Trẻ đang được BS tiêm ngừa. Ảnh: T.H
|
So với người lớn, trẻ dễ nhiễm bệnh hơn vì sức đề kháng còn yếu và hệ miễn dịch lại chưa hoàn chỉnh. Cho nên tiêm chủng an toàn luôn có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ chống đỡ được các loại bệnh tật. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là lúc nào thì cho trẻ tiêm ngừa và muốn cho các mũi tiêm có tác dụng, nhất là tránh được những biến chứng rủi ro từ tiêm ngừa thì phụ huynh phải làm gì?
BS. Nguyễn Thị Từ Anh – Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Từ Dũ) khẳng định, từ 2 tháng tuổi trẻ sẽ bắt đầu được chích ngừa các bệnh nguy hiểm từ bại liệt, bạch hầu, uốn ván đến thủy đậu, quai bị, sởi và cả rubella.
Những phản ứng không mong muốn
Tâm trạng chung của các bà mẹ vẫn “hồi hộp” vì lo sợ những tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng của trẻ. Chị Nguyễn Thị Duyên – giáo viên một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh sau khi đưa con đi tiêm ngừa sởi đã vô cùng lo sợ vì đứa con trai thứ hai bị nổi hạch ở nách ngay sau ngày hôm đó. Lo lắng đến mất ăn mất ngủ cho đến khi gọi được điện thoại cho người cô là BS ở Bệnh viện Đa khoa Thái Bình thì vợ chồng chị mới thật sự an tâm.
Theo BS. Lê Văn Dũng – Bệnh viện Đa khoa Fortis – Hoàn Mỹ Sài Gòn, cũng có trường hợp không nên tiêm phòng cho trẻ, đó là những trẻ đang ở trong tình trạng sức khỏe mà việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm có thể được báo trước. Các trường hợp này cần lưu tâm vì được coi là trường hợp “chống chỉ định”. BS. Nguyễn Thanh Khê – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 6 cho biết: “Hiện nay, quận 6 là đơn vị đầu tiên thực hiện tiêm chủng ngừa sởi và rubella đợt 1 tại TP.HCM cho trẻ ở độ tuổi 11 đến 14. Để bảo đảm an toàn về sức khỏe cũng như tính mạng của các em, trước khi chích ngừa chúng tôi đã thực hiện tốt quy trình khám sàng lọc nhằm mục đích ngăn chặn những phản ứng nguy hiểm và chống chỉ định của việc tiêm phòng”. Thực tế đã cho thấy, trong nhiều ca phản ứng sau tiêm chủng do trẻ đã mang bệnh trước đó mà không được phát hiện.
Khám sàng lọc kết hợp với giám sát của gia đình
Theo khuyến cáo của BS. Khê, không nên đưa trẻ đi chích ngừa khi bé đang còn trong thời gian điều trị bệnh hoặc đã tiêm ngừa sởi và rubella trước đó 1 tháng. Chú ý tới những trẻ vốn bị bệnh bẩm sinh hay đang bị nhiễm trùng. Tuy trẻ không mắc bệnh nhưng đang sốt ở nhiệt độ trên 37,50C thì các bà mẹ cũng hoãn việc chích ngừa. Một số bé tuy sức khỏe bình thường nhưng đã có hiện tượng sốt cao trên 390C kèm co giật hay tím tái khó thở sau khi tiêm chủng vaccine lần trước thì cũng được chống chỉ định.
Hướng dẫn của Bộ Y tế quy định, trong quy trình khám sàng lọc, các y BS có trình độ chuyên môn trực tiếp thăm khám và ghi các thông tin của trẻ; trực tiếp đo, ghi kết quả nhiệt độ của trẻ khi không có điều dưỡng viên. Đồng thời, cần hỏi kỹ tiền sử và các thông tin liên quan đánh giá đúng tình trạng sức khỏe hiện tại để đưa ra quyết định chính xác cuối cùng. Cần có những tư vấn kịp thời cho gia đình hoặc người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích và cả những rủi ro có thể xảy ra khi tiêm chủng.
Chính từ quy định này, các phụ huynh luôn khai báo rõ và kịp thời tình trạng sức khỏe của con mình, không được giấu bệnh và những tiền sử bệnh tật của trẻ. Nếu có gì không hiểu, chưa rõ cần trực tiếp hỏi y BS có trách nhiệm trước khi tiêm chủng. Không nên đưa trẻ đi tiêm chủng khi chưa được tư vấn kỹ mà chạy theo số đông thiếu cơ sở khoa học. Đặc biệt, phải biết trước những phản ứng không mong muốn sau khi tiêm phòng nhất là các đội vợ chồng trẻ còn thiếu kinh nghiệm. Nếu có những phản ứng bất thường hay triệu chứng lạ thì nên bình tĩnh và báo ngay với cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không để thời gian kéo dài hoặc tự ý điều trị và cho uống thuốc tại nhà. Ông Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng từng nhấn mạnh đến sự giám sát và đánh giá cao theo dõi của gia đình. “Sau khi được chích ngừa không nên đưa con về nhà vội mà cho trẻ nghỉ ngơi tại chỗ ít nhất 30 phút để theo dõi vì đây là thời điểm rất nhạy cảm đề phòng những biến chứng có thể xảy ra sau tiêm. Ngay cả khi về đến nhà rồi, người mẹ vẫn phải theo dõi con trong 48 giờ tiếp theo nếu co giật, tím tái, khó thở cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất” – ông Hiển căn dặn.
Quang Phan
Bộ Y tế đã ra quyết định 04/QĐ-BYT 20-1-2014 hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm chủng. Theo đó, việc chống chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm được mở rộng nhằm đảm bảo an toàn tiêm với các trường hợp như: Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước, trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan, trẻ mắc các bệnh cấp tính, trẻ mới dùng sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.000 gram… |
Bình luận (0)