Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lý, hóa lên ngôi; đìu hiu sử, địa

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát sơ bộ của một số trường THPT ở TP.HCM và TP Cần Thơ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 cho thấy môn vật lý và hóa học được nhiều học sinh lựa chọn để thi tốt nghiệp. 

 
 
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong Q.5, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Đối với môn lịch sử và địa lý tình hình ngược lại.
Theo quy định, đến cuối năm học, học sinh lớp 12 mới chính thức đăng ký môn thi kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, ngay từ học kỳ 1 nhiều trường đã tiến hành khảo sát nguyện vọng của học sinh.
Khảo sát sớm để xếp lớp luyện thi
Mong bộ công bố cấu trúc đề thi
Hiện nay, hầu hết các trường THPT ở TP.HCM đều tổ chức cho học sinh khối 12 học chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều tổ chức dạy tăng cường cho học sinh đối với các môn học sinh đăng ký sẽ thi.
Ghi nhận ở nhiều trường cho thấy cứ sau một thời gian, các học sinh lại chuyển đổi nguyện vọng về môn thi. Thế là lớp tăng cường lại thay đổi theo nhu cầu của học sinh.
Theo ghi nhận, các giáo viên ở TP.HCM đang mong chờ Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc đề thi năm 2015. “Đọc trên các phương tiện truyền thông, tôi được biết đề thi năm 2015 tương tự năm 2014. Điều này rất mơ hồ. Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi hai trong một, giáo viên rất băn khoăn không biết dạng đề sẽ ra như thế nào, độ khó ra sao, ngoài nội dung chủ yếu là kiến thức lớp 12 thì kiến thức lớp 10, 11 chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong đề thi” – một giáo viên vật lý ở Q.5 chia sẻ.
Tại TP.HCM, nhiều trường đã cho học sinh lớp 12 chọn môn thi, khối thi để tiện xếp lớp luyện thi. Thậm chí một số trường đã cho học sinh chọn môn thi ngay từ tháng 10-2014.
Theo hiệu trưởng các trường THPT, việc cho học sinh chọn môn thi chỉ nhằm mục đích rèn luyện cho các em kỹ hơn những môn đó.
“Trong quá trình học, các em được phép đổi môn thi, khối thi tùy sở thích và khả năng của mình. Đến cuối năm học, học sinh mới chính thức đăng ký môn để thi” – một thành viên ban giám hiệu Trường THPT Trần Khai Nguyên cho biết.
Trong số 902 học sinh lớp 12 ở trường này có 673 em đăng ký môn vật lý, 504 em đăng ký môn hóa, 80 em đăng ký môn sinh nhưng môn sử chỉ có 21 em đăng ký, môn địa chỉ 56 em đăng ký.
Ở Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, trong tổng số 360 học sinh khối 12 thì có 295 em đăng ký môn vật lý, 259 đăng ký môn hóa, 172 đăng ký môn sinh nhưng chỉ có 15 học sinh đăng ký môn sử, 32 học sinh đăng ký môn địa lý.
Tương tự, số học sinh đăng ký môn lý, hóa, sinh ở Trường THCS – THPT Thái Bình cũng chiếm tỉ lệ cao: trong số 117 học sinh khối 12 có 57 em đăng ký môn vật lý, 63 em đăng ký môn hóa, 25 em đăng ký môn sinh. Tuy nhiên, môn sử chỉ có chín học sinh và môn địa chỉ có 12 học sinh đăng ký.
Ông Trần Văn Đại Lợi, phó hiệu trưởng Trường THCS – THPT Thái Bình, cho biết: “Nhà trường chỉ có bốn lớp 12 học chính khóa nhưng khi xếp lớp cho các em học tăng cường các môn thi thì lên đến tám lớp bởi có em đăng ký thi nhiều môn, có lớp như lớp lịch sử chỉ có chín em cũng xếp thành một lớp.
