Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lý thú nghĩa của từ xưa và nay

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời gian gần đây, “khuất tất” là một trong những từ có tần suất xuất hiện trên báo chí khá cao, với nghĩa là: “không đường hoàng, không rõ ràng, bị che giấu; ám muội, bất minh, đen tối, mờ ám”, trái nghĩa với “minh bạch”.

Một tiết học môn văn của học sinh lớp 12 tại TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Thế nhưng qua tra cứu một số từ điển, chúng tôi nhận thấy “khuất tất” là một từ Hán Việt mang nét nghĩa cơ bản: Quỵ lụy, luồn cúi. Ví dụ: Không bao giờ chịu khuất tất.

Nghĩa nay trội hơn nghĩa xưa

Rõ ràng, hiện nay nghĩa gốc Hán của từ “khuất tất” hoàn toàn bị tiêu biến, mất đi, không còn được ai hiểu nữa, mà người dùng đã hiểu theo một nghĩa Việt thông dụng hoàn toàn mới.

Tương tự, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong vốn từ tiếng Việt hiện nay hàng loạt từ ngữ đã không còn được dùng theo nghĩa gốc/nghĩa cơ sở ban đầu/“nghĩa xưa” mà được dùng với nghĩa chuyển/nghĩa mới/nghĩa phái sinh/“nghĩa nay”; mà hai phương diện nghĩa này khác xa nhau, thậm chí có trường hợp còn trái ngược nhau. Nhiều trường hợp nghĩa xưa đã bị tiêu biến đi, người Việt hiện nay không hề đả động gì đến cái nghĩa xưa ấy nữa, mà tất cả mọi trường hợp nhất loạt đều sử dụng theo nghĩa nay. Thêm một trường hợp tiêu biểu cho sự mất nghĩa của từ vừa đề cập ở trên là từ “vấn nạn”. Nghĩa nay của “vấn nạn” là “vấn đề khó khăn lớn có tính chất xã hội, đang phải đương đầu đối phó một cách cấp thiết”, được sử dụng trong các trường hợp như: “vấn nạn tham nhũng”, “vấn nạn cờ bạc”… Nhưng nghĩa xưa của từ “vấn nạn” trong khá nhiều từ điển khác xa nghĩa nay, nó có nghĩa là: Hỏi thật khó để người khác không thể trả lời được. Ví dụ: “Sứ ta qua Tàu thường bị các quan Tàu vấn nạn”. Trong khoảng thời gian vài mươi năm trở lại đây, nếu chúng tôi không nhầm thì hình như người Việt tuyệt nhiên không dùng từ “vấn nạn” với nghĩa “hỏi vặn” này (?). Hoặc như từ “trụy lạc”, nghĩa hiện nay là “Sa ngã vào lối sống ăn chơi thấp hèn, xấu xa. Sống trụy lạc. Đi vào con đường trụy lạc”. Vậy mà lui lại vài mươi năm trước, chỉ mới ở nửa đầu thế kỷ XX, nhà văn Khái Hưng đã có một truyện ngắn nhan đề “Hai cảnh trụy lạc” với nghĩa là: “nghèo khổ cùng cực”; truyện miêu tả tình cảnh hai nhân vật vốn con nhà gia thế, danh giá, vì thời cuộc mà gia cảnh dần sa sút đến nghèo khổ, đáng thương. Ngày nay, nếu nhằm tỏ lòng thương cảm ai đó nghèo khổ, sa sút mà ta trót nhỡ cảm thán thốt lên: “Cuộc đời anh thật là trụy lạc!” thì dễ hình dung điều gì “đáng thương” sẽ xảy ra cho chính người nói!

Từ “khốn nạn” cũng vậy. Nghĩa nay của “khốn nạn” là: “Hèn mạt, không còn chút nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa. Ví dụ: “Đồ khốn nạn!”; nhưng nghĩa xưa của nó lại là: Khốn khổ.

Mặc dầu từ điển hiện nay cũng ghi nhận nghĩa này: “Khốn khổ đến mức thảm hại, đáng thương” nhưng chắc chắn hiện nay không còn ai dùng từ “khốn nạn” với nghĩa đó nữa. Tác phẩm “Les Misérables” của đại văn hào Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ XIX này trước khi định hình tên tiếng Việt “Những người khốn khổ” như hiện nay đã từng được Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1926 với nhan đề “Những kẻ khốn nạn”.

Từ “đểu cáng”, hiện nay có nghĩa là: “Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức (thường dùng làm tiếng mắng). Ví dụ: Bộ mặt đểu cáng. Nhưng nghĩa xưa của nó là chỉ những người thuộc giới lao động vận tải, kiểu như xe thồ, xe ôm, xích lô, ba gác hiện nay: “Phu khiêng cáng, phu gánh”. Có ý kiến cho rằng vì giới này thuở ấy khiêng người, gánh hàng hóa thường thiếu thật thà, hay biển lận tiền bạc, tài sản mà khách bỏ quên hoặc đánh rơi trên cáng, trên võng, nên lâu dần từ “đểu cáng” mất hẳn đi nghĩa gốc ban đầu, chỉ còn dùng duy nhất với nghĩa như hiện nay.

Một số trường hợp tương tự

Dưới đây là một số từ Hán Việt hầu hết được dùng theo nghĩa mới, thoát ly nghĩa cũ. Ở đây chúng tôi chỉ xin cung cấp nghĩa cũ của chúng để các bạn tiện đối chiếu, so sánh với nghĩa hiện nay.

“Quyết liệt”: Hủy hoại, phá hoại/“trụ sở”: chỉ người đứng ra gánh vác việc lớn của quốc gia/“phản động”: Hành động trái lại với việc khác/“thủ đoạn”:  Phương pháp làm việc/“lợi dụng”: Vật tiện lợi để dùng/“dã tâm”: Lòng thích nhàn hạ, ghét chốn phồn hoa…

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu để giảng dạy bài “Từ Hán Việt” trong chương trình THPT, chúng tôi nhận ra hiện tượng nghĩa của từ được sử dụng hiện nay không đồng nhất với nghĩa gốc của từ trong quá khứ; thậm chí có nhiều trường hợp hai nghĩa này đối lập, trái ngược nhau; trong đó thiên về xu hướng sử dụng từ với nghĩa mới chiếm ngự hoàn toàn, còn nghĩa gốc của từ đã bị tiêu biến hẳn đi.

Mong rằng bài viết này góp thêm chút tư liệu cho các đồng nghiệp, đồng thời giúp bạn đọc có thêm chiêm nghiệm về sự thú vị tiềm ẩn của tiếng mẹ đẻ.

ThS. Đỗ Thành Dương
(Trưởng bộ môn Ngữ văn,
Trường Dự bị ĐH dân tộc TW Nha Trang)

Bình luận (0)