Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tặng quà và kỷ yếu 10 năm thành lập trường cho sinh viên Lào. Ảnh: I.T
|
Đa số lưu học sinh (LHS) Lào học tại Việt Nam không theo kịp chương trình và có kết quả thấp do gặp trở ngại về tiếng Việt.
LHS cũng chủ yếu dồn vào những ngành “hot” như tài chính – ngân hàng, thương mại, kinh tế… mà ít tập trung vào lĩnh vực đất nước đang cần như nông – lâm nghiệp, mỏ, năng lượng, giáo dục…
Học qua… phiên dịch
Hiện nước ta có gần 7.800 cán bộ, HS Lào đang học tập, trong đó gần 1.300 người thuộc diện tự túc. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị “Hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào năm 2013” tổ chức ở TP.HCM ngày 27-12, đa số LHS Lào chỉ đạt trình độ trung bình, số khá giỏi rất ít. Đặc biệt, đối tượng LHS theo học bổng của các tỉnh kết nghĩa, học bổng chính sách, cán bộ đi học và không qua thi tuyển chọn ở Lào còn nhiều hạn chế kiến thức phổ thông và tiếng Việt.
Ở chương trình liên kết đào tạo với Lào, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, trình độ tiếng Việt của học viên chưa đáp ứng, học viên phải học qua… phiên dịch vì chỉ được bồi dưỡng tiếng Việt từ 3-6 tháng. Chính học viên Lào cũng cho biết, họ chỉ tiếp thu được tối đa 80% nội dung khóa học. Hiện nước ta có 6 cơ sở giáo dục ĐH đang thực hiện các chương trình liên kết tại Lào với số lượng trên 1.200 học viên.
Hạn chế tiếng Việt ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng học tập của LHS Lào. Tại Học viện Tài chính, hầu hết LHS năm nhất và năm 2 đều phải học lại và học cải thiện các môn vì tiếng Việt yếu. Bình thường mỗi LHS chỉ cần học 129 tín chỉ đã đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng vì học lại và cải thiện từ 40-60 tín chỉ khiến đội số lượng phải hoàn thành lên đến 170-190.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM khóa 2008-2013 có 5 LHS nhưng chỉ 1 em tốt nghiệp, 3 em khác đang hoàn thành số tín chỉ còn lại và 1 em bị buộc thôi học do không đáp ứng được số lượng tín chỉ yêu cầu.
Vấn đề khác gây lo lắng là tình trạng mất cân đối ngành nghề do LHS cũng chủ yếu dồn vào ngành “hot” như tài chính – ngân hàng, thương mại, kinh tế… mà ít tập trung vào lĩnh vực đất nước đang cần như nông – lâm nghiệp, mỏ, năng lượng, giáo dục. Trong khi đó, nhiều LHS Lào chưa được hướng nghiệp đầy đủ về vấn đề chọn ngành nghề nên hằng năm luôn có một số xin chuyển ngành phù hợp hơn. Thậm chí những LHS đã tham gia chương trình liên kết theo hình thức 2+2 (2 năm học tại Lào, 2 năm học tại Việt Nam) đối với các ngành kỹ thuật nay đều chuyển sang ngành kinh tế.
Thực tế cho thấy mặc dù lựa chọn những ngành “hot” nhưng khả năng tốt nghiệp đúng hạn của các LHS Lào không cao. Đơn cử, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trở ngại về tiếng Việt khiến LHS không theo kịp bài giảng, thuyết trình, làm bài tập nhóm và khó đạt điểm kiểm tra cuối học phần. Hầu hết LHS không tốt nghiệp đúng hạn mà phải kéo dài thời gian học tập tại trường.
Chọn lọc đầu vào
Bà Vũ Thị Ánh (Hiệu trưởng Trường Hữu nghị 80) cho rằng, làm tốt khâu tuyển chọn LHS Lào khi đưa sang học tập tại Việt Nam sẽ góp phần cải thiện chất lượng đào tạo. “Trên thực tế, kết thúc khóa học có sự chênh lệch lớn về trình độ tiếng Việt giữa tốp đầu và tốp cuối trong khi các em được học cùng một môi trường. Điều này cho thấy chất lượng đầu vào và mức độ chuyên cần của từng LHS quyết định nhiều đến kết quả học tập”, bà Ánh nêu rõ.
Đại diện ĐH Đà Nẵng cũng đề nghị thành lập Trung tâm Tổ chức dạy tiếng Việt cho LHS tại Lào, học dự bị từ 3-6 tháng, sau đó tuyển chọn những LHS đáp ứng được yêu cầu tiếng Việt ở mức tương đối sang Việt Nam học tập. Điều này cũng chính là một trong các đề xuất từ phía Bộ GD-ĐT, cụ thể từ năm 2013, LHS Lào sẽ học dự bị 4 tháng tiếng Việt tại Lào trước khi cử sang Việt Nam học nâng cao tiếng Việt thêm 1 năm.
Đồng thời, việc tăng cường kinh phí cho các trường ĐH – CĐ được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho Lào để xây dựng ký túc xá, phòng học, thư viện phục vụ nâng cao chất lượng cũng được bộ đề cập. Đến nay nước ta đã và đang xây dựng 10 ký túc xá dành riêng cho LHS Lào và Campuchia. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành thêm 10 ký túc xá cho các cơ sở đào tạo có nhiều LHS.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nước ta còn kiến nghị Bộ Giáo dục và Thể thao Lào tăng chỉ tiêu đào tạo cho các ngành khoa học công nghệ, sư phạm, giáo dục nghề nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Mê Tâm
Theo Bộ GD-ĐT, chất lượng học tiếng Việt của LHS Lào bị hạn chế còn vì một lý do quan trọng khác là chương trình giảng dạy tiếng Việt chậm được cải tiến. LHS Lào chưa có đủ tài liệu, từ điển Việt – Lào, Lào – Việt để phục vụ học tập và nghiên cứu. |
Bình luận (0)