Điều này đã gây không ít khó khăn cho nhà trường trong việc sắp xếp thời khóa biểu học tăng cường, sắp xếp phòng ốc và giáo viên”.
Chọn vật lý vì nhiều học sinh thi khối A
Giống như năm trước, trong các môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT năm nay thì môn lý là môn học sinh TP Cần Thơ đăng ký thi nhiều nhất, kế đến là hóa học và môn có ít thí sinh chọn nhất vẫn là sử.
Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng có tổng cộng 301 học sinh lớp 12. Theo thống kê sơ bộ của trường, lý là môn dẫn đầu với 209 lựa chọn, kế đến là hóa học 188, sinh học 140, địa 42, và lịch sử là môn ít học sinh chọn nhất khi chỉ có 30 em.
Bà Cao Ngọc Hà – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng – cho biết sở dĩ lý và hóa có nhiều thí sinh chọn bởi ngay từ đầu các em đã dự định thi vào đại học ở các khối A, A1, B với nhiều ngành nghề. Cạnh đó do trường là trường chuyên nên việc chọn môn thế mạnh để dự thi là điều tất nhiên.
Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, môn học sinh đăng ký thi nhiều nhất là lý với 222/492 em, môn sinh và địa có lượng học sinh đăng ký tương đương, còn môn có ít học sinh đăng ký nhất vẫn là lịch sử với 16/492.
Ông Võ Đức Chỉnh – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng – cho biết ngoài khảo sát các môn tự chọn thi tốt nghiệp quốc gia, trường cũng đã tiến hành khảo sát luôn số lượng học sinh đăng ký thi đại học.
Theo đó, khối A là khối thi nhiều nhất với số lượng 198 em, kế đó khối D1 với 174 em, khối B với 166 em, A1 với 142 em; khối có ít học sinh đăng ký nhất là khối H và H1, mỗi khối chỉ có một em.
Hà Nội: vật lý đứng đầu
Lãnh đạo các trường THPT thuộc nhóm có đầu vào cao ở Hà Nội đều cho biết nguyện vọng của học sinh rất rõ nét và tương đối thống nhất theo khối thi. Cô Nguyễn Thị Thúy Anh, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho biết trường có 500 học sinh lớp 12, ban D và ban A có tỉ lệ 50/50.
Qua thăm dò thấy đa số học sinh cả ban A và D đều có nguyện vọng đăng ký tự chọn môn vật lý. Học sinh ban A chọn thêm môn hóa học. Cũng theo cô Thúy Anh, nhiều học sinh cho biết sẽ thi 4-5 môn.
Tương tự theo cô Phương Lan – phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, phần đông học sinh của trường cũng chọn thi thêm môn vật lý, hóa học để có thêm cơ hội xét tuyển.
Một số học sinh ban D chọn môn thứ tư là địa lý vì đây là môn thi cho phép sử dụng atlat địa lý nên ít phải học thuộc, có nhiều cơ hội gỡ điểm.
Tuy nhiên ở các trường có đầu vào mức thấp hơn thì kết quả khảo sát đăng ký môn thi có khác biệt.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, qua khảo sát đối với 350 học sinh lớp 12 của trường thì số đăng ký thi môn địa lý chiếm tỉ lệ áp đảo là 76,51% (241 học sinh), tiếp đó là vật lý 29,95% (66 học sinh), hóa học 8,25% (26 học sinh), lịch sử 6,35% (20 học sinh), môn đăng ký thấp nhất là sinh học chỉ có 4,13% (13 học sinh). Khảo sát theo khối thì số học sinh của trường này chủ yếu sẽ xét tuyển khối D (63,81%), tiếp đến là A1 (13,97%).
Kết quả khảo sát 360 học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cũng có tỉ lệ đăng ký môn vật lý và địa lý cao nhất. Trong đó vật lý chiếm 65,65%, địa lý chiếm 32,41%. Các môn khác: hóa học chiếm 20,2%, lịch sử 18,1%, thấp nhất là sinh học 4,16%.
VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG – MINH TÂM
(TTO)

 

Bình luận (0)