi việc đã tạm ngớt, chị mới gỡ bộ khẩu trang ra rồi tâm sự: “Nghề thầy thuốc là một nghề nguy hiểm, đặc biệt là khi phải làm việc trực tiếp suốt ngày với BN nhiễm HIV/AIDS. Khi bước vào nghề tôi cũng chuẩn bị tâm lý là thế nào cũng có ngày bị phơi nhiễm thôi”. Quả đúng như vậy, chị đã bị phơi nhiễm vào năm 2008. Khi kể lại tình huống bị phơi nhiễm HIV, giọng chị vẫn không khỏi lo lắng: “Bữa đó đi tiêm cho một BN, do BN nghiện ma túy, lên cơn nên co giật, đã làm kim tiêm đâm vào tay”. Đến nay chị H. vẫn giấu cha mẹ và bạn bè. Tương tự như chị H., điều dưỡng Đ., làm ở khoa E đã được 20 năm thì bị tai nạn vào lúc trực đêm. Một BN bị viêm não đang truyền dịch, BN vật vã tự động bứt kim ra khỏi người. Tay BN túa máu. Sợ BN mất máu, chị Đ. không kịp mang găng tay cầm vội miếng bông gòn chạy đến. Do tay chị đang có vết thương nên máu của BN từ bông gòn đã thấm vào vết thương ở tay chị.
Bác sĩ K. thì bị tai nạn vào năm 2006. Trong một lần khám cho BN nhiễm HIV/AIDS, bất ngờ BN phản xạ hất tay mạnh vào tay anh làm kim đâm trúng tay. “Nghề nào cũng có những rủi ro và tai nạn riêng. Nếu sợ lây nhiễm HIV, tôi đã không làm việc ở khoa nhiễm E, nơi chuyên tiếp nhận điều trị BN nhiễm HIV/AIDS này”, BS K. quả quyết.
Công việc chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm HIV /AIDS đã vất vả, nhưng đối với những trường hợp bị người nhà “bỏ rơi” thì các y, BS càng “nặng gánh” hơn. Họ phải chăm sóc BN cho đến khi BN “ra đi”. Chị Trần Thị Thanh, Y tá trưởng, khoa E, tâm sự: “Khó khăn, vất vả là thế nhưng chăm sóc, điều trị cho những BN vào giai đoạn cuối thì khổ hơn nhiều. BN nằm gần như bất động tại giường, rất hạn chế về cử động, mọi sinh hoạt từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều tại giường. Họ khó có thể “tự giúp mình”. Không ai khác chính các điều dưỡng viên là người giúp đỡ BN ăn uống, thay quần áo, ra, gối hàng ngày. Cái khó cho chúng tôi là trong quá trình điều trị không nhận được sự hợp tác từ phía BN. Do quá bất mãn, vì nghĩ rằng đằng nào cũng chết nên họ không chịu tiêm, phá phách mọi thứ. Mặt khác, đôi khi chúng tôi đã không nhận được sự chia sẻ từ phía gia đình BN”.
Hi sinh thầm lặng
Được biết tại khoa nhiễm E, BV Nhiệt Đới, hiện nay có gần 2/3 điều dưỡng của khoa từng bị phơi nhiễm HIV. Có người bị đến hai lần như hộ lý L., điều dưỡng S…
Ngoài cú sốc về tinh thần, các thầy thuốc bị phơi nhiễm còn phải chịu đựng những tác dụng phụ kinh khủng của thuốc đặc trị HIV. Hằng ngày họ phải động viên nhau “ráng mà uống thôi”. Người thì ăn cơm không được, lúc nào cũng buồn nôn như phụ nữ ốm nghén. Người lại xây xẩm, hoa mắt, nôn nao. Đêm ngủ chập chờn, có khi gặp toàn ác mộng.
Chị S. kể: “Mấy tuần đầu uống thuốc tôi phải kê ghế bố nằm kế… nhà vệ sinh vì đi không nổi, bị tiêu chảy, dị ứng thuốc (ngứa, da xám xịt, mặt sưng phù). Vậy mà các anh chị vẫn bảo: “Uống thuốc rồi mới biết và thương BN hơn”.
Theo các bác sĩ, HIV là vấn đề rất nhạy cảm. Không phải ai cũng hiểu nhiễm HIV và phơi nhiễm HIV là thế nào. Vì vậy, đa số khi bị phơi nhiễm chỉ dám nói chuyện này với chồng hoặc vợ mình, còn cha mẹ, anh em, bạn bè bao giờ họ cũng giấu. Không khỏi chạnh lòng khi một điều dưỡng kể rằng nhiều người thường nghĩ “chỉ có người nhiễm HIV mới đi chăm sóc người nhiễm HIV”. Chính vì vậy, có điều dưỡng khi được người yêu đưa về gia đình giới thiệu thì mất luôn người yêu chỉ vì mẹ của anh biết cô làm công việc chăm sóc người nhiễm HIV.
Một ngày ở Khoa nhiễm E, không thể gặp và kể hết những câu chuyện về các BS, điều dưỡng đã và đang bị phơi nhiễm HIV. Qua con số thống kê của BV mà chúng tôi có được là chỉ từ năm 2001 đến 2007, TP.HCM có gần 900 nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV. Trong đó 50% là điều dưỡng, còn lại là kỹ thuật viên và BS… Những con số thống kê từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã nói lên phần nào sự cống hiến, hi sinh âm thầm của họ.
Kể cho tôi về chuyện nghề mà chị Th. cứ nhắc đi nhắc lại với tôi “đừng viết rõ tên tôi trên báo, gia đình sẽ lo lắng”. Đó cũng là yêu cầu của tất cả các thầy thuốc bị phơi nhiễm HIV ở đây. Tôi đành phải viết về những công việc thầm lặng của những người bị phơi nhiễm HIV dưới những họ tên khác.
Văn Mạnh
Bình luận (0)