Để thực hiện di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, nhóm thân hữu của ông đã dành phần thời gian, công sức của mình để tìm kiếm nguồn lực, giúp tri âm an lòng nơi chín suối. Nhờ đó, một số di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê đã được thực hiện, tiếp lửa cho thế hệ trẻ đối với nghệ thuật truyền thống.
NSND Kim Cương cùng các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa chia sẻ về Quỹ học bổng Trần Văn Khê
Thành lập quỹ học bổng Trần Văn Khê
Trước khi qua đời, GS-TS Trần Văn Khê có nhiều di nguyện, trong đó có việc thành lập quỹ học bổng mang tên ông để khuyến khích những học sinh, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.
Bà Nguyễn Thế Thanh (Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trần Văn Khê) kể, để thực hiện di nguyện này, nhóm thân hữu gồm bà, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông Hồ Thủy Tinh, TS. Nguyễn Nhã, ông Trần Bá Thùy, doanh nhân Lê Quốc Ân, bà Lê Ngọc Hân… đã ra sức để tìm kiếm nguồn lực. Sau một thời gian dài, năm 2019 nhóm thân hữu mới nhận được sự phối hợp của Trường Đại học Văn Lang. Nhà trường chịu trách nhiệm thành lập quỹ học bổng theo di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê. “Nhận được tin quỹ học bổng sẽ được ra đời, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Vậy là di nguyện bấy lâu nay của GS-TS Trần Văn Khê đã được thực hiện”, bà Thanh chia sẻ.
Sau 4 lần điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tháng 3-2021, Quỹ học bổng Trần Văn Khê đã danh chính ngôn thuận ra đời trong sự vui mừng của những người yêu quý ông. Dù muộn nhưng đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Giải thưởng Trần Văn Khê lần thứ nhất diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (24-7-2021). Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc.
Để chuẩn bị cho lễ trao học bổng lần thứ nhất, ban tổ chức đã mời NSND Kim Cương tham gia hội đồng chuyên môn và bà chấp nhận với sự xúc động sâu sắc. NSND Kim Cương ân cần góp ý về cách thức bầu chọn người tài để tôn vinh. Bà nhắc nhở nên thông báo công khai, rộng rãi để tìm cho được những tài năng âm nhạc dân tộc đích thực. Bà nhấn mạnh nhiều lần: “Tôi luôn sẵn sàng làm mọi việc vì ông”.
Sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp”
Kể về kỷ niệm với GS-TS Trần Văn Khê, NSND Kim Cương nhớ lại, hồi còn là một “con bé bơ vơ” trên đất Pháp, trốn đi chơi bị anh hai (GS-TS Trần Văn Khê) rầy, rồi hỏi xin tiền, hay những lần tâm sự về đời người nghệ sĩ khi cánh màn nhung khép lại cùng người mà bà xem là anh lớn, người thầy, người cha. “Tôi còn nhớ lần anh Khê rủ tôi qua nhà hàng Pacific, chỗ ảnh được mời đến dự, còn tôi thì chỉ đi theo chơi và ăn ké. Khách khứa đông lắm, người ta xin chụp hình, xin chữ ký anh Khê nhiều lắm. Khi khách khứa về dần hết, còn lại 2 anh em ngồi nhìn sông Sài Gòn, anh Khê cười nói: Em thấy không, tụi mình là những người sống cho mọi người, chứ không phải sống cho mình, sau những vinh hoa, vui vẻ của nghệ thuật rồi còn lại sự cô đơn. Điều làm tôi xúc động nhất là cả cuộc đời anh Khê sống ở Pháp, tới khi cuối đời vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau góp phần thực hiện di nguyện của ông”, NSND Kim Cương nhớ lại.
Hiện nay quỹ đã đi vào ổn định hoạt động. Trong năm 2022, quỹ sẽ thành lập hội đồng nghệ thuật để xét và trao giải thưởng Trần Văn Khê năm đầu tiên.
Lưu giữ “kho tàng” của tri âm
Sau khi Quỹ Học bổng Trần Văn Khê, nhóm thân hữu Trần Văn Khê và NXB Tổng Hợp TP.HCM đã cho ra mắt cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp”. Cuốn sách góp phần đóng góp vào Quỹ học bổng Trần văn Khê. Cuốn sách bao gồm 58 bài viết của 48 tác giả. Bên cạnh phần lớn các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016 là các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới được bổ sung vào cuối năm 2021 đã làm đầy đặn thêm tình cảm, sự đánh giá của các nhà hoạt động văn hóa đặc biệt là hoạt động âm nhạc dành cho con người và sự nghiệp đáng trân trọng của GS-TS Trần Văn Khê.
Nói về tình cảm của mình với GS-TS Trần Văn Khê, TS. văn hóa Hồ Văn Cường rất biết ơn. Theo TS Cường, hồi còn đi học, ông nhiều lần thấy thầy GS-TS Khê trên truyền hình, trên mạng. Trong một lần tìm hiểu về lễ cúng đình ở Q.1 ông vinh dự được bố trí ngồi gần GS-TS Trần Văn Khê. Không bỏ lỡ cơ hội, ông đã hỏi thăm GS-TS Khê kiến thức về văn hóa đình làng. GS-TS Khê vừa nói vừa giảng từng ly từng tí về âm nhạc dân tộc trong lễ cúng đình, từng thứ phối hợp để tạo nên bản nhạc cúng đình.
Người trẻ tìm hiểu về GS-TS Trần Văn Khê tại bảo tàng Hồ Chí Minh
Bà Nguyễn Thế Thanh khẳng định: “Gần 1.000 cuốn sách và tạp chí, hơn 100 bản báo cáo liên quan đến nghiên cứu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam, hàng trăm số ghi chép, đĩa và băng ghi âm, nhạc cụ các loại gắn với sự nghiệp âm nhạc GS-TS Trần Văn Khê. Tất cả các hiện vật quý giá ấy đã được ông mang từ Pháp về tặng lại cho cộng đồng thông qua sự quản lý của nhà nước mà Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM là đại diện. GS.TS Trần Văn Khê đã đóng góp tất cả những gì có thể, kể cả những ngày sống và làm việc cuối cùng tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, để những người ở lại hoàn toàn có thể xây dựng được một địa chỉ có giá trị văn hóa cho nhiều người. Địa chỉ ấy không chỉ có sách báo để tra cứu, có phim để xem, có hiện vật để nhìn ngắm mà còn có hơi ấm của một con người tỏa sáng một đời chỉ làm một việc giữ gìn và miệt mài quảng bá cho âm nhạc dân tộc”.
Trinh Trinh
Bình luận (0)