Vinh dự được gặp Bác Hồ trong một lần Người đến thăm Lạng Sơn, từ đó hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc luôn hiện diện trong tim của nhà điêu khắc Nguyễn Lệ Thủy (hiện đang sống tại quận 3, TP.HCM). Mãi đến sau này, những tác phẩm mà bà sáng tác đều gắn liền với Bác Hồ.
Nhà điêu khắc Lệ Thủy bên cạnh tác phẩm của mình mang tên “Bác của chúng cháu”
Nhà điêu khắc Nguyễn Lệ Thủy sinh năm 1934 tại Lạng Sơn. Bà là một trong những “cây đại thụ” của nền điêu khắc Việt Nam và vinh dự được gặp Bác Hồ lúc Bác về thăm nhân dân Lạng Sơn vào năm 1960. Trong sâu thẳm, thiêng liêng nhất của tâm hồn mình, nhà điêu khắc Lệ Thủy luôn dành lòng quý mến, kính yêu tới Bác Hồ – người dành cả cuộc đời cho dân tộc Việt Nam.
Nhà điêu khắc Lệ Thủy cho biết, bà bén duyên với nghề điêu khắc từ thời còn trẻ, đề tài sáng tác ban đầu của bà là về các nữ tướng Việt Nam như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Chân, Nguyễn Thị Minh Khai… Về sau, ngoài đề tài về nữ tướng, bà còn sáng tác về Bác Hồ, đặc biệt là Bác Hồ với thiếu nhi. Nhắc đến vị Cha già kính yêu của dân tộc, nhà điêu khắc Lệ Thủy vẫn còn nhớ như in từ mái tóc, chòm râu, ánh mắt, bàn tay cho đến từng bước đi của Người dù chỉ vinh dự được gặp Bác một lần duy nhất trong đời. Nhà điêu khắc Lệ Thủy kể, năm 1960, Bác Hồ đến thăm nhân dân Lạng Sơn. Lúc đó ngôi trường mà bà theo học sát bên sân vận động – nơi Bác Hồ nói chuyện và gặp nhân dân Lạng Sơn. Vì vậy mà bà có cơ hội được đón Bác và nghe Bác nói chuyện với mọi người. “Lúc đó vừa thấy Bác, mọi người đều xôn xao cả lên vì sung sướng, còn Bác thì ăn mặc giản dị, nở nụ cười trìu mến, vẫy tay chào mọi người. Sau đó, Bác ra hiệu kêu mọi người im lặng để Bác nói chuyện, ngay lập tức, mọi người trở nên trật tự – đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi có vinh dự được gặp Bác” – nhà điêu khắc Lệ Thủy nhớ lại.
Dù chỉ được gặp Bác Hồ có một lần nhưng nhà điêu khắc Lệ Thủy luôn dành sự ngưỡng mộ đối với Bác Hồ. Bởi Bác không chỉ có tài năng, trí tuệ mà còn là người bình dị, giản đơn, hết lòng vì nhân dân. Dù thời gian đã đi qua 60 năm kể từ lần gặp Bác, nhưng với nhà điêu khắc Lệ Thủy, lòng kính yêu mà bà dành cho Bác Hồ vẫn không hề phai nhạt. Tấm gương sáng của Bác là nguồn sống, là hành trang nghệ thuật suốt cuộc đời của bà. Để thể hiện tình cảm mà bà dành cho vị Cha già kính yêu, hàng trăm tác phẩm điêu khắc về Bác Hồ với người dân, thiếu nhi được bà thể hiện rất tinh xảo, tỉ mỉ, được giới chuyên môn đánh giá cao. Điều đặc biệt mà nhiều người trân quý ở bà là đa phần sáng tác của bà đều dành tặng cho những người thân quen và nhiều bảo tàng trên khắp cả nước. Nhà điêu khắc Lệ Thủy bộc bạch: “Tôi là nhà điêu khắc nghèo vì tôi sáng tác để thỏa lòng đam mê và tấm lòng mà tôi đối với Bác Hồ. Đến bây giờ, dù sức khỏe không còn như xưa nhưng lúc nào khỏe là tôi lại sáng tác. Với tôi, Bác Hồ luôn sống mãi trong tim mình”.
Mỗi tác phẩm về hình tượng Bác Hồ đều được nhà điêu khắc Lệ Thủy đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc, thậm chí có những tác phẩm hoàn thành, không ưng ý, bà sẵn sàng làm lại từ đầu cho đến khi nào bà hài lòng thì thôi.
Sau năm 1975, nhà điêu khắc Lệ Thủy chuyển vào TP.HCM sinh sống và tiếp tục sáng tác. Có thể nói, ngoài gia đình thì “gia tài” mà bà có được chính là những bức tượng mà bà dành cả đời để sáng tác, trong đó nhiều nhất là tượng về Bác Hồ. Nhà điêu khắc Lệ Thủy tâm niệm: “Mỗi người có một cái nghiệp với nghề, thế mới có người này làm nghề này, người kia làm nghề khác mặc dù biết nó không mang lại cho mình giàu sang, phú quý. Với tôi đã trót yêu điêu khắc thì phải sống chết và “thủy chung” với nghề”.
Ở cái tuổi 86, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng nhà điêu khắc Lệ Thủy vẫn rất lạc quan, yêu đời và sẵn sàng tham gia triển lãm về điêu khắc nếu ở đó không phân biệt tuổi tác. Với nhà điêu khắc Lệ Thủy, điều bà trăn trở nhất hiện nay là lớp người trẻ kế thừa vì thế hệ của bà đã “gần đất xa trời” nhưng số lượng người trẻ theo đuổi nghề điêu khắc thì rất hiếm hoi. Vì lẽ đó bà mong muốn Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ bạn trẻ theo nghề này để điêu khắc luôn tồn tại và phát triển.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)