Cho dù giá xăng thế giới đã giảm mạnh tới 15% thì hi vọng giảm giá trong nước vẫn rất mong manh. Doanh nghiệp tranh thủ kiếm lời, cơ quan quản lý lo hồi phục nguồn thu từ thuế.
Có thể lùi tới 1.000 đồng/lít
Ngày 4/6, giao dịch trên thị trường Singapore cho thấy giá xăng dầu tiếp tục hạ nhiệt đáng kể. Xăng A92 có giá 104,91USD/thùng, dầu diezen 0,05S có giá 111,19 USD/thùng, dầu hỏa có giá 109,91 USD/thùng và dầu madut 592,88 USD/tấn. Đây là các mức giá thấp nhất kể từ hôm 8/2 trở lại đây. Theo các doanh nghiệp, diễn biến xuống dốc này đã bắt đầu từ hôm 3/5 và hứa hẹn sẽ còn xuống tiếp trong tháng tới.
Một doanh nghiệp xăng dầu tại Tp HCM chia sẻ, các tính toán của phòng kinh doanh cho thấy giá xăng dầu hiện nay đang lãi khá lớn. Với các doanh nghiệp nhỏ, không chịu ảnh hưởng hàng tồn kho thì mức lãi có thể được tính dựa ngay trên mức giá nhập 10 ngày trở lại đây.
Giả dụ nếu tính giá cơ sở trên mức giá nhập của ngày 4/6 trên, xăng dầu đã đạt lãi khủng. Trong đó, xăng A92 có thể lãi gần 2.300 đồng/lít, dầu diezen còn lãi hơn với 2.350 đồng/lít, dầu hỏa đạt lãi khoảng 2.100 đồng/lít và dầu madut có lãi thấp nhất trong 4 mặt hàng là 2.053 đồng/kg.
Tuy nhiên, Nghị định 84 yêu cầu phải tính giá cơ sở theo mức bình quân 30 ngày gần đây để làm căn cứ điều chỉnh giá. Theo công thức đó, vị doanh nghiệp này cho hay, giá bình quân đã giảm rất thấp. Trong 30 ngày từ 4/6 trở về trước, xăng A92 chỉ còn mức 119,95 USD/thùng, dầu diezen ở mức 121,75 USD/thùng, dầu hỏa là 121,15 USD thùng và madut là 661,78 USD/tấn. So với giá bình quân 30 ngày của kỳ điều chỉnh giá trước, giá thành phẩm của dầu diezen xuống thấp nhất khi cách biệt tới khoảng 8 USD/thùng, các mặt hàng còn lại đều giảm tới 5-6 USD/thùng.
Với dữ liệu này, vị doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thẳng thắn cho biết, các mức lãi theo cách tính 30 ngày của xăng và dầu diezen lần lượt là 1.138 đồng/lít và 1.114 đồng/lít. Với dầu hỏa, mức lãi trên 954 đồng/lít.
Đặc biệt, các mức lãi này đều đã được tính trên cơ sở mặt hàng xăng đang chịu thuế nhập khẩu 4%, dầu diezen chịu thuế 3%, dầu madut và dầu hỏa chịu thuế 5% và đã bao gồm cả lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Do áp dụng thuế, mỗi lít xăng, Nhà nước đang thu về 609 đồng/lít, mỗi lít dầu hỏa là 799 đồng/lít, dầu diezen là 480 đồng/lít.
Vừa qua, người dân rất băn khoăn khi nhìn thấy một nghịch lý rằng, giá thành phẩm hiện đang ngang với thời điểm đầu năm nay, nhưng giá bán lẻ hiện nay vẫn cao hơn giá bán lẻ đầu năm tới 1.900 đồng/lít xăng A92. Ở thời điểm này, xăng chỉ có giá 20.800 đồng.
Các doanh nghiệp xăng dầu cho biết, sự chênh lệch đó là bởi đầu năm, đồng loạt 4 mặt hàng đều áp dụng thuế nhập khẩu là 0%.
Có thể thấy, nếu các mặt hàng xăng dầu không chịu thuế thì mỗi lít xăng dầu tính theo giá cơ sở 30 ngày đã có dư tới hơn 1.700 đồng/lít.
Chưa khi nào, bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới lại thuận lợi cho việc ổn định lại thị trường xăng dầu trong nước. Vị chuyên gia kinh doanh xăng dầu trên cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lùi tới 1000 đồng/lít. Nhà nước hoàn toàn có thể chia ra, 500 đồng/lít giảm cho dân và 500 đồng/lít thu về cho ngân sách, như cách làm trong đợt giảm giá vừa qua.
