Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Luyện thi cấp tốc ở… “chợ”

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc hơn tuần, nhiều thí sinh (TS) lập tức “tiến quân” về thành phố để “dùi kinh mài sử” tại các lò luyện thi. Điều này làm cho nhiều lớp học TS ngồi chen chúc nhau và ồn ào chẳng khác nào cái chợ…

Lớp học luyện thi cấp tốc chen chúc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (ảnh chụp sáng 8-6-2010)

Chưa chắc đậu tốt nghiệp vẫn đến lò luyện

Thời điểm này, lượng TS từ các tỉnh đổ về thành phố ôn thi cấp tốc ngày một đông. Trở ra từ dòng người chen lấn tại điểm ghi danh luyện thi cấp tốc (LTCT) thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, TS Nguyễn Thành Duy (THPT Long Thành – Đồng Nai) chia sẻ: “Vì đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm nên vừa thi tốt nghiệp xong, em xin ba mẹ lên đây ôn thi luôn cho chắc”.

Sáng 8-6, không khí tại điểm ghi danh LTCT của Trường ĐH KHTN TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) rất nhộn nhịp, TS đến đăng ký học cấp tốc liên tục tăng. Trước mắt chúng tôi là một chiếc bàn với chiều dài khoảng hơn 1m, TS và phụ huynh phải chen lấn để được ghi danh vào học, cảnh tượng vô cùng nhốn nháo. Nhân viên ghi danh liên tục hỏi thông tin, tay ghi biên lai không ngớt. Mới hơn 9h sáng, 2 xấp biên lai đã được xé gần hết. Trung tâm mở 3 khối A, B, D, nhưng nhiều nhất vẫn là khối A với gần 50% số TS đến đăng ký. Sĩ tử Bùi Văn Khanh (THPT Đức Trọng – Lâm Đồng) tay cầm biên lai đi nhận tài liệu học, cho biết: “Em vừa xuống thành phố được 3 ngày cùng 2 người bạn. Hôm nay em đến đây đăng ký học khối A, tiện thể đăng ký khối D cho bạn luôn”.
Buổi chiều cùng ngày, tại điểm ghi danh của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, mặc dù trời mưa nhưng lượng TS đến đăng ký rất đông. Nhiều nhất vẫn là những TS ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu…

Tại điểm ghi danh LTCT của Trường ĐH SPKT TP.HCM, dù đã đến thời điểm khai giảng lớp đầu tiên (14 giờ ngày 8-6), vẫn có nhiều TS tới ghi danh. Trường chỉ mở khối A và D với học phí 850.000đ. Không ít TS muốn đăng ký học cả 2 khối A và D nhưng không được vì trùng lịch học. Qua thăm dò chúng tôi nhận thấy, nhiều TS ở các tỉnh dù chưa chắc mình có đậu tốt nghiệp hay không nhưng vẫn lên thành phố luyện thi theo phong trào. Bỏ thời gian, tiền bạc tới lò luyện, đến khi rớt tốt nghiệp lại phải ngậm ngùi về quê. Tình trạng này đã từng xảy ra trong những năm trước.

Ồn như cái chợ

Dù đã được phát lịch học nhưng nhiều TS tại Trung tâm LTCT Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, vẫn ngớ người không hiểu bởi trung tâm xếp lịch học theo giờ và phòng học đan xen nhau chứ không theo khối. Ví dụ, đến giờ học môn toán, cả 3 khối B, A, D đều có thể học chung một phòng. Thậm chí TS của lớp đã học trước cũng có thể ngồi vào phòng học của khóa sau. Nếu TS không chú ý thì sẽ nhầm buổi, nhầm môn như chơi. Tại đây, điểm ghi danh nằm cạnh các phòng học đã khai giảng trước, TS đến ghi danh, TS ngồi chờ vào lớp cứ nháo nhào, khiến nhiều sĩ tử trong phòng học không thể tập trung nghe giảng.

Vấn đề phòng ốc ở những trường trên thì khỏi phải bàn. TS đông, trong khi diện tích phòng có hạn, phòng nào cũng nhét gần cả 100 người chật ních. Có nhiều TS phải ngồi sát cửa ra vào nên dù cố gắng lắm cũng chỉ nghe câu được câu mất. Tại phòng E104 – lớp LTCT khối A của Trường ĐH SPKT, chúng tôi nhìn thấy nhiều TS ngồi bàn cuối chỉ lo nói chuyện với nhau, thậm chí có em còn ngủ gật, nhưng giáo viên (GV) không hề nhắc nhở. Thầy giảng mặc thầy, trò dưới này cứ tự nhiên “tám”, lớp học ồn ào như cái chợ. TS Mạnh Hùng (Bình Phước) đang học tại Trung tâm LTCT Trường ĐH SPKT tâm sự: “Muốn ngồi bàn đầu để dễ tiếp thu bài thì phải đi thật sớm, đến muộn chỉ còn cách xuống phía sau. Ngồi bàn cuối, GV có giảng bằng micro vẫn khó nghe bởi lớp học quá ồn. Nhưng được chỗ ngồi là may rồi, nhiều TS còn không có chỗ để ngồi.”

Một điều dễ nhận thấy là không chỉ TS các tỉnh mà ngay cả những em ở thành phố cũng đến với “lò luyện” cấp tốc để “tầm sư học đạo”. Em Lê Tuấn Anh (THPT Nguyễn Huệ) kể: “Vừa thi tốt nghiệp xong, ở nhà học không vô nên em xin ba mẹ cho đến trung tâm ôn”. Không biết các sĩ tử sẽ “ôn” được gì từ những phòng học đông người, ồn ào khi mùa thi đã cận kề. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều, chừng nào còn có TS đến luyện thi, chừng đó các trung tâm vẫn còn có cơ hội được “vỗ béo”.

Bài, ảnh: Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)