Tại buổi giao nhận hồ sơ giữa 27 tỉnh/thành với các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc diễn ra hôm qua tại Hà Nội, lượt thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay có chiều hướng chững lại.
|
Giảm hoặc tương đương năm ngoái
Theo thống kê ban đầu của Bộ GD&ĐT, khoảng một triệu hồ sơ đã được giao nhận giữa 27 tỉnh thành (từ Nghệ An trở ra) với các trường ĐH, CĐ phía Bắc trong ngày hôm qua 5/5, tại Hà Nội. Con số này tương đương với số hồ sơ được giao nhận cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy có dấu hiệu chững lại về số lượng hồ sơ đăng ký dự thi sau một quá trình tăng trưởng đều đặn hàng năm lượt thí sinh đăng ký dự thi trong những năm trước đây.
Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Ninh… là những địa phương có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm từ 2.000 đến 3.000 bộ mỗi tỉnh. Một số địa phương khác có mức giảm ít hơn, từ vài ba trăm đến 1.500 bộ hồ sơ/ tỉnh như Ninh Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn… Một số tỉnh (Nghệ An, Hòa Bình, Cao Bằng…) thì có lượng hồ sơ tương đương năm ngoái.
Một số tỉnh lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm khá mạnh. Thanh Hóa và Hải Dương mỗi nơi giảm khoảng 10.000 hồ sơ. Tỷ lệ giảm chỉ ở mức 5 – 10 phần trăm so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi của chính những địa phương này nhưng con số đó bằng hoặc nhiều hơn gấp nhiều lần cả tổng số thí sinh dự thi của một số tỉnh khác như Hòa Bình, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu…
Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng thì lượng hồ sơ lại tăng. Thậm chí, Hà Nội tăng hơn 15.000 hồ sơ (so với tổng số hồ sơ Hà Nội cũ và Hà Tây cũ năm ngoái). Hải Phòng tăng nhẹ hơn: khoảng gần 2.000 hồ sơ. Số hồ sơ tăng nhưng, theo bà Tạ Song Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Hà Nội) tỷ lệ hồ sơ ảo của Hà Nội năm nay giảm đáng kể.
Tính bình quân mỗi thí sinh (tính trên lượng học sinh đang học lớp 12 và số thí sinh tự do có nhu cầu dự thi ĐH, CĐ năm nay) nộp hai hồ sơ. Trong khi đó năm ngoái, riêng Hà Nội cũ, tỷ lệ này là 2,4 hồ sơ/thí sinh.
Thực tế hơn
Năm nay, ĐH Mở và ĐH Thương mại là sự lựa chọn hàng đầu của thí sinh Hà Nội. Cụ thể, chỉ từ Hà Nội, ĐH Mở nhận được 14.805 hồ sơ, ĐH Thương mại nhận được 12.271 hồ sơ. Mặt khác, trong khi lượng hồ sơ vào một số trường điểm tuyển cao từ các tỉnh nhìn chung đều giảm thì từ Hà Nội vẫn tiếp tục tăng: ĐH Bách khoa Hà Nội – 4.322 hồ sơ (năm ngoái là 3.366); ĐH Ngoại thương – 3.140 (2.518); ĐH Kinh tế Quốc dân – 6.000 (4.202). Theo bà Tạ Song Hà, tỷ lệ đăng ký dự thi vào các khối ngành kinh tế, ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) của Hà Nội cao vượt trội so với các khối ngành khác.
Xu hướng chọn trường của thí sinh các tỉnh ngược lại với thí sinh Hà Nội. Nhiều tỉnh, thí sinh đặc biệt ưa chuộng các ngành kỹ thuật, nông lâm. Các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam.v.v…, các trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, CĐ Giao thông vận tải… thay nhau nằm trong danh sách những trường được thí sinh chọn nhiều nhất. Trong xu hướng đó, ĐH vùng cũng là lựa chọn ưu tiên của thí sinh nhiều địa phương, đặc biệt là ở những nơi có ĐH vùng đóng như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An.
Tính thực tế trong chọn trường, chọn ngành của thí sinh năm nay thể hiện đặc biệt rõ nét trong số liệu thống kê hồ sơ đăng ký dự thi của Nghệ An. Tỉnh này có tổng cộng 102.000 hồ sơ đăng ký dự thi thì trong đó khoảng 43.400 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ phía Bắc, 30.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ phía Nam, 29.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH Vinh. Riêng số hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH Công nghiệp Hà Nội của Nghệ An năm nay cao gần gấp đôi năm ngoái (3.200/1.700).
Được biết, ngày 7/5, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức giao nhận hồ sơ đăng ký dự thi giữa các tỉnh thành và các trường ĐH, CĐ phía Nam.
|
Quý Hiên (TPO)
Bình luận (0)