Đại công quốc Luxembourg – tên nghe rất “khủng” nhưng quốc gia này nhỏ đến nỗi tên nước thường phải chú thích bên ngoài lãnh thổ trong các bản đồ. Tuy vậy, đây là đất nước năng động, lịch lãm, bình yên và lắm điều thú vị, với niềm tự hào là “Trái tim xanh của châu Âu”.
Diện tích nhỏ hơn tỉnh
Bình Dương của nước ta – chỉ 2.586 km2. Dân số ít hơn quận nhỏ của Sài Gòn – gần 500.000 người. Nhưng Luxembourg có thu nhập bình quân đầu người trên 81.000 USD mỗi năm, cao thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Qatar. Luxembourg là thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc – 1946; khối Nato – 1949; Cộng đồng than và thép châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu – 1957. Đây là nước châu Âu viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất, đầu tư vào Việt Nam xếp thứ 4 thế giới – hơn 1 tỉ USD…
Ảnh: shutterstock
|
Có lẽ quốc gia này quá nhỏ bé nên ít ai để ý? Hoặc nghĩ chẳng có gì để lưu tâm nên không thấy tour đi Luxembourg? Đến đây mới biết mình nhầm. Luxembourg là đất nước năng động, lịch lãm, bình yên và lắm điều thú vị, với niềm tự hào là “Trái tim xanh của châu Âu”. Là Di sản Văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận danh hiệu “Thủ đô văn hóa châu Âu” năm 1995 và 2007, Luxembourg nằm gọn giữa các “đại gia” Pháp, Đức, Bỉ; chẳng những không bị thôn tính, đồng hóa mà còn vươn lên tầm vóc thế giới. Ngoài tiếng Luxembourg, người dân ở đây còn thông thạo các ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Bỉ, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ bởi hơn 40% dân số là người nhập cư, chưa kể khá đông dân các nước đến đây làm việc. Luxembourg là hội sở của hàng trăm ngân hàng các nước; trong đó có Ngân hàng đầu tư châu Âu, Văn phòng kiểm toán châu Âu… Khách mang theo bao nhiêu tiền để tiêu xài hay gửi cũng được vì các ngân hàng Luxembourg kín kẽ và bí mật hơn cả những ngân hàng Thụy Sĩ. Lương nhân viên ngân hàng bình thường mỗi tháng chừng 4.000 euro, được cấp khoảng 8 tháng lương để mua xe hơi kèm phiếu đổ xăng miễn phí với điều kiện chỉ chạy xe ở trong nước. Ai giới thiệu người giỏi vào đơn vị còn được thưởng vài ngàn euro!
Ngoài những chiếc xe hơi đời mới, Luxembourg không có các hoạt động ăn chơi kiểu khoe của. Nhịp sống vẫn thong thả, khoáng đạt. Một màu xanh dịu mát, lắng đọng, hòa lẫn trời đất với con người, cho ta cảm giác thân quen dễ chịu. Có ba lĩnh vực người Luxembourg không bao giờ tranh luận là Văn hóa – Tôn giáo và Tình yêu. Ở xứ sở “Hợp chủng quốc mini” này, mỗi nước có nền văn hóa riêng, tôn giáo khác biệt, còn tình yêu tùy thuộc quan điểm của từng dân tộc. Đó là cách nghĩ khôn ngoan. Những vấn đề trên khó có tiếng nói chung, đụng vào chỉ… rách việc. Cố cãi nhau không khéo lại đổ máu!
Luxembourg hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc. Hiện đại, truyền thống đan xen; cũ, mới song hành. Bên cạnh những kiến trúc cách tân là các lâu đài cổ kính mấy trăm năm tuổi. Những căn nhà xưa, chằng chịt dây leo phủ kín tường. Dây leo cheo leo vách đá, bao quanh các tòa nhà bề thế. Những con đường nhỏ khúc khuỷu, gập ghềnh nối với các đại lộ hoành tráng. Do địa hình nên Luxembourg có tới 110 cây cầu. Cầu nối các bờ thung lũng. Cầu kết vùng thấp với vùng cao. Cầu kéo hai bờ sông gần lại, gắn liền các khu vực với nhau. Dưới cầu thường là phố. Trung tâm thì sầm uất, ven thị thì lưa thưa. Đi đâu cũng gặp cầu, nhìn đâu cũng thấy mượt mà xanh cây lá và được trang điểm bởi rất nhiều hoa. Cầu Đại công tước Adolphe là “anh cả” họ nhà cầu ở Luxembourg. Cầu xây từ 1900 – 1903, cao 85 m, rộng 17 m2, bên dưới là thung lũng Petrusse và công viên Lambert quyến rũ. Trông xa như những quả cầu đỏ, cao chừng 2 m, nằm rải rác trên đồi. Cứ như được ném từ trời xuống và đang lăn trên cỏ. Khá khen cho ai nghĩ ra cách trang trí độc đáo này.
Đến Luxembourg tôi thích tản bộ trong khu phố cổ Kirchberg. Chung quanh chỉ là mấy bức tường rêu phong, những trụ đá vô tri, các bậc thang nhẵn thín… làm chứng nhân chân thực cho một thời vương giả. Sự giản dị và thô mộc đến nao lòng. Mọi thứ được bảo tồn, nâng niu, trân trọng và truyền cảm nhận đến từng du khách. Các lối đi được giữ vệ sinh cực sạch. Mỗi nơi đều có bảng tên ghi lại dấu ấn lịch sử và ống nhòm giúp khách ngắm nhìn cảnh vật. Hãy nhắm mắt lại, thời gian đang từ từ ngược dòng, đưa ta về dĩ vãng, nghe quá khứ rõ ràng hơn. Tôi hiểu vì sao Luxembourg nhỏ bé, cả ngàn năm bị xâm lấn vẫn giữ vững chủ quyền và vươn lên thành quốc gia giàu có, được bạn bè kiêng nể. Với tôi, Luxembourg như một cô gái thùy mị, thông minh và duyên dáng nên có nhiều hấp lực. Chỗ nào cũng thấy “Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.
Luxembourg có nhiều lâu đài đẹp, rải rác khắp nước mà tiêu biểu hơn cả là Vianden. Nằm kiêu hãnh trên một khối đá khổng lồ, bao bọc bởi thị trấn và đồng quê dân dã, nơi đây từng được chọn làm bối cảnh của bộ phim Dracula. Với kiến trúc Roman và Gothic, xây dựng vào đầu thế kỷ 11, lâu đài là pháo đài phòng thủ thị trấn cùng tên, giáp nước Đức. Các tầng được bố trí so le với mấy chục phòng bài trí nguyên gốc. Sảnh lớn dành cho đại tiệc, sảnh nhỏ để khiêu vũ. Phòng kỵ sĩ với đủ loại áo giáp và binh khí chiến đấu. Phòng ăn, phòng ngủ nội thất y nguyên. Có phòng tái hiện các làng nghề truyền thống… Từ tầng thượng của lâu đài, thị trấn Vianden uốn lượn theo dòng sông Our, thơ mộng như cổ tích. Ở đây có nhà bảo tàng Victor Hugo (1802 – 1885) trưng bày nhiều bản thảo, tài liệu, bút tích… và nguyên bản 4 tác phẩm hội họa mà ông đã sáng tác trong những lần đến Vianden. Ông đã để lại cho hậu thế khoảng 60 bức họa bằng màu nước và nhiều bài thơ lột tả vẻ đẹp mê hoặc của Vianden.
Điểm tham quan nổi tiếng nhất của Luxembourg là Chemin de la Corniche, vắt ngang qua thung lũng Alzrtte, được mệnh danh là “Bancon đẹp nhất châu Âu”, nơi bao quát cả Luxembourg. Bên dưới là hệ thống pháo đài ngầm, dài 23 km, có chỗ sâu 40 m, do bá tước Sigfried xây dựng từ năm 963.
Cả thị trấn phòng thủ rộng hơn 40.000 m2 trong lòng đất. Cạnh bên là pháo đài phòng thủ Cassemate du Bock với những chân tường rất dày và lan can bằng sa thạch dựng theo những vách đá dốc đứng. Khu trung tâm có nhà thờ Đức Bà, lâu đài Đại công tước, tòa nhà Quốc hội, quảng trường chính Placed Armes – “phòng khách của đất nước” với nhiều nhà hàng, cửa hiệu… Đại lộ Hoàng gia (Boulevard Royal) tập trung gần 230 ngân hàng, tạo thành quận Nhà băng sầm uất. Tại đây có Bảo tàng Lịch sử ngân hàng, từ thời “heo đất” xa xưa đến máy ATM hiện đại. Các điểm tham quan ở Luxembourg đều có dịch vụ audio tour. Du khách không cần hướng dẫn viên thuyết minh, cứ bấm nút chọn ngôn ngữ giới thiệu.
Michelin – cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới xếp hạng đẳng cấp 12 nhà hàng ở Luxembourg, nhiều hơn bất cứ nước nào. Các món ăn được chế biến theo phong cách Pháp, phục vụ kiểu Đức và nguyên liệu là món ngon các nước nhập cư. Luxembourg cũng có nhiều loại rượu ngon hảo hạng. Là nước nhỏ nhưng có Tập đoàn RTL với 34 đài truyền hình, 33 đài phát thanh phủ sóng ở 12 quốc gia. Tập đoàn thép Arcelormital lớn nhất châu Âu… Nếu có thời gian và sức khỏe thì nên đi xe đạp khám phá Luxembourg. Có nhiều đường mòn dành riêng cho dân dã ngoại, đủ cấp độ. Nên mang theo “đồ nghề”, thích chỗ nào thì camping chỗ đó. Có thể câu cá nướng ăn hoặc thu hoạch nho kiếm tiền tiêu vặt… Tạm biệt Luxembourg, tôi cứ tâm đắc mãi lời tâm sự của một người dân nơi đây: “Trước đây, các dân tộc khác tới Luxembourg để tranh giành và chém giết lẫn nhau. Ngày nay, họ đến để khám phá những điều kỳ thú và cùng nhau tạo dựng cuộc sống hòa bình…”.
Nguyễn Văn Mỹ
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)