Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lý thuyết cao “hao” thực hành

Tạp Chí Giáo Dục

Môn sinh học nhiều hình ảnh sinh động như thế này sẽ cuốn hút HS hơn (ảnh chụp tại Trường THCS Lê Lợi, Q.3, TP.HCM)
Đối với chương trình sách giáo khoa, những bài học lý thuyết mang đậm tính thực tiễn luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu tập trung cung cấp quá nhiều lý thuyết làm hạn chế thời gian các tiết thực hành hoặc thiếu đồ dùng dạy học thì học sinh (HS) sẽ khó áp dụng vào đời sống. Thực trạng này đang xảy ra ở môn sinh học bậc THCS.
Tập trung vào lý thuyết
Theo đánh giá của nhiều giáo viên (GV) THCS, chương trình sinh học bậc THCS rất hay, mang tính thực tế cao. Thầy Nguyễn Quốc Dũng, GV dạy môn sinh học tại Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Chương trình môn sinh bậc học này rất thực tế, đặc biệt là chương trình lớp 8 nói về hoạt động của các cơ quan trong cơ thể con người, từ đó giúp HS có ý thức phòng bệnh tốt hơn”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Hoàng Thị Bích, Tổ trưởng bộ môn sinh học Trường THCS An Phú (Q.2), chia sẻ: “Chương trình môn sinh học không quá khô khan mà nó giúp HS hiểu được rất nhiều vấn đề xung quanh cuộc sống. Chẳng hạn như những bài học về thế giới thực vật, quần xã sinh vật, tính chất di truyền…, đó là những kiến thức luôn được áp dụng trong cuộc sống”.
Mặc dù đây là những kiến thức hay và thực tế nhưng theo một số GV, chương trình còn nặng về lý thuyết. Thầy Nguyễn Quốc Dũng phân tích: “Ở lớp 9, phần bài toán về kiến thức di truyền như phép lai, quy luật Menden, tế bào… ở chương trình lớp 12 cũng có. Phần này rất khó hình dung nên để HS học trong 1 tiết là không thể đủ, vì vậy GV luôn phải linh động khoán chương trình. Do đó, nếu được kiến nghị đổi mới chương trình sinh học bậc THCS thì tôi cho rằng nên giảm kiến thức lại, đặc biệt là phần tính toán ở lớp 9 và tăng các tiết thực hành”.
Nói về thực tế này, cô Nguyễn Thị Huỳnh Chi, GV môn sinh học tại Trường THCS Lê Lợi (Q.3), đồng tình: “Môn sinh học lớp 6 rất thực tế nhưng có một số tiết GV phải trình bày khá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà tôi còn băn khoăn là chương trình rất thực tế nhưng lại có quá nhiều lý thuyết, chẳng hạn như ở học kỳ 1 lớp 6: Mỗi tuần HS sẽ học 2 tiết sinh học nhưng cả học kỳ này chỉ có 3-4 tiết thực hành”.
Thiếu đồ dùng dạy học
Được cung cấp nhiều lý thuyết nhưng thiếu các tiết thực hành thực tế khiến HS khó áp dụng vào thực tiễn. Cô Nguyễn Thị Huỳnh Chi chia sẻ: “Ở môn sinh học bậc THCS rất cần các tiết thực hành thực tế nhưng trong chương trình các tiết này lại rất ít. Hơn nữa, khi học về thực vật, đưa HS về nông thôn, chứng kiến tận mắt các cây thuộc họ gì, rễ chùm hay rễ cọc… thì chắc chắn các em sẽ dễ nhớ hơn nếu chỉ xem qua hình ảnh ở trên lớp”.
Ngoài nội dung, hình ảnh quá khiêm tốn trong sách giáo khoa cũng được nhiều GV phản ánh. Cô Hoàng Thị Bích cho hay: “Môn sinh học có tính thực nghiệm cao nên cần có nhiều hình ảnh thì mới sinh động, thu hút HS. Tuy nhiên, trong chương trình sách giáo khoa có mấy chục bài nhưng hình ảnh minh họa chỉ có một vài bài. Hơn nữa, đồ dùng dạy học như bộ tranh minh họa không đầy đủ, một số sử dụng qua nhiều thời gian đã bị phai màu, cũ kỹ. Một số bài thực hành GV khó cho HS thực hiện bởi thiếu công cụ thực hành. Chẳng hạn, ở trường khi học về hô hấp, tim mạch, trao đổi khí… thì cần những mô hình động nhưng trường cố gắng cũng chỉ trang bị được những mô hình tĩnh. Vì những lý do này nên đa số GV thường phải bỏ công sức, tiền túi ra để làm đồ dùng dạy học minh họa. Tuy nhiên, với những GV trẻ mới vào nghề sẽ gặp nhiều khó khăn khi bỏ công sức, tiền túi ra làm đồ dùng dạy học”.
Thiếu đồ dùng dạy học, nhiều GV buộc phải sử dụng công cụ hỗ trợ là công nghệ thông tin. “Thực tế, nhà trường luôn ưu tiên cung cấp trang thiết bị cho dạy học nhưng không phải môn nào cũng có đầy đủ vì chi phí có hạn. Chẳng hạn, kính hiển vi, kính lúp để xem tế bào mua với giá rất đắt trong khi việc bảo trì lại khó vì HS ở độ tuổi THCS còn hiếu động, các em bảo quản đồ vật chưa tốt. Vì thế, khi thiếu hình ảnh minh họa, GV thường dùng máy chiếu để chiếu hình ảnh cho các em xem. Đây cũng là một trong những cách khắc phục hạn chế nhưng chắc chắn sẽ không thể làm các em dễ nhớ khi nhìn tận mắt, sờ tận tay”, thầy Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
“Một trong những vấn đề mà tôi còn băn khoăn là chương trình rất thực tế nhưng lại có quá nhiều lý thuyết, chẳng hạn như ở học kỳ 1 lớp 6: Mỗi tuần HS sẽ học 2 tiết sinh học nhưng cả học kỳ này chỉ có 3-4 tiết thực hành”, cô Nguyễn Thị Huỳnh Chi, GV môn sinh học tại Trường THCS Lê Lợi (Q.3), nói.

Bình luận (0)