Sau 6 năm trở lại, kể từ chuyến đi đầu tiên, Lý Sơn bây giờ đã có điện thắp sáng, trường học được sửa chữa, xây mới khang trang. Hòn đảo tiền tiêu giữa biển Đông mang hơi thở của nhịp sống mới đang từng ngày đổi thay…
Bình yên một góc đảo |
Sáng tháng 5. Mặt trời rọi những ánh vàng trên mặt biển gọi bình minh. Con tàu cao tốc nổ máy rời Sa Kỳ trực chỉ hướng Lý Sơn mang theo niềm háo hức của chúng tôi ngày trở lại với huyện đảo tiền tiêu. Gần 1 giờ đồng hồ vượt sóng, Lý Sơn hiện dần ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà vững chải, quang cảnh khang trang hơn 6 năm về trước khi lần đầu tiên đặt chân đến đây.
Nằm về phía Đông của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, huyện đảo Lý Sơn có diện tích gần 10km2, chia làm 3 xã gồm An Vĩnh, An Hải (Đảo Lớn) và An Bình (Đảo Bé), với khoảng hơn 20 ngàn người dân. Chàng hướng dẫn viên tên Nhật dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông vòng quanh đảo. Câu chuyện về nhịp sống trên hòn đảo tiền tiêu trước đầu sóng ngọn gió, sự kiên trung bám biển, giữ đảo, bảo vệ biên cương Tổ quốc được tái hiện qua chất giọng trầm trầm đặc chất Lý Sơn của người con sinh ra, lớn lên ở đảo. Nhật không học chuyên ngành du lịch. Chàng trai xứ biển này từng theo ngành xây dựng nhưng rời đảo không lâu, tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn, nỗi nhớ tiếng sóng vỗ và vị mặn mòi của biển cả níu chân cậu quay về. Đó là lý do Nhật trở thành một hướng dẫn viên.
Hối hả với nhịp sống mới
Nắng tháng 5 ở Lý Sơn rất gắt. Đặt chân lên bến cảng đã cảm nhận được cuộc sống của cư dân làng chài đặc trưng. Những con tàu cập bến sớm mai chuyển cá tôm lên bờ sau chuyến vươn khơi trở về. Những người đàn ông rũ lưới gom cá, cánh phụ nữ ngồi giúp chồng vá lưới. Xa xa, một góc đảo, những con tàu neo bến đều cắm cờ Tổ quốc rực đỏ tung bay. Nhật nói, cư dân Lý Sơn ngoài vươn khơi đánh cá còn gánh trọng trách giữ biển, bảo vệ đảo. Những cột mốc bảo vệ biên giới biển khơi được người Lý Sơn khắc ghi trong tâm khảm bằng Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa, Miếu thờ Âm linh, những ngôi mộ gió tưởng nhớ người đã nằm lại đâu đó trong lòng biển.
Cư dân Lý Sơn sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, đồng thời họ chính là những cột mốc giữ biển |
Ngoài nghề đánh cá, cư dân Lý Sơn còn có nghề trồng tỏi. Cây tỏi lớn lên giữa lớp đất cằn của nham thạch núi lửa, được bà con phủ lên lớp cát trắng tinh khôi hút lên từ lòng biển để giữ ẩm. Vị của củ tỏi Lý Sơn vì thế cũng mang hương vị đặc trưng, kết tinh từ nắng gió và mặn mòi của biển khơi nên múi tỏi thơm và giòn, nhất là những củ tỏi mồ côi. Trồng tỏi không phải là nghề chính của cư dân Lý Sơn nhưng là một phần thu nhập không thể thiếu, giúp bà con đi qua đận khốn khó vào mùa biển động, không thể vươn khơi đánh cá.
Giảng đường đại học giờ rất gần
Nghề trồng tỏi mang lại thu nhập cho cư dân vào mùa biển động |
Nhịp sống mới ở Lý Sơn còn thể hiện qua những ngôi trường khang trang, vững vàng nơi đầu sóng. Nhà giáo Trương Đình Xuân – Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện đảo Lý Sơn – một trong những nhà giáo đầu tiên có mặt trên đảo sau ngày giải phóng nhớ lại: “Sau năm 1975, tôi nhận nhiệm vụ dạy học ở xã đảo An Hải. Không thể kể hết những khó khăn thời bây giờ, trường lớp tạm bợ, mượn lại những cơ sở vật chất cũ kỹ, bàn ghế xiêu vẹo. Để các em có chỗ ngồi học, hàng năm nhà trường đều vận động hội phụ huynh chung tay sửa chữa bàn ghế, tu sửa trường lớp. Giáo viên lúc đó làm hai nhiệm vụ, vừa dạy phổ thông vừa đánh vật với “cuộc chiến” xóa mù chữ vào ngày nghỉ trong tuần và ban đêm dưới ánh đèn dầu tù mù”. Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, những lớp giáo viên tiếp quản Lý Sơn, đặt những viên gạch đầu tiên gầy dựng sự nghiệp giáo dục trên đảo tiền tiêu như thầy Xuân đều phấn khởi: “Lý Sơn bây giờ hệ thống trường lớp đã khang trang. Ý thức cho con em đến trường cũng được phụ huynh quan tâm rất nhiều. Như Trường Tiểu học An Hải bây giờ sắp thành trường chuẩn quốc gia rồi. Đảo cũng đã có điện thắp sáng. Mỗi ngày có chục lượt canô, tàu cao tốc ra vào đảo, các cháu sinh viên đi học đại học cũng dễ dàng hơn”.
Một Maldives hoang sơ và chơn chất
Nhiều người ví Lý Sơn bây giờ là một Maldives của Việt Nam, nhưng người Lý Sơn không nghĩ vậy. Lý Sơn đẹp bởi sự hoang sơ, chưa có sự can thiệp của những khối bê tông làm biến dạng vẻ đẹp nguyên sơ thời núi lửa kiến tạo địa chất giữa biển khơi. Lý Sơn còn đẹp bởi lòng người Lý Sơn chân chất. Người Lý Sơn cởi mở, chân tình và sẵn sàng trả lời câu hỏi của khách lạ hay chỉ dẫn cho họ đến những nơi họ muốn, kể cả những đứa trẻ tuổi học trò tiểu học. Chị Nguyễn Thị Thảo, một người con Lý Sơn nói: “Em từng đi lên thành phố theo học và đã có việc làm. Nhưng càng đi, càng nhớ nơi mình lớn lên. Tất nhiên, tình yêu quê là tiềm thức có sẵn trong bất cứ ai. Với em, tình yêu cho đảo quá lớn. Nên như người ta nghĩ, ở đảo thiệt thòi cho con cái nhưng em lại không thấy thế. Dù thiếu thốn là có thật nhưng ở đâu có tình yêu thì ở đó có động lực để vươn tới, cũng giống như em, như ba mẹ em hay những thế hệ cha ông trước, mấy trăm năm rồi gắn với đảo đó thôi”.
Lý Sơn đẹp hoang sơ và huyền bí giữa biển khơi |
Ráng chiều trải vàng lên mặt biển, tôi cùng Thảo dừng chân nơi mép biển, sau lưng Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa, nơi đó công trình bến cảng phục vụ du lịch đang dần hình thành. Tôi hình dung chỉ nay mai, cư dân Lý Sơn đi xa trở về và khách du lịch sẽ theo những con tàu cao tốc cập bến cảng này, thay vì chung bến cảng với những con tàu đánh cá lâu nay để đến với đảo. Lý Sơn đang đổi thay!
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)