Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Luyện thi lớp 1 đắt gấp 4 lần… luyện thi ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Để giành một vé vào trường chuyên, lớp chọn, nhiều cô bé, cậu bé 6 tuổi đã bị cha mẹ “ép” luyện thi. Chuyện tưởng như khó tin vì lệ phí của các “lò luyện” này đắt gấp 4 lần luyện thi ĐH!
Có con đến tuổi đi học, với tâm trạng không yên tâm và để bằng chị bằng em, các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đổ xô đi tìm thầy, tìm lò chất lượng cao để cho con luyện thi. Nắm bắt được nhu cầu, một số trường tiểu học ở TP Hà Nội đã “thức thời” mở lớp luyện thi vào lớp 1, tăng cường khả năng đọc viết và làm toán… cho học sinh. Vì vậy, nó đã tạo nên một “cơn sốt” không thua kém luyện thi đại học.

Để vào được lớp 1 trường tốt, trẻ phải đọc thông, viết thạo, biết tiếng Anh…  (Ảnh minh hoạ)
Tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Mỹ Đình – Từ Liêm) và trường tiểu học Nguyễn Siêu (Trung Kính – Cầu Giấy), nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con vào luyện thi nhưng phải lủi thủi ra về vì bị từ chối do “các lớp đã đủ sĩ số”!
Một chị phụ huynh kể: “Hôm 20/3 tôi đến trường đăng ký, nhưng lớp đông quá. Nhà trường hẹn hôm khác đến, phải đến 5 ngày sau tôi mới đăng kí được cho con”. Theo phụ huynh này thì mức học phí tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm là 450.000đ/tháng/học sinh, cộng với tiền bán trú 150.000đ/tháng.
Không chỉ “tầm sư học đạo” theo cách cho con luyện thi ngay tại trường tiểu học nơi con mình ứng thí. Các bậc phụ huynh còn tìm đến các trung tâm bồi dưỡng kiến thức, các lò luyện.
Tại địa chỉ 24 xóm Hạ Hồi (Quang Trung, Hà Nội) 10 đứa trẻ ngồi trong một căn phòng khoảng 10m2. Bàn đặt sát với bảng và ghế thấp hơn so với bàn nên các bé phải cong lưng để gò từng nét chữ. Cô giáo không dùng bảng carô, mà là bảng đen không có dòng kẻ, cô viết mẫu từng từ lên bảng rồi học sinh nhìn vào đó tập viết, tập phát âm.
Thoạt nhìn, tưởng các cháu yêu thích công việc học tập, nhưng chỉ được 15-20 phút: “Cô ơi, cháu buồn tè”; “cô ơi nghỉ tí xíu đi cô, con mỏi lưng quá rồi!”; “cô ơi, cô kể chuyện đi”. Lập tức cả lớp nhao nhao “cháu mệt lắm cô ơi! cô kể chuyện đi”; “cháu muốn về… mẹ ơi… mẹ ơi!”.
Ông Nguyễn Thanh Đồng, chủ lò luyện cho biết: “Trung tâm bồi dưỡng kiến thức được thành lập hơn 10 năm nay. Mỗi năm cứ vào dịp tháng 3 là trung tâm lại tuyển sinh lớp nhỏ (dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1). Trung bình mỗi năm mở được 6 lớp, mỗi lớp 10 cháu. Năm nay, mới tháng 2 nhưng trung tâm đã khai giảng được 2 lớp. Đến nay trung tâm đã mở được 4 lớp”.
Được biết học phí mỗi buổi tại trung tâm bồi dưỡng kiến thức 24 Hạ Hồi là 50.000đ/buổi/học. Tổng cả khóa học là 2.075.000đ. Với giá chi phí như thế, nếu so sánh với khoá cấp tốc luyện thi đại học thì cao gấp 4 lần.
Chị Bích Liên ở Cống Vị, Ba Đình tặc lưỡi cho biết, biết giá mỗi buổi học là khá cao nhưng thôi con nhỏ mình phải chịu khó đầu tư cho bằng bạn, bằng bè.
Ông Đồng nói: “Nếu học sinh vào học ở đây thì ngay từ buổi học đầu tiên phải đóng tiền đầy đủ học phí cả. Ở đây không có chế độ học thử và đóng nửa khóa hay từng tháng một”.
“Trung tâm thu như vậy là muốn tốt cho học sinh. Đóng tiền rồi, học sinh có muốn bỏ giữa chừng cũng không được và lớp không bị tan rã” – ông Đồng giải thích thêm.
Chính tâm lý sợ thua thiệt, các phụ huynh bằng mọi giá cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1, cho dù nhiều người cũng hiểu đi học trước dễ khiến các bé có tâm lý chủ quan, chán học khi vào lớp 1. Chính người lớn đã làm khổ các em. Với học phí hơn 2 triệu ở trung tâm luyện thi 24 Hạ Hồi thì các em phải học 40 buổi học vào hai ngày trong tuần thứ bảy và chủ nhật, các em sẽ phải theo học liên tục 20 tuần. Bởi thế, chưa vào lớp 1, các bé đã phải chịu một áp lực vô hình do người lớn tạo ra.
Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, khẳng định: "Bộ GD-ĐT không bao giờ chỉ đạo việc thi tuyển sinh vào lớp 1. Nơi nào làm như vậy là làm sai. Tuy nhiên, có những trường không nằm trong hệ thống trường công lập, hoặc những trường không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân đang thí điểm theo chương trình mới. Những trường này không bị bắt buộc phải tuyển học sinh trên địa bàn trường đóng trong khi nhu cầu của phụ huynh và học sinh xin vào thì nhiều mà khả năng đáp ứng thì ít vì thế họ nghĩ ra mọi cách để lựa chọn và loại bớt học sinh".
 Hồng Hạnh – Cao Hoà (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)