Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lưu ý mã ngành khi đăng ký dự thi

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh được hướng dẫn cách điền thông tin vào hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại khu vực đồng bằng sông Cửu long năm 2012

Đã hai tuần kể từ thời điểm nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm nay nhưng nhiều thí sinh vẫn hết sức mơ hồ trong việc lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp. Thậm chí có em đã “ủy quyền” lại cho cha mẹ tự quyết…
“Nước đến chân mới nhảy”
Không chỉ những học sinh “trung bình” mới gặp khó khăn trong vấn đề lựa chọn ngành nghề mà cả những em khá giỏi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thí sinh Trần Thanh Hiền (Đồng Nai) tỏ ý muốn thi ngành báo chí nhưng thổ lộ rằng em không giỏi khối C, đặc biệt lại ngại đi cơ sở thu thập tư liệu. Cũng có trường hợp thí sinh “ngây ngô” hơn khi thắc mắc “Em không có năng khiếu vẽ, vậy có thi vào ngành thiết kế được không?”. Thậm chí có em học giỏi đều, điểm trung bình 3 môn khối A đều trên mức 9 phẩy và đạt học sinh giỏi môn hóa nhưng lại không định hình rõ ràng được ngành nghề nào cho cuộc đời mình. Hậu quả là đến thời điểm nước rút hiện nay, các em chỉ biết… nhờ cậy cha mẹ chọn giùm một, hai ngành để đăng ký vào hồ sơ dự thi.
Thực tế, chọn ngành nghề giúp con là một việc làm không hay tuy nhiên, khi con em không đưa ra được nguyện vọng chính đáng thì nhiều bậc cha mẹ cũng phải bất đắc dĩ thực hiện trọng trách này. Tại chương trình Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh năm 2012 mới được Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức cuối tháng 3, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (chuyên viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã khuyến cáo: “Việc chọn nghề giống như chọn người yêu vì ngành nghề đó sẽ “chung sống” với người học cả đời. Do đó khi lựa chọn, thí sinh nhất thiết phải hiểu,  yêu thích và thấy mình phù hợp với yêu cầu của ngành nghề. Cụ thể, các em cần biết những ưu, khuyết điểm của bản thân, đồng thời tham khảo ý kiến gia đình, bè bạn, thầy cô giáo để giữa hàng trăm ngành nghề, chọn lọc ra được một vài “món” mình thích nhất rồi tìm hiểu cặn kẽ”. Cũng theo ThS. Hiếu, việc xác định ngành nghề đáng ra đã nên làm từ những năm bắt đầu học phổ thông chứ không phải để đến tận thời điểm “nước đến chân mới nhảy” như hiện nay.
Lưu ý mã ngành
Ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cũng nhận định: “Thực ra đến thời điểm này thí sinh đã phải xác định được ngành nghề cho mình rồi, chỉ cần hoàn thành khâu đăng ký hồ sơ dự thi nữa thôi. Năm nay, dù lượng chỉ tiêu có tăng nhưng số lượng thí sinh trên cả nước vẫn đông do đó cơ hội đậu cũng không phải dễ, các em nên cân nhắc chọn trường vừa sức. Trong chọn ngành, bên cạnh vấn đề năng lực, sở thích, thí sinh cần lưu ý đến những nhóm ngành đang có nhu cầu cao về nhân lực hiện nay như công nghệ, xây dựng, y dược, nông lâm”… Cũng theo ông Cường, hiện điểm thu nhận hồ sơ Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM mới chỉ nhận được khoảng 100 hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tự do. Đa phần thí sinh tự do chỉ đến hỏi thông tin về cách khai hồ sơ, đặc biệt là vấn đề mã ngành do năm nay mã ngành có nhiều đổi khác so với mọi năm. Ông Cường còn lưu ý, khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi thì mọi thông tin cần thiết cho các em đã tập trung trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Tuy nhiên, do trong cuốn này vẫn còn một vài thiếu sót như không công bố đủ mã ngành của một số trường nên nếu có điều kiện, các em nên vào website của Bộ GD-ĐT để nắm thông tin kỹ càng, chính xác hơn.
Ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) lưu ý, khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi thì mọi thông tin cần thiết cho các em đã tập trung trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Tuy nhiên, do trong cuốn này vẫn còn một vài thiếu sót như không công bố đủ mã ngành của một số trường nên nếu có điều kiện, các em nên vào website của Bộ GD-ĐT để nắm thông tin kỹ càng, chính xác hơn.
M.Tâm

Bình luận (0)