Có mặt tại "lò" luyện thi Thăng Long (số 4-6 Chùa Bộc, Đống Đa) đầu giờ chiều 13/6, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi lượng sĩ tử tại các lớp ôn thi đại học "cấp tốc". Bốn hội trường là các dãy nhà lợp mái tôn, được trang bị điều hòa, quạt trần, loa đài, hầu như kín chỗ ngồi. Đông nhất có lẽ là lớp ôn thi tiếng Anh, có đến 400-500 sĩ tử ngồi chen chúc, mặt bàn chỉ đủ để đặt quyển sách viết bài. Giá ôn thi "cấp tốc" ở đây được tính theo từng môn (khối A, D), giao động từ 310.000đ – 465.000đ/môn. Riêng môn Toán, nếu học đầy đủ có giá trên 1,2 triệu đồng/khóa.
Sĩ tử Trần Hương Dung (Ân Thi, Hưng Yên) cho biết: "Em nghe nói trung tâm này toàn thầy cô có chất lượng của các trường ĐH tới dạy nên em đã chọn nơi này để ôn thi. Em thi khối D, mỗi ngày học từ 2-3 ca. Riêng môn tiếng Anh, em phải đến sớm tầm 30 phút để có được vị trí ngồi bên trên, dễ tiếp thu bài. Chứ đến muộn, khó tìm được chỗ ngồi, chẳng may ngồi sau bạn nam cao lớn thì rất khó để chép bài trên bảng".
Các "lò" luyện thi ĐH "cấp tốc" trong ngõ 336, đường Nguyễn Trãi lâm vào cảnh "ế ẩm", thỉnh thoảng mới có sĩ tử tới đăng ký ôn thi. Ảnh: Quang Huy
|
Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, đề thi ĐH, CĐ năm 2011 vẫn có cấu trúc như năm 2010. Môn thi Ngoại ngữ sẽ không có phần riêng, còn lại các môn thi khác vẫn có phần chung và phần riêng. Đề thi không nằm ngoài chương trình và vượt chương trình THPT.
Đề sẽ có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Về phương hướng ra đề, vẫn theo nguyên tắc sẽ có một số câu hỏi thực sự khó để phân loại thí sinh.
|
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hoạt động ôn thi đại học "cấp tốc" có chiều hướng đi xuống, nhiều "lò" thu nhỏ quy mô, hoạt động cầm chừng. Ngõ 336 đường Nguyễn Trãi (cạnh ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) trước đây là nơi ôn thi có tiếng thì nay chỉ còn 3 "lò" tại nhà số 1, 15 và 17. Anh Chu Minh Tiến, phụ trách trung tâm luyện thi số 15 cho biết: "Năm nay, số lượng học sinh không khá hơn năm trước. Từ hôm khai giảng (6/6) đến nay, các lớp khối A, C, D chỉ được tầm 30 em/lớp. Gọi là lớp cho "oai", chứ thực ra là ôn thi nhóm thì đúng hơn. Các môn Văn, Sử, Địa rất vắng".
Những năm trước, cổng số 2 (ĐH Sư phạm Hà Nội) luôn có từ 4-6 trung tâm cùng bảng hiệu, bàn tuyển sinh cạnh tranh sĩ tử. Năm nay, tình trạng "ế ẩm" diễn ra khá phổ biến. Các "lò" ngán ngẩm đến nỗi chỉ treo tấm bảng bé xíu "ôn thi cấp tốc đại học đăng ký tại đây", sĩ tử nào có nhu cầu thì vào bên trong đăng ký.
Đặc biệt năm nay, sức hút của các "lò" nhỏ lẻ giảm mạnh. Anh Khang, nhân viên một "lò" luyện thi trên phố Thái Thịnh (thuê phòng học ở Trường CĐ Nghề Thái Thịnh) cho biết: "Các lớp ôn không quá 30 người, riêng lớp Văn khai giảng từ mấy hôm nay nhưng chỉ có 3 người đăng ký học. Ít người nên trung tâm sẽ thu mỗi học sinh 100.000đ/buổi. Nếu "gom" được nhiều, sẽ giảm giá tùy theo số lượng đăng ký". Tương tự, tại nhiều trung tâm luyện thi các khối nghệ thuật như: vẽ, chụp ảnh, thanh nhạc… ở khu vực Trường ĐH Mỹ thuật, ĐH Sân khấu điện ảnh, Học viện Âm nhạc, Sư phạm nghệ thuật Trung ương… cũng trong cảnh thiếu vắng sĩ tử đến đăng ký học ôn.
Theo một số chủ "lò" luyện thi "cấp tốc", nguyên nhân ế ẩm là bởi vài năm trở lại đây, Bộ GD& ĐT có những thay đổi trong phương thức tuyển sinh, đề thi ĐH bám sát chương trình học, nên học sinh có thể tự ôn tập, hoặc học thêm thầy cô ở trường. Một nguyên nhân khác đó là do sự lấn lướt của hình thức ôn thi trực tuyến, hàng loạt website mở ra từ miễn phí cho đến thu phí với giá rẻ được nhiều sĩ tử lựa chọn.
Theo PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh): "Hiện nay, các "lò" luyện thi ĐH theo kiểu "cấp tốc" chủ yếu mang nặng yếu tố kinh doanh, lợi nhuận nên có nhiều "chiêu" để hút thí sinh tới đăng ký ôn thi. Những năm gần đây, đề thi đại học chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông, không quá khó. Vì thế, các em chỉ cần ôn tập ở sách giáo khoa, tham khảo các bài tập khó, hỏi thầy, hỏi bạn… Kiến thức phải được đầu tư trong suốt quá trình học, chứ không thể vài tuần, một tháng là có thể thay đổi. Việc cần làm lúc này là các em phải tận dụng thời gian tự ôn tập, nâng cao kỹ năng làm bài và chuẩn bị tâm lý thật tốt cho kỳ thi".
Bình luận (0)