Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lý giải tiếng kêu khi bẻ khớp đốt ngón tay

Tạp Chí Giáo Dục

Bẻ khớp đốt ngón tay làm phát ra âm thanh do sự hình thành nhanh chóng của một khoang rỗng hay bong bóng khí trong lòng chất lỏng lấp đầy không gian giữa các khớp xương.
Theo Business Insider, các nhà nghiên cứu tại Đại học Alberta, Canada, hồi tháng 4/2015 sử dụng ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) để quan sát những gì xảy ra khi bẻ khớp đốt ngón tay trong khoảng thời gian dưới 310 mili giây.
Bẻ khớp đốt ngón tay là thói quen của nhiều người.
Bẻ khớp đốt ngón tay là thói quen của nhiều người.
Nguyên nhân âm thanh bốp bốp phát ra khi kéo căng khớp chính là vì trong khớp có bong bóng. Các khớp trong ngón tay của bạn là những khớp dễ bẻ nhất, tuy nhiên nhiều người cũng hay bẻ các khớp đốt sống cổ, khớp lưng, cả các khớp hông, cổ tay, vai và các khớp khác.
Kết quả cho thấy, âm thanh tạo ra khi bẻ khớp đốt ngón tay là do sự hình thành nhanh chóng của một khoang rỗng chứa đầy khí trong lòng chất lỏng hoạt dịch. Chất lỏng hoạt dịch là chất lỏng đậm đặc, lấp đầy không gian nối liền giữa các khớp xương trong cơ thể người.
"Khi bề mặt khớp đột nhiên tách ra, không có nhiều chất lỏng để lấp đầy thể tích đang tăng lên giữa các khớp. Do đó một khoang rỗng hình thành và quá trình này tạo ra âm thanh", Greg Kawchuk, giáo sư tại Khoa Phục hồi chức năng, Đại học Alberta, cho biết.
Khi bạn làm vậy, các xương trở nên xa nhau hơn. Khoảng trống giữa các xương lớn dần lên trong khi lượng chất lỏng hoạt dịch thì vẫn giữ nguyên. Điều này tạo nên vùng áp suất thấp khiến các phân tử khí hòa tan kết lại thành các bong bóng khí trong chất lỏng hoạt dịch, tương tự như các bong bóng khí khi bạn mở nắp chai nước có ga.
Nhưng những bong bóng này không tồn tại lâu. Chất lỏng xung quanh sẽ tạo áp lực lên các bong bóng cho đến khi nó vỡ tung và “bốp”. Khí của bong bóng sẽ phân bố khắp các khoang hoạt dịch và sẽ hòa tan chậm rãi vào lại chất lỏng sau khoảng 20 phút và đó là lí do vì sao mất một lúc sau bạn mới có thể nghe lại tiếng “bốp” từ khớp vừa bị bẻ.
Tháng 12/2015, một nhóm chuyên gia lĩnh vực X-quang sử dụng sóng siêu âm để nghiên cứu thêm về vấn đề này. Máy đo sóng siêu âm có thể ghi nhận thông tin nhanh hơn máy chụp cộng hưởng từ (MRI) khoảng 50-100 lần.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy sự thay đổi áp lực kết hợp với các bong bóng trong dịch khớp là nguyên nhân tạo ra âm thanh khi bẻ khớp đốt ngón tay. Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa việc bẻ khớp đốt ngón tay với chứng viêm khớp và các vấn đề sức khỏe khác.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)