Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Luyện thi đại học cấp tốc vào mùa:

Tạp Chí Giáo Dục

bài 3: Luyện thi cấp tốc liệu có phải là giải pháp tối ưu?

Không còn bao lâu nữa, các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi hết sức quan trọng, đó là kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi này sẽ ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp trong tương lai, do đó áp lực tâm lí không chỉ tác động đến học sinh mà còn cả phụ huynh có con em dự thi. Đây là một trong những lí do khiến lượng học sinh tìm đến các lò luyện thi cấp tốc tăng đột biến, nhất là trong những ngày sát kỳ thi. Mặc dù vậy, luyện thi cấp tốc liệu có phải là giải pháp tối ưu?

Xếp hàng chờ ghi danh luyện thi cấp tốc ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Ảnh: N.HẢILuyện thi… theo phong trào

Phần lớn học sinh đăng kí vào các lò luyện cấp tốc khi vừa mới kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù chưa biết kết quả, họ vẫn tranh thủ tìm đến với các lò luyện thi mang theo hi vọng các “lò luyện” sẽ củng cố được ít nhiều kiến thức. Như vậy, việc học sinh tìm đến với các lò luyện thi trước hết là do áp lực tâm lí từ phía bản thân và cả từ phía gia đình. Nhiều học sinh khăn gói đến thành phố tìm chỗ luyện thi chỉ là do phong trào. Thấy bạn bè đi thì cũng đi theo mà không ý thức được sức học của bản thân. Với những học sinh này, hơn một tháng luyện thi cấp tốc liệu có bổ sung được kiến thức hay chỉ đơn thuần là giải quyết “khâu tâm lí”?. Việc các thí sinh tham dự kỳ thi thử đại học, cao đẳng do nhà trường hoặc các trung tâm luyện thi tổ chức có kết quả thấp cũng ít nhiều gây tâm lí hoang mang, dao động. Đây cũng là một trong những lí do khiến cho các lò luyện thi luôn “nóng” nhất là trong những ngày sát kỳ thi.

Mặc dầu ngành giáo dục và các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh, đóng cửa những là luyện thi không đảm bảo yêu cầu về các yếu tố như: người dạy, cơ sở vật chất… nhưng trên thực tế, do tính chất nhạy cảm, phức tạp của hoạt động luyện thi, đặc biệt là do nhu cầu lớn của thí sinh nên chất lượng của các trung tâm luyện thi rất khó kiểm soát và có phần bị thả nổi. Phần lớn các lò luyện thi đều do tư nhân tổ chức, họ đảm nhiệm việc tổ chức lớp học và … thu tiền còn nội dung bài giảng cũng như chất lượng giảng dạy thì hoàn toàn phó mặc cho người dạy. Nhiều học sinh bị “hoa mắt”, bùi tai bởi những lời quảng cáo “đường mật” kiểu như: “Lò luyện thi uy tín lâu năm”; “Đảm bảo đậu 100%”; “không đậu, hoàn lại tiền”… Hiện tượng “treo đầu dê, bán thịt chó” đã xảy ra khi trên bảng quảng cáo ghi tên những giáo sư, tiến sĩ có tiếng của các trường đại học trực tiếp giảng dạy nhưng trên thực tế lại khác, thậm chí có hiện tượng vì không có giáo viên và để tiết kiệm chi phí, có “lò luyện” đã để sinh viên đứng lớp. Đó là chưa kể những lò luyện thi kiểu này thường không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, lớp học quá đông. Với tôn chỉ “sống chết mặc bay, tiền thầy…bỏ túi”, mục đích kinh doanh thuần túy của những lò luyện thi kiểu này là khá lộ liễu. Những học sinh đến từ các vùng nông thôn, miền núi, do thiếu thông tin, đã trở thành những “con mồi” béo bở để các “chủ lò” trục lợi.

Khi chấp nhận việc tìm đến với các “lò” để luyện thi, đồng nghĩa với việc các phụ huynh và học sinh phải chi tiêu một khoản tiền không nhỏ. Chi phí cho mỗi ca học kéo dài không quá 2 tiếng trung bình khoảng 10.000đ. Đối với những “lò” có thương hiệu, nghĩa là có nhiều thầy “sao” đứng lớp thì giá của mỗi ca học dao động từ 15.000đ đến 20.000đ. Nỗi lo chi phí luyện thi đè nặng lên vai các bậc phụ huynh có con em từ xa đến thành phố ở trọ. Ngoài vấn đề học phí, còn phải lo chi phí việc ăn, việc ở nhất là trong thời điểm “bão giá” hoành hành, giá cả mọi dịch vụ đều leo thang như hiện nay.

Không cần luyện vẫn hiệu quả

Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT chủ trương cải tiến hình thức thi, trong đó có việc mở rộng hình thức thi trắc nghiệm đối với các môn thi. Cùng với đó là việc thay đổi phương pháp ra đề thi vừa bao quát chương trình, vừa phân loại được trình độ học lực của thí sinh và nhất là chống “bệnh học tủ”. Với những thay đổi như vậy, nếu học sinh không có được vốn kiến thức “nền” nhất định, thì chỉ trong vỏn vẹn hơn một tháng luyện thi cấp tốc cho cả 3 môn học, liệu có đủ thể “vá” được những kiến thức bị hổng? Trong một khoảng thời gian eo hẹp như thế, với những học sinh có sức học yếu thì chắc chắn không đủ để bao quát hết được chương trình, lấy đâu ra thời gian để “luyện”! Đó là chưa kể việc học sinh phải thay đổi cách học sao cho phù hợp với cách giảng của thầy. Với lịch học thường kín cả ngày, cường độ học tập căng thẳng, học sinh khó tránh khỏi tình trạng bị “nhồi nhét” kiến thức. Đối với những học sinh có sức học còn non, không dễ gì để “tiêu hóa” hết được khối lượng kiến thức.

Có thể nói, học tập là cả một quá trình tích lũy kiến thức lâu dài. Năng lực học tập của mỗi học sinh phần lớn phụ thuộc vào tư chất và phương pháp học tập của học sinh đó. Những học sinh bị hổng nhiều kiến thức nếu chỉ trông chờ vào một khóa luyện thi cấp tốc thì khó mang lại kết quả như mong muốn. Luyện thi cấp tốc chỉ phát huy tác dụng nếu học sinh có nền kiến thức cơ bản. Luyện thi cấp tốc trong các trung tâm uy tín, có chất lượng là dịp để học sinh hệ thống hóa lại các kiến thức đã học từ đó tăng sự tự tin cho bản thân trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.

Như vậy, mỗi học sinh cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của bản thân như: sức học, vốn kiến thức đã thu nhận được qua quá trình học tập, điều kiện kinh tế của gia đình… để quyết định có nên tham gia một khóa luyện thi cấp tốc hay không? Mặt khác, nếu quyết định luyện thi, học sinh cần sáng suốt lựa chọn cho mình một trung tâm luyện thi có chất lượng, uy tín, bởi hiện nay có không ít các lò luyện thi mở ra chỉ với mục đích lợi nhuận. Tóm lại, mỗi học sinh cần hết sức tỉnh táo khi quyết định theo học một khóa luyện thi cấp tốc, nhất thiết không vì bị sức ép tâm lý hay đua đòi chạy theo trào lưu mà tham gia để rồi “tiền mất, tật mang”.

Bùi Minh Tuấntc "Buøi Minh Tuaán"

(Giáo viên Trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)tc "(Giaùo vieân Tröôøng THPT Kim Lieân – Nam Ñaøn – Ngheä An)"

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)