Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Lũy đá cổ Kỳ Anh sắp thành phế tích

Tạp Chí Giáo Dục

Bức tường thành cổ kỳ bí bằng đá dài hàng chục km, có từ thời Chămpa, nằm ở phía tây nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích.
Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết các nhà khảo cổ khẳng định lũy đá cổ Kỳ Anh có từ thời Chămpa. Đến thế kỷ 17, dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhận thấy lũy đá này nằm ở vị trí đồi núi cao, dốc đèo hiểm trở, là địa hình phòng thủ lý tưởng để đề phòng quân đội của nhà Nguyễn từ Đàng Trong đánh ra nên chúa Trịnh Toàn đã củng cố, xây dựng thêm thành một phòng tuyến quân sự vững chắc.
Lũy đá cổ nằm trên sườn phía bắc của dãy núi Hoành Sơn, kéo dài từ đông sang tây, vắt ngang qua địa bàn 3 xã của huyện Kỳ Anh gồm Kỳ Lạc, Kỳ Hoa và Kỳ Lâm. Điểm bắt đầu của lũy đá cổ là chân núi Đèo Bụt (thuộc thôn Lạc Thắng, xã Kỳ Lạc), kéo dài theo sườn núi lên đỉnh Trầm Hương, một ngọn núi nằm trong dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Lũy đá nằm chắn ngang qua con đường thượng đạo đã có từ xa xưa, sau này trở thành QL22, trục giao thông huyết mạch chạy từ vùng núi phía tây của huyện Kỳ Anh sang vùng núi phía tây của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

 

Một góc lũy đá cổ Kỳ Anh /// Ảnh: Nguyễn Đức
Một góc lũy đá cổ Kỳ Anh. Ảnh: Nguyễn Đức

Từ năm 1993, các chuyên gia khảo cổ đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu về lũy đá cổ này, đặc biệt vào tháng 4.2012, Viện khảo cổ học VN và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh mở cuộc điều tra, thám sát quy mô lớn về công trình. Kết quả cho thấy lũy đá dài khoảng 30 km, được ghép đều đặn, vuông vức theo phương thẳng đứng bằng những phiến đá son (loại đá tự nhiên khi mài ra có màu đỏ như son) mà không sử dụng đến chất kết dính. Lũy cao hơn 3 m, phía trên lũy khá bằng phẳng, nơi rộng nhất khoảng 2 m và hẹp nhất là 1,2 m. Dọc theo chiều dài của lũy, cứ cách khoảng 3-4 m lại được trổ một lỗ hỏa hiệu kiểu dạng hình phễu, mặt trước to, mặt sau nhỏ, có thể vừa để thoát nước, vừa quan sát đánh trả kẻ địch công phá thành.
Ở vị trí đặt lỗ hỏa hiệu, hai bên có xây bậc theo kiểu tam cấp cho quân lính lên xuống thành lũy thuận tiện, đồng thời có địa điểm để tập kết quân lính được đào sâu dưới chân thành về phía bắc, gọi là “hộc đong quân”, có sức chứa 4-5 người.
Xuống cấp nghiêm trọng
Ông Nguyễn Lộc Hằng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Anh cho biết các chuyên gia khảo cổ nhận định lũy đá cổ Kỳ Anh là thành lũy cổ bằng đá rất độc đáo, được xây dựng với kỹ thuật kiến trúc bậc cao, có giá trị văn hóa, lịch sử và có ý nghĩa rất quan trọng. Thậm chí, một số chuyên gia khảo cổ đến từ các nước Ý và Anh còn đánh giá, lũy đá này bề thế hơn cả thành lũy cổ bằng đá tại tỉnh Quảng Ngãi. Vào năm 2014, lũy đá cổ Kỳ Anh đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phục vụ tham quan du lịch cũng như các chương trình nghiên cứu về thành lũy cổ ở VN.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện lũy đá cổ Kỳ Anh đã xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều đoạn bị đổ vỡ, trông nhếch nhác, đìu hiu. Các hạng mục của công trình như hệ thống tường thành lũy, lỗ ô vuông, bậc tam cấp, hộc đong quân… bị dây leo, cây rừng che khuất.
Ông Nguyễn Thái Toàn, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết đến thời điểm hiện tại, địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa tổ chức được lễ công bố, đón nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cho lũy đá cổ Kỳ Anh để tiến hành bảo vệ, tu bổ, tôn tạo. “Di tích đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi rất lo lắng nhưng vì thiếu kinh phí tu bổ và thuê người trông coi, bảo vệ nên đành chấp nhận”, ông Toàn nói.
Ông Lê Bá Hạnh lo lắng nói thêm: “Nếu không kịp thời tu bổ, bảo vệ, rất có thể trong nay mai, một kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt giá trị như lũy đá cổ Kỳ Anh sẽ biến thành… phế tích”.

Nguyên Dũng (TNO)

Bình luận (0)