Trái với sự hào hứng của đại bộ phận người hâm mộ Man Utd, cựu danh thủ Gary Neville không tin rằng màn tái hợp Cristiano Ronaldo có thể mang lại thành công ngay lập tức cho đội bóng cũ.
Neville nói có lý! Cái M.U nhắm tới là "hiệu ứng Ronaldo" chứ không đơn thuần là bản thân cầu thủ này. Giá cổ phiếu tăng, sự sung sướng của người hâm mộ, cảm giác phấn khích của mọi thế hệ các cầu thủ Quỷ đỏ, tất cả đến chỉ sau dòng chữ ấm áp trên trang chủ: "Chào mừng về nhà, Cristiano".
Với M.U, Ronaldo không phải dự án có đầu tư tìm hiểu quá nhiều. Mọi thứ diễn ra chóng vánh với tốc độ chốt đơn không tưởng. Nó giống như phản ứng tức thì trong thời điểm cấp bách hơn là kế hoạch có sự chuẩn bị từ trước.
Hãy hiểu theo cách này, Man City chưa chắc đã mạnh hơn sau khi có được Ronaldo, nhưng họ chắc chắn sẽ nâng tầm vị thế của mình lên rất nhiều, khi sở hữu 1 trong 2 cực của bóng đá thế giới, để làm đối trọng với PSG của Messi. Riêng tại Manchester, M.U sẽ phải xấu hổ nhìn sang bên kia thành phố khi biểu tượng một thời của mình giờ đang khoác áo xanh và hôn vào logo có hình con thuyền.
Man Utd không muốn Ronaldo khoác áo kình địch