Tiếng Việt không chỉ đơn thuần là những con chữ mà nó còn thể hiện nét đẹp văn hóa Việt, tâm hồn con người Việt. Có một chàng trai Tiền Giang yêu tiếng Việt đã dành tâm huyết tuổi trẻ để thổi hồn vào tiếng Việt, đó là viết chữ Việt bằng thư pháp.
Nằm tĩnh lặng nơi góc đường Lê Văn Sỹ, thư quán Nét Việt như đối lập với cái ồn ào, sôi động của cuộc sống xung quanh. Một cảm giác thật ấm cúng và bình yên khi đặt chân đến nơi này.
Chủ của thư quán này là anh Lưu Thanh Hải, một chàng trai còn rất trẻ nhưng tính tình trầm lặng, ít nói và chỉ vừa mới bước qua tuổi ba mươi. Hơn 10 năm trước, Thanh Hải từ Hậu Giang lên thành phố Hồ Chí Minh học đại học Văn Lang, ngành Kiến trúc chỉ với hành trang là nhiệt tình tuổi trẻ và vốn chữ viết đẹp với chút năng khiếu về hội họa. Những tháng ngày tham gia sinh hoạt vẽ tranh mỹ thuật màu nước ở Nhà Văn hoá (NVH) Thanh Niên TP.HCM khi còn là sinh viên đã nung nấu trong anh niềm yêu thích chữ thư pháp. Hồi đó, thư pháp chữ Việt chưa được nhiều người biết đến, chủ yếu là thư pháp chữ Hán. Anh tự mày mò cách viết chữ và tự rèn luyện mà không qua một trường lớp nào. Năm 2001, anh mạnh dạn tổ chức triển lãm thể nghiệm loại hình thư pháp chữ Việt và được nhiều bạn trẻ quan tâm, anh liền đề xuất thành lập câu lạc bộ (CLB) Thư pháp. Thế là CLB Thư pháp NVH Thanh Niên ra đời từ đó, do anh phụ trách và trực tiếp dạy viết thư pháp chữ Việt.
Anh Lưu Thanh Hải bên những bức thư pháp chữ Việt của mình |
Từ đó cho đến nay, CLB của anh đã có 24 thành viên gạo cội. Đa số họ là sinh viên và có chung niềm yêu thích thư pháp chữ Việt. CLB của anh cũng đã tổ chức được hơn 20 cuộc triển lãm tranh chữ thư pháp tại NVH Thanh Niên. Đến tháng 6 năm 2007, anh Hải thành lập thư quán Nét Việt làm “chốn riêng” cho mình. Từ đó, nơi đây trở thành địa điểm để các hội viên gặp mặt trao đổi chuyên môn và cũng là nơi trưng bày sản phẩm của CLB, giúp hội viên có thêm thu nhập kinh tế.
Ai cũng biết thư pháp là loại chữ quý, thiên về giá trị tinh thần, thường người ta chỉ viết tặng, biếu hay cho chữ chứ mấy ai “mua chữ”. Khi được hỏi về vấn đề này, anh Hải tâm sự: “Ngày xưa, những ông đồ chỉ xem viết thư pháp như một thú chơi tao nhã. Còn tôi thì lại xem nó như một cái nghề. Tôi không chỉ viết để chơi mà còn viết để “sống”. Và qua việc “bán chữ”, mọi người sẽ dễ dàng có trong tay một hay nhiều bức thư pháp với câu chữ như ý muốn chứ không phải quá khó khăn để xin được chữ như trước đây”.
Tuy vậy tranh chữ thư pháp là một loại sản phẩm rất kén người mua. Nó không phải là một loại hàng hoá nên không thể sản xuất hàng loạt và rất khó tìm thị trường. Khách hàng tìm đến thư quán của anh không nhiều, đa số là người tuổi trung niên. Nhiều khi ế ẩm, anh buồn và nản. Nhưng anh xác định khi kinh doanh loại hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, ngay từ khi có ý định mở thư quán, anh đã không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Anh biết để thư pháp chữ Việt có được chỗ đứng trên thị trường và được mọi người ưa chuộng, cần phải trải qua một thời gian dài. Theo anh, nhu cầu của mọi người về thưởng thức chữ thư pháp ngày càng cao nên loại hình thư pháp chữ Việt sẽ có nhiều triển vọng trong tương lai. Với nhiệt tình và niềm đó, cuối năm 2006, anh Hải đã thành lập công ty TNHH Văn hoá Nét Việt và cho ra đời website www.thuquannetviet.com nhằm quảng bá thương hiệu của mình đến các địa phương trong cả nước và để sản phẩm đến được với nhiều người hơn.
Quan sát thư quán tôi thấy những bức thư pháp anh treo toàn là chữ Việt, chỉ có vài ba bức có một hoặc vài chữ Hán. Anh Hải cho biết: “Trước kia chưa có tiếng Việt nên ông cha mới mượn chữ Hán của Trung Quốc để viết. Giờ đây, chúng ta đã có tiếng Việt thì phải dùng chữ viết của dân tộc. Mỗi lần viết thư pháp chữ Việt là tôi lại thấy tự hào về đất nước và con người mình. Tôi mong mọi người sẽ thêm yêu và cùng giữ gìn bản sắc tiếng Việt”.
Những gì anh đã và đang làm chỉ mới là thử nghiệm. Tuy chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng nó thể hiện một tấm lòng đối với tiếng dân tộc. Chắc rằng nhiều người cũng có tâm huyết như anh. Họ thật sự là những “ông đồ” đang tồn tại giữa đời thường, chứ không phải chỉ có trong quá khứ như nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng than thở:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
Bài và ảnh: Yến Việt
Bình luận (0)