Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ly thân và hệ lụy

Tạp Chí Giáo Dục

Dường như xã hội càng hiện đại, con người càng giàu có, càng “trí thức” thì cảnh ly thân càng phổ biến. Đâu đó trong mỗi nhà, nhất là ở những khu thành thị, vẫn ngấm ngầm cảnh sống không tình yêu, hôn thú chỉ còn tồn tại trên giấy tờ.

Ai cũng tìm được lý do “hợp tình hợp lý” để ngụy biện cho cái sự ly thân. Gia đình anh Ngọc Anh ở Hàng Phèn, Hà Nội là một ví dụ. Anh và Hằng yêu nhau từ thời còn ngồi trên giảng đường đại học. Sau khi tốt nghiệp, mỗi người có một công việc ổn định, họ về với nhau như bao đôi khác, hạnh phúc có, buồn phiền có, và rồi sinh hạ một em bé rất bụ bẫm và đáng yêu. Cuộc sống trở nên ngột ngạt từ đấy.

Hằng cảm thấy anh không hề hiểu và thương vợ con. Mỗi đêm tỉnh dậy vì tiếng khóc của con, chị rất buồn nhìn cảnh chồng ngáy o o bên cạnh không hay biết gì. Nếu tỉnh dậy, anh cũng chỉ buông một câu: “Em làm ơn vứt “nó” đi, khóc cả ngày cả đêm không thể nào chịu được!”.

Nhẫn nhịn quá nhiều, Hằng ôm con sang phòng khác. Từ hôm đó, gia đình ít hẳn những tiếng cười, chỉ còn lại tiếng khóc của em bé.

Anh Quyết và vợ thì không thể nói chuyện với nhau, họ khắc khẩu đủ đường. Anh là bác sĩ khá có tiếng ở viện BM, còn chị là hiệu trưởng một trường cấp 2. Chỉ vì sĩ diện với đồng nghiệp, gia đình, họ hàng mà trước mặt mọi người, con cái, anh chị vẫn cười cười nói nói. Khi chỉ còn hai người thì họ lạnh lùng, xúc xiểm lẫn nhau. Lúc các con còn nhỏ anh chị còn dễ “qua mặt”. Giờ, đôi nếp tẻ đã lớn cả, vợ chồng anh đành cố giấu giếm, trốn tránh những bữa ăn gia đình bằng những cuộc họp đột xuất, những ca trực đêm xuyên tuần.

Hiếm có cặp vợ chồng nào sau thời gian ly thân bình tâm rút ra những cảm thông cho người bạn đời và soi lại chính mình. Đa số họ đẩy mối quan hệ đã xa cách lại càng xa hơn. Ly thân, khoảng thời gian tự do tạm thời này có thể khiến họ có cuộc phiêu lưu tình ái mới. Và người thiệt thòi không ai khác là chính con cái và bản thân họ.

Không thể chịu cảnh bị chồng cấm đoán, xét nét, thậm chí theo dõi vì nghi ngờ mình có tình nhân, Nhung đòi ly thân với Khoa. Cô nói chuyện rất mềm mỏng với chồng, mong muốn trong thời gian này, hai người cùng nhau xem xét lại bản thân và thông cảm cho nhau nhiều hơn. Nhưng không hiểu sao, tình cảm và tình yêu giữa họ chẳng còn bao nhiêu. Họ bận rộn với công việc, bạn bè. Nhung cảm thấy đây mới chính là cuộc sống mà mình lựa chọn, chồng không kiểm soát, hôm nào cô cũng có hẹn với những người bạn phổ thông cùng đi ăn uống, tán gẫu.

Còn Khoa, anh nhận thấy cô không cần mình nên xử sự theo cách “không ăn được thì đạp đổ”. Anh cũng đi suốt ngày, hàng đêm về sặc sụa mùi bia rượu và mùi nước hoa lạ của người đàn bà khác. Sau nhiều lần nói chuyện không thành, Nhung đòi ly hôn nhưng anh nhất quyết không chịu “đã thế thì kìm nhau không ly hôn, cho biết tay”.

Vợ chồng ly thân không chỉ mang lại những khó khăn gượng gạo cho họ trong cuộc sống, mà con cái cũng chẳng vui vẻ gì. Bằng cách nào đó chúng sẽ nhận ra cách cư xử lạ lùng của cha mẹ dù họ có cố tình giấu giếm.

Như gia đình anh Quyết, sau khi biết bố mẹ đối xử với nhau như người dưng, từ một cậu bé ngoan ngoãn học hành giỏi giang, Minh Sinh ngày càng tụt dốc, tính tình trở nên khó chịu, đôi khi chống đối những lời nói của cha mẹ rất quyết liệt.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Minh Phương thuộc TT tư vấn Người bạn tâm giao cho biết, hàng ngày chị tiếp xúc với rất nhiều tình huống phức tạp, ly thân là một trong những vấn đề mà rất nhiều gia đình gặp phải.

Không có gia đình nào hạnh phúc tuyệt đối và cũng không có gia đình nào bế tắc hoàn toàn. Cái chính là các thành viên cần thông cảm, giúp nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, các cặp vợ chồng không nên vì những lý do vụn vặt mà quyết định ly thân. Ly thân chỉ là biện pháp tạm thời, cho nhau một khoảng thời gian ngắn để ngẫm nghĩ lại bản thân. Các bậc phụ huynh nên nghĩ cho con cái họ, trẻ em chính là người suy sụp nhiều nhất.

Việt Anh (dantri.com.vn)

Bình luận (0)