Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lý do bận họp chính là cái cớ để né trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

“Tôi đã từng phát biểu rằng, hễ xảy ra vấn đề gì, khi phóng viên báo chí gọi điện hỏi thì các cấp chính quyền đều nói bận họp, và rất nhiều lý do khác. Tôi cho rằng, bận họp chính là cái cớ để né tránh trách nhiệm”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại thẳng thắn nêu.
Toạ đàm Báo chí với hoạt động của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng 29/9
Toạ đàm Báo chí với hoạt động của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng 29/9

Tại buổi Toạ đàm Báo chí với hoạt động của Quốc hội do được Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng 29/9, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng thẳng thắn cho rằng, thực tế vẫn có nhiều ĐBQH e ngại trong việc trả lời báo chí. Song theo ông Tiến, nếu thể hiện tốt thì đây là kênh thông tin hữu hiệu nhất để ĐBQH xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng.

“ĐBQH không bao giờ nói không với báo chí. Cánh cửa phòng ĐBQH luôn mở với báo chí. Báo chí cần mình có nghĩa là dư luận xã hội, cử tri cần mình”, ông Tiến cho hay.

Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Lê Việt Trường cũng cho rằng, không nên chỉ gói gọn trong bốn bức tường của hội trường Ba Đình mà phải mở rộng ra với quần chúng. 

Muốn làm được điều này, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được lòng tin giữa báo chí và ĐBQH. Có như vậy mới khắc phục tình trạng e dè, ngại ngùng của các ĐBQH khi tiếp xúc với báo chí.

Ông Trường cũng nhấn mạnh, tiếp xúc với báo chí chính là cơ hội để mình tiếp xúc với cử tri, tương tác với báo chí là cơ hội để nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc. Các ĐBQH cũng cần triệt tiêu ngay tư tưởng, khuynh hướng “im lặng là vàng” khi đứng trước báo chí”, ông Trường nêu kinh nghiệm.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho hay, nếu càng thông tin nhiều trên báo chí thì dân càng nắm rõ và hiểu hoạt động của Quốc hội.

“Nhưng một buổi tọa đàm trao đổi như thế này mà chỉ thấy lèo tèo vài ĐBQH thì cũng là một điều rất đáng buồn”, ông Cương nhìn nhận khi quá nhiều ĐBQH được mời nhưng lại vắng mặt.

Theo ĐB Cương, tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của ĐBQH. Muốn một Quốc hội minh bạch, Quốc hội vì dân thì phải coi việc tiếp xúc với báo chí là trách nhiệm của ĐBQH.

“Tôi đã từng phát biểu rằng, hễ xảy ra vấn đề gì, khi phóng viên báo chí gọi điện hỏi thì các cấp chính quyền đều nói bận họp, và rất nhiều lý do khác. Nhưng tôi cho rằng, bận họp chính là cái cớ để né tránh trách nhiệm”, ông Cương đồng thời nêu, các ĐBQH không nên né tránh mà nên mạnh dạn nói lên quan điểm, ý kiến của mình.

“Tôi là một ĐBQH mà có lẽ cả cuộc đời tôi không dính đến nông nghiệp và phân bón, nhưng tôi lại là ĐBQH có những bài phát biểu nói rất nhiều về phân bón giả. Tôi thấy tiếc vì có nhiều ĐB liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, thậm chí có ông đại diện cho mấy chục triệu nông dân mà không ý kiến nói năng gì. Tôi nghĩ các ĐB liên quan đến lĩnh vực đó có thể phải cảm thấy “ngượng” khi tôi nói. Mình là ĐB của dân, đại diện cho nông dân mà những vấn đề liên quan sát sườn đến sinh mạng của nhân dân mà mình lại không nói”, ông Cương bày tỏ.

Luân Dũng/ TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)