Vài năm trở lại đây, phương thức xét tuyển bằng học bạ được nhiều trường ĐH sử dụng trong phương án tuyển sinh, qua đó mở ra thêm cơ hội trúng tuyển cho học sinh. Tuy nhiên, trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020 diễn ra tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) mới đây, chuyên gia đã đưa ra các lưu ý mà học sinh cần để ý khi sử dụng phương thức này.
Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân về các phương thức tuyển sinh hiện nay
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng các trường ĐH, CĐ khác.
Dự tuyển càng sớm, khả năng trúng tuyển càng cao
Là một trong những trường đầu tiên sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trong phương án tuyển sinh, năm 2020, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tiếp tục duy trì phương thức này trong tổng số 4 phương thức tuyển sinh của trường. Theo đó, ở phương thức này, trường sẽ sử dụng điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn tùy từng ngành. Điều kiện xét tuyển gồm: tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. “Dự kiến sẽ có 8 đợt nhận hồ sơ xét tuyển bằng phương thức này từ tháng 5 đến tháng 9, khi nào hết chỉ tiêu thì nhà trường sẽ dừng lại. Thí sinh nộp hồ sơ sớm trong những đợt đầu thì điểm trúng tuyển ở ngưỡng vừa và khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết.
Cũng sử dụng hình thức xét tuyển học bạ làm phương thức xét tuyển độc lập vào trường, tuy nhiên ở phương thức này, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM lại mở ra hai cách thức riêng biệt: xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (chiếm 20% tổng số chỉ tiêu) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ (năm học lớp 10, 11 và học kỳ II lớp 12, chiếm 5% tổng chỉ tiêu). TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) thông tin, khi sử dụng điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh phải tốt nghiệp THPT và tổng điểm tổ hợp phải đạt từ 18 trở lên. Với phương thức xét học bạ điểm trung bình 5 học kỳ thì tổng điểm phải đạt từ 30 trở lên. “Cả hai phương thức xét tuyển bằng học bạ này đều là phương thức độc lập, thí sinh có thể sử dụng cùng lúc cả hai phương thức này để xét tuyển vào trường để tăng cơ hội trúng tuyển”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, vẫn sử dụng hình thức xét tuyển học bạ làm phương thức tuyển sinh năm 2020 nhưng Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn lại khắt khe hơn khi đưa ra cho thí sinh nhiều điều kiện đi kèm. Cụ thể, trong phương thức này, trường yêu cầu thí sinh phải đồng thời đạt các yêu cầu sau: tốt nghiệp THPT; điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6 trở lên, điểm trung bình chung cả năm lớp 12 các môn thuộc khối xét tuyển đạt từ 6 trở lên; xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên. “Khác với các trường khác, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn yêu cầu về cả xếp loại hạnh kiểm để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như phù hợp với cam kết giáo dục của trường”, ông Trần Văn Trắng (Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) khẳng định.
Chú ý đến chỉ tiêu khi sử dụng xét tuyển học bạ
Dù được coi là một cánh cửa mở ra thêm cơ hội cho thí sinh học tập trong môi trường ĐH, song nhiều chuyên gia tư vấn cho rằng, để phương thức xét tuyển học bạ phát huy tối đa lợi thế, thí sinh cần phải cân nhắc, nghiên cứu, có chiến lược bài bản. “Bên cạnh phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh nên sử dụng từ hai phương thức xét tuyển trở lên để có tâm lý thoải mái, tránh áp lực. Với mỗi phương thức xét tuyển, các trường đều đưa ra những chỉ tiêu riêng trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh. Do vậy, thí sinh nên nghiên cứu kỹ về chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường để xác định lợi thế cạnh tranh của bản thân, làm sao có thể tận dụng tối đa phương thức này”, ông Trần Văn Trắng nhấn mạnh.
Khẳng định ưu thế của phương thức xét tuyển bằng học bạ khi giúp người học chủ động về điểm số tuyển sinh, linh hoạt sử dụng tổ hợp xét tuyển, giảm bớt áp lực học tập, thi cử, bà Nguyễn Thị Xuân Dung cho rằng xét tuyển học bạ cho phép người học chủ động nắm bắt cơ hội nghề nghiệp của chính mình; đồng thời cho phép trường ĐH đánh giá được chất lượng thí sinh trong cả một quá trình học tâp, rèn luyện. “Khi chọn phương thức này, thí sinh cũng nên lựa chọn tương ứng về thứ tự ưu tiên xét tuyển các ngành đào tạo, các trường đào tạo. Giống như tất cả các phương thức khác, thí sinh đừng nghĩ xét tuyển học bạ là phương thức trường ĐH “cho thêm” mình mà dễ dãi trong việc đăng ký xét tuyển. Hãy sử dụng cẩn trọng, căn cứ vào năng lực học tập, chỉ tiêu tuyển sinh, mức học phí của trường ĐH để tận dụng phương thức này một cách hiệu quả nhất”, bà Dung lưu ý.
Ngoài ra, bà Dung cũng khuyên người học không nên “rải” hồ sơ xét tuyển quá nhiều (vì được đăng ký nhiều nguyện vọng) sẽ gây loãng trong quá trình lựa chọn, mất thời gian lựa chọn. “Nhắm vào ngành nào, trường nào thì các em nên tìm hiểu thật kỹ về phương án tuyển sinh của ngành đó, trường đó, tận dụng tối đa những phương thức của trường đồng thời mở ra thêm nhiều cơ hội vào ngành mình yêu thích ở các trường khác có chung ngành đào tạo”, bà Dung nhắn nhủ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)