Trang bị dụng cụ thoát hiểm trên xe là tự bảo vệ mình
|
Tính tới thời điểm này, lệnh phát đi của Ủy ban ATGT quốc gia về việc truy tìm những tài xế cố tình không cứu người ở vụ tai nạn xảy ra tại ấp 5 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) khiến 4 người tử vong hôm 22-9 hầu như chưa có kết quả. Để tự bảo vệ mình, một số tài xế cũng như cá nhân có xe riêng đã tự trang bị dụng cụ thoát hiểm và học hỏi những kỹ năng tự ứng cứu.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Thời gian qua, có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi lưu thông bằng xe ô tô bị lũ cuốn trôi, xe bị bốc cháy hoặc lao xuống nước khiến nạn nhân tử vong. Trong những trường hợp này, nếu có dụng cụ thoát hiểm và các kỹ năng cần thiết, có thể các nạn nhân đã giữ được mạng sống của mình.
Điều đáng tiếc ấy những người chứng kiến vụ tai nạn khiến 4 người tử vong ở Long An đã cảm nhận một cách rõ ràng. Theo giả định của người dân thì lẽ ra các nạn nhân trên không ai phải chết nếu được giải cứu kịp thời. Hai lượt xe lưu thông ngang qua đây đã từ chối cứu người, cho đến khi một tài xế xe tải đã dùng ống sắt đập cửa kính để cứu người thì mọi việc đã muộn. Dù đã muộn và công tác cứu hộ gặp khó khăn do cả tài xế và bác sĩ Giang còn thắt dây an toàn, nhưng người dân đã cố gắng hết sức để đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường gặp nạn. Hậu quả của vụ thương vong không đáng có này để lại sự mất mát quá lớn của gia đình bác sĩ Đặng Chí Long Giang, một lúc mất đến 3 người thân.
Một vụ TNGT nghiêm trọng khác xảy ra đêm 1-10-2013 cũng được giả thiết nếu có chiếc búa thoát hiểm thì ông Nguyễn Tài Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An khi trên đường đi cứu trợ lũ bị nước cuốn trôi đã có thể giữ được mạng sống của mình.
Tử vong do không có dụng cụ thoát hiểm cũng xảy ra trong vụ xe container tông ô tô khách ngày 7-11-2011 trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) khiến xe bị bốc cháy làm 10 người chết và 21 người bị thương.
Cần kỹ năng và dụng cụ thoát hiểm
Dụng cụ thoát hiểm trên xe ô tô quan trọng là vậy, nhưng thực tế hiếm khi nó “có mặt” trên loại xe này. Tuy nhiên, số ít người đã chọn dùng loại này khẳng định rằng việc trang bị dụng cụ thoát hiểm trên xe ô tô sẽ chẳng bao giờ là một việc làm thừa. Họ vẫn kháo nhau về một vài loại dụng cụ thoát hiểm đa năng hiện đang được lưu hành trên thị trường như loại dụng cụ thoát hiểm “4 trong 1”. Loại này gồm đầu búa đập kính, dao cắt dây an toàn, đèn báo cứu hộ và đèn pin, hoặc một loại khác tên ResQMe có dao cắt và búa đập với giá khoảng 300.000-400.000 đồng/cái.
Những dụng cụ trên sẽ hữu ích khi người lưu thông (NLT) gặp tai nạn. Trong trường hợp dây an toàn bị kẹt, lưỡi dao của dụng cụ thoát hiểm sẽ giúp NLT thoát khỏi tình trạng này. Hoặc trong trường hợp cửa xe khó mở do bị hỏng, biến dạng hoặc áp lực nước thì người gặp nạn chỉ cần đặt phần mũi búa đục áp sát vào kính rồi dùng lực tay tì vào dụng cụ này, phần đầu nhọn của búa đục sẽ bật ra gây vỡ kính xe ngay lập tức mà không cần mất lực và thời gian.
Bên cạnh việc trang bị các dụng cụ thoát hiểm, ông Jorg Ahlgrimm, nhà nghiên cứu sự cố của Công ty Thử nghiệm ô tô cho rằng việc trang bị các kỹ năng tự ứng cứu cũng quan trọng không kém, nhất là trong trường hợp xe ô tô bị lao xuống nước.
Giữ tư thế an toàn ngay khi xe rơi xuống nước là kỹ năng quan trọng đầu tiên. Ngay khi chiếc xe chuẩn bị rơi xuống nước, NLT cần thực hiện tư thế an toàn cho mình bằng cách chắp hai tay trước ngực, lòng bàn tay phải ôm chặt vai bên trái và ngược lại. Sở dĩ phải thực hiện tư thế này vì khi xe lao xuống nước, tay của NLT sẽ dễ bị chấn thương trong quá trình xe bị rơi tự do và tiếp xúc với nước. Nếu bị chấn thương tay, NLT sẽ gặp khó khăn khi thoát hiểm bằng cửa sổ hay cửa chính của xe.
Tiếp theo là cần mở cửa sổ xe ngay khi có thể. NLT thật ra chỉ có vài giây để thực hiện thao tác mở cửa xe một cách nhanh nhất có thể, trước khi chiếc xe bị ngập dần trong nước. Bởi sau khoảnh khắc quý giá đó, NLT sẽ không thể mở bất kỳ cửa nào cho đến khi áp suất bên trong và bên ngoài xe được cân bằng (tức là bên trong xe hoàn toàn ngập nước).
Điểm thứ ba cần lưu ý thời điểm mở cửa xe. Khi khoảnh khắc mở cửa sổ qua đi, trên xe cũng không được trang bị sẵn búa thoát hiểm và các vật cứng để phá cửa kính, thì NLT cần lấy lại bình tĩnh, hít thở thật sâu và chờ cho đến khi mực nước bên trong xe dâng cao ngang ngực thì lập tức mở cửa xe (vì khi mực nước bên trong xe và ngoài xe cao bằng nhau sẽ không có sự chênh lệch áp lực và không gây khó khăn cho việc mở cửa).
Bài, ảnh: Bích Vân
Luôn cài dây an toàn khi lưu thông
Ông Jorg Ahlgrimm khuyên NLT nên luôn cài dây an toàn khi lưu thông để phòng trường hợp khi gặp sự cố. Vì dây an toàn sẽ giúp thân thể hạn chế va đập làm cho bị thương trong các trường hợp xe bị lộn ngược, khi rơi tự do, khi lao xuống vực, xuống nước. Đặc biệt trong trường hợp rơi vào dòng nước chảy xiết, dây an toàn sẽ giúp NLT tránh áp lực mạnh bị nước đẩy ra ngoài.
|
Bình luận (0)