Ông Andy, giảng viên nước ngoài của Trung tâm Apollo, cho biết: “Việc đưa các câu hỏi ngữ âm vào đề thi môn tiếng Anh là một cách để các nhà chuyên môn đánh giá kỹ năng nói của thí sinh khi họ không có điều kiện kiểm tra trực tiếp. Vì vậy thông thường sẽ có các dạng đề xác định: trọng âm, nguyên âm ngắn, nguyên âm dài, nguyên âm kép… Và để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, chắc chắn thí sinh phải đầu tư thời gian để rèn luyện phần ngữ âm ngoài việc học từ vựng và ngữ pháp.
Học sinh, sinh viên Việt Nam thường không bật âm hoặc nuốt âm phụ khi phát âm. Ví dụ: “s” trong số nhiều của danh từ, số ít của động từ. Đặc biệt đối với các phụ âm liên tiếp, khó bật âm như “months”, học sinh, sinh viên rất dễ đọc sai. Việc đặt dấu trọng âm của từ cũng hay bị thay đổi tùy tiện. Và cuối cùng là âm sắc của một câu thường không được tuân thủ đúng. Với các học sinh, sinh viên Việt Nam câu phủ định hay nghi vấn cũng thường được đọc như câu khẳng định.
“Có một nguyên tắc đơn giản khi luyện ngữ âm là hay lắng nghe và lặp lại”, ông Andy nói. Chúng ta có thể rèn luyện kỹ năng nghe bằng nhiều hình thức khác nhau: nghe các chương trình truyền hình bằng tiếng Anh; tự thu lại giọng nói của mình, sau đó nghe lại, tìm ra những điều chưa đúng, chưa hay để điều chỉnh lại. Nếu có điều kiện nên thường xuyên trò chuyện với người bản xứ để có thể tập cho mình một phản xạ về ngôn ngữ mà không bị các quy luật văn phạm khác chi phối nhiều. Ngoài ra, việc tham gia các khóa luyện ngữ âm chuyên biệt tại các trung tâm Anh ngữ có uy tín hiện nay cũng đem lại hiệu quả nhất định.
Bích Vân (TNO)
Bình luận (0)