Theo khuyến cáo của PGS.TS Chu Công Minh (Phó chủ nhiệm Bộ môn cầu đường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), trong số 90% TNGT liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên, thì tai nạn ở độ tuổi học sinh (HS) THPT chiếm đa số. Trong đó có hơn phân nửa số vụ tai nạn liên quan đến phương tiện tham gia giao thông là xe đạp điện và xe máy điện.
Tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện cần những quy định và chế tài quản lý phù hợp
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
TNGT xảy ra gần nhất là vụ tai nạn nghiêm trọng vào ngày 8-10 tại thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đối tượng gây tai nạn là tài xế xe container (BKS 29C-52.753), khi lưu thông đến cổng Trường THPT Tây Tiền Hải (khu 4, thị trấn Tiền Hải) thì va chạm với 2 nữ sinh lưu thông cùng chiều bằng xe đạp điện. Lực va chạm quá mạnh khiến HS cầm lái tử vong tại chỗ, em còn lại bị thương được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải. Trước vụ tai nạn trên 3 ngày, trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng xảy ra vụ tai nạn vào ngày 5-10. Nạn nhân là em Trần Thị Thu Hà, lưu thông bằng xe đạp điện (BKS 18MD1-012.30) đến vòng xoay Big C (TP.Nam Định) thì bị xe ben (BKS 18C-053.20) tông phải khiến em tử vong tại chỗ. Tương tự, trên địa bàn phường Xuân Hòa
(TP.Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vào ngày 22-8 cũng xảy ra một vụ va chạm giữa xe tải với xe đạp điện làm cho 1 nữ sinh lớp 10 (ngụ xã Nam Viêm) tử vong và 1 HS khác bị thương nặng.
So với các địa phương, thì Nghệ An là nơi có số vụ TNGT liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện nhiều hơn. Tiêu biểu như vụ tai nạn vào ngày 22-4, tài xế Đinh Nhâm Thông (36 tuổi) điều khiển ô tô (BKS 37A-274.54) lưu thông đến giao lộ Quốc lộ 8B – Lê Xuân Đào (xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên) đã bất ngờ đâm mạnh vào 4 HS đang điều khiển 2 xe máy điện, trong đó xe máy điện do 2 HS nữ lưu thông chưa có biển số. Hậu quả vụ tai nạn khiến em Trần Thị Anh Thư (17 tuổi) tử vong và 3 em bị thương nặng gồm Nguyễn Văn Hùng, Phạm Anh Tuấn và Nguyễn Thị Quyên. Cũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tại thị xã Hoàng Mai, một tài xế xe tải điều khiển phương tiện BKS 37C2-6581 trên quốc lộ 1A, đã tông phải xe đạp điện của 2 HS Trường THCS Quỳnh Thiện đang trên đường tới trường. Cú va chạm mạnh khiến xe đạp điện bị kéo lê 5 mét, 1 HS tử vong tại chỗ, em còn lại được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
55% TNGT liên quan đến xe đạp điện và xe máy điện
Theo thống kê sơ bộ từ cơ quan chức năng, toàn quốc có khoảng 52% HS THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và khoảng 7% HS đi xe máy khi chưa đủ tuổi. PGS.TS Chu Công Minh lưu ý, trong số 90% TNGT liên quan đến HS, thì đa phần nạn nhân là HS THPT. Trong đó có đến 55% TNGT do HS tham gia giao thông bằng xe máy điện và xe đạp điện. Bên cạnh lỗi của các tài xế điều khiển phương tiện gây tai nạn, không thể không kể đến những hạn chế của HS như thiếu kỹ năng tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện còn yếu. Trong khi tốc độ lưu thông của xe máy điện và xe đạp điện lên tới 50km/h, nên khi gặp sự cố hoặc va chạm với các phương tiện khác, sẽ khiến các em gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống nên dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam), xe máy điện và xe đạp điện là loại phương tiện khi tham gia giao thông có độ cân bằng kém, gần như không có tiếng động, các tín hiệu để người tham gia giao thông khó nhận biết, dẫn đến rất dễ xảy ra TNGT. Thực tế, nhiều vụ TNGT thương tâm đã xảy ra đối với các em HS nên cần sớm nghiên cứu để quản lý các loại phương tiện này. Bên cạnh đó, người điều khiển cũng cần phải có chứng chỉ, ít nhất phải có giáo trình hướng dẫn đưa vào nhà trường, nhằm hướng dẫn cho các em học lý thuyết cơ bản và các kỹ năng điều khiển xe an toàn”. |
Nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng TNGT có liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện ở lứa tuổi HS, PGS.TS Chu Công Minh cho rằng, cơ quan chức năng cần giới hạn độ tuổi được phép sử dụng các loại phương tiện này; cấp giấy chứng nhận điều khiển phương tiện cho thiếu niên trên 16 tuổi; tổ chức thực hành kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện an toàn cho các em HS; hướng dẫn cách xử lý các tình huống thường gặp phải khi tham gia giao thông… Ủng hộ đề xuất trên, ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia) khẳng định việc tìm các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn lưu thông cho HS nói riêng và thanh thiếu niên nói chung là điều quan trọng và rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh TNGT ở các nhóm tuổi khác giảm, nhưng riêng nhóm tuổi từ 15-18 lại có xu hướng tăng trong những năm gần đây (trong đó có đến 80% trường hợp bị tai nạn khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện hoặc xe máy điện). Do đó, để đảm bảo an toàn cho các em, cơ quan chức năng cần có quy định và những biện pháp chế tài để quản lý phù hợp.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)