Học sinh Trường THCS Ngô Chí Quốc ôn tập cho kỳ thi lớp 10 |
Không sôi động như các lò luyện thi ĐH, CĐ, các lớp luyện thi vào lớp 10 chỉ diễn ra âm thầm tại các trường THCS nhưng những ai ở trong cuộc mới hiểu cuộc đua này không kém phần quyết liệt.
Trường nào cũng mở lớp ôn luyện
Thời điểm cuối tháng 5, sau khi đã tổng kết năm học và HS nghỉ hè, ban giám hiệu các trường THCS ở những quận nội thành bắt đầu chuyển hướng vào việc bồi dưỡng HS khối 9 chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới. Đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Trường Bàn Cờ (Q.3) đã “khai giảng” 10 lớp ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh trong thời gian 3 tuần (sẽ kết thúc 19-6). Ngày 8-6, sân trường THCS Gò Vấp 2 vắng vẻ do HS đã nghỉ hè nhưng trong các phòng học, nhiều em HS khối 9 đang “ôm” tập vở ôn tiếp chương trình để bổ sung thêm kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp. Thầy Đỗ Văn Minh – Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Năm nay trường có 400 HS khối 9 thi tuyển vào lớp 10, so với năm ngoái ít hơn 100 em. Do thời gian ôn tập ngắn nên trường bố trí cho các em học đủ 6 buổi trong tuần, không có ngày nghỉ”. Tuy không quyết liệt như một số trường THCS tìm cách cho HS “lao” vào trường THPT chuyên hay trường “ba sao, bốn sao” nhưng Trường THCS Yên Thế (Bình Thạnh) vẫn không cho HS ở nhà ngồi chơi khi ngày thi đã cận kề. Để các em có kết quả tốt trong kỳ thi tuyển vào lớp 10, Ban giám hiệu trường đã tổ chức 4 lớp ôn thi cho 134 HS khối 9. Ngoài việc động viên thầy cô đi dạy, Ban giám hiệu còn vận động HS đi học nhằm nâng dần tỉ lệ vào lớp 10 công lập.
Tại “lò” luyện thi của Trường Ngô Chí Quốc (Thủ Đức) năm nay có một sĩ tử rất đặc biệt vì em không mang “hộ khẩu” của Trường Ngô Chí Quốc mà đến từ Trường Lê Quí Đôn – đó là em Nguyễn Thành Trung. Chị Lê Thúy Hương – mẹ Thành Trung – kể: “Cháu học lớp chuyên của Trường Lê Quí Đôn, 4 năm liền đều là HS giỏi. Nếu đăng ký đúng tuyến thì được xét tuyển vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nhưng nhà tôi lại ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh nên vợ chồng tôi cho cháu thi vào Trường THPT Gia Định gần nhà, đi xe buýt cho tiện khỏi đưa rước cháu đi học”. Còn Thành Trung thì bật mí: “Lớp con có 30 bạn đạt điểm trung bình cuối năm trên 9,5 nên tất cả đều được lên thẳng vào lớp 10 Trường Nguyễn Hữu Huân. Chỉ có con và một bạn xin sang học trường khác nên phải vào Trường Ngô Chí Quốc luyện thi”. Qua lời Trung kể, chúng tôi biết em rất lo lắng vì nếu chẳng may thi vào Trường Gia Định không đậu thì sẽ không còn cơ hội về Trường Nguyễn Hữu Huân học nữa, coi như “xôi hỏng bỏng không”. Những trường hợp “nhảy” sang trường khác ôn thi như Thành Trung không nhiều, đa phần là do nguyện vọng chuyển trường hoặc vì nhà quá xa chỗ học mà phải đi tìm chỗ khác ôn cho gần hơn.
Thầy – trò đều “tự biên tự diễn”
Một điểm chung của các “lò” luyện thi vào lớp 10 là thầy trò trong trường đều “tự biên tự diễn” chứ không phải thuê giáo viên từ nơi khác về dạy. Thầy cô đứng lớp đều là “người nhà”, còn học trò “quanh đi quẩn lại” cũng chỉ mấy gương mặt HS quen thuộc chứ không ai xa lạ. Chương trình ôn thi của các trường – theo ý kiến của nhiều thầy cô đứng lớp – cơ bản là hệ thống hóa kiến thức đã học. Riêng với đối tượng HS khá giỏi còn nâng cao thêm một số kiến thức chuyên sâu. Kỹ năng làm bài, cách giải quyết vấn đề mà đề bài yêu cầu cũng là một nội dung mà các giáo viên phải đề cập đến trong những ngày “văn ôn võ luyện” này. Tuy nhiên đối tượng họ quan tâm nhất là những HS có học lực trung bình và yếu. Ngoài 6 buổi sáng “vật lộn” với bài vở, một số HS Trường Gò Vấp 2 phải phụ đạo thêm một số buổi chiều để “chạy” cho kịp bạn bè. Do đó, trao đổi với chúng tôi, cô Dương Thu Hồ – Hiệu trưởng Trường Yên Thế phân trần: “Các thầy cô trường tôi chỉ mong HS mình đậu vào các trường THPT trong địa bàn quận nhà như Hoàng Hoa Thám, Phan Đăng Lưu là tốt lắm rồi. Ngay cả Trường Gia Định, Võ Thị Sáu nằm trên địa bàn quận mà nhiều em cũng không dám ước mơ tới nói chi đến các trường chuyên ở nơi khác”.
Không giống như ở các trường THCS, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi 218 Lý Tự Trọng (Q.1) khai giảng các lớp luyện thi vào lớp 10 rất sớm nên trung tâm đã từ chối không nhận thêm HS do phụ huynh đến đăng ký luyện thi cho con quá trễ. Bà Đàm Lê Đức – đại diện trung tâm cho biết: “Ở đây chúng tôi mở 2 loại hình ôn thi: HS thi vào lớp chuyên thì học 4 môn, còn thi vào lớp không chuyên (thường) thì học 3 môn. Trung tâm cũng vừa tổ chức cho các lớp thi thử nhằm đánh giá trình độ của từng em và kiểm định phương pháp giảng dạy của giáo viên”. Theo bà Đàm Lê Đức, cách làm này sẽ giúp cho thầy cô kịp thời sửa những lỗi của HS thường mắc phải và HS sẽ có thêm kinh nghiệm, tự tin hơn khi làm bài. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về số lượng HS ôn tập tại trung tâm đông không, bà Đức cho biết “số lượng HS đăng ký ôn thi năm nay không tăng, giống như năm rồi”.
Khi hỏi về chuyện học phí, các hiệu trưởng cho biết mức học phí nhà trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau nhưng cũng không cao lắm. Một HS ở “lò” luyện thi Ngô Chí Quốc tiết lộ, tổng học phí cả khóa học cho 3 môn là 360.000 đồng. Đây cũng là “mặt bằng” chung của nhiều trường khác. Tuy nhiên nhiều trường đã áp dụng chế độ miễn giảm học phí cho những HS nghèo, vì “có như vậy mới tạo điều kiện cho các em HS nghèo có cơ hội đến trường” như thầy Đỗ Văn Minh trao đổi.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)