Động lực giảm giá ở đâu
Mặc dù trao đổi cởi mở về thông tin xăng dầu với Diễn đàn kinh tế Việt Nam, VietnamNet nhưng các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cả ở trong Tp HCM và Hà Nội đều cho biết, không thể chủ động xin giảm giá xăng dầu.
Có ít nhất 3 lý do rất tế nhị được đưa ra, một là các doanh nghiệp hiện vẫn đang ôm khoản lỗ lũy kế rất lớn, tới 5000 tỷ đồng và âm Quỹ bình ổn tới 2.300 tỷ đồng nên cần tranh thủ khoảng thời gian thuận lợi này để thu lãi. Các khoản lỗ trên là tích lũy từ năm 2010 trở lại đây nhưng Nhà nước chưa có cơ chế khoanh lỗ, xử lý cụ thể. Nếu so sánh thời gian có lãi và thời gian chịu lỗ thì rõ ràng, khoảng thời gian mà các doanh nghiệp có lãi mới diễn ra trong tròn 1 tháng, kể từ ngày 3/5. Trong khi thời gian chịu lỗ thì kéo dài hàng tháng trời. Hơn nữa, tâm lý của doanh nghiệp là phải lo bảo đảm lợi nhuận trước tiên.
Lý do thứ hai, đó là những yếu tố bất hợp lý tồn tại trong công thức tính giá cơ sở hiện hành. Cụ thể, đó là khoản lợi chi phí kinh doanh 600 đồng/lít. Các doanh nghiệp cho biết, mức chi phí này tính toán từ năm 2009, đến nay đã quá lỗi thời. Hiện, các doanh nghiệp nhỏ đang trích cho các đại lý hoa hồng tới 800-900 đồng/lít, các doanh nghiệp lớn cũng trích chỉ thấp hơn khoảng 100-200 đồng/lít. Nói cách khác, chi phí thực tế của doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều so với cách tính giá cơ sở hiện hành. Điều này khiến cho giá cơ sở của Nhà nước tính thường sẽ thấp hơn so với giá vốn của doanh nghiệp.
Lý do thứ ba mà các doanh nghiệp này cho biết, đó là cơ chế giao quyền định giá cho doanh nghiệp theo Nghị định 84 đã không còn. Hơn 2 năm nay, việc điều hành giá xăng dầu do Liên Bộ Tài chính- Công Thương quyết. Vì vậy, không chỉ trường hợp tăng mà kể cả trường hợp giảm thì chỉ khi nào Liên Bộ ra “lệnh” ép xuống thì các doanh nghiệp mới chấp hành. Động lực cho sự chủ động giảm giá ở các doanh nghiệp xăng dầu là gần như không có.
Trong khi đó, đặt mình trong vai cơ quan quản lý xăng dầu, một vị chuyên gia kinh tế đã bày tỏ với VEF, khi thị trường đi xuống, chắc chắn Nhà nước sẽ phải tính các lựa chọn theo thứ tự, đầu tiên là thu thuế, hồi phục nguồn thu cho ngân sách, thứ hai là tăng trích Quỹ bình ổn, để hồi phục số dư đã bị trích âm kỳ trước và giảm giá sẽ luôn là ưu tiên cuối cùng.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, cái khó nhất hiện nay để đưa xăng dầu đi theo thị trường thực sự, giao quyền cho DN định giá như Nghị định 84 chính là các vướng mắc tồn dư về lỗ, âm Quỹ bình ổn. Vì thế, chỉ khi nào các vướng mắc này được tháo gỡ, các khoản lỗ kinh doanh xăng dầu trước đây được san bằng, Quỹ bình ổn lại có số dư nhất định và đặc biệt, giá cơ sở ngang với giá bán lẻ thì may ra, thị trường xăng dầu trong nước mới có thể vận hành ổn định. Như các nhà làm chính sách kỳ vọng, giá xăng dầu khi đó sẽ có tăng, có giảm mà không chịu phụ thuộc quá nhiều vào sức ép dư luận hay sức ép chính trị từ trên xuống.
Trong bối cảnh này, mặc dù lạm phát thấp nhưng việc giảm giá xăng dầu bán lẻ sẽ rất có ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất vẫn đang đình đồn, sức tiêu thụ kém. Đây cũng là cơ hội đồng thời cho Nhà nước có thể hồi phục nguồn thu thuế thêm 1-2%.
Theo VEF
Bình luận (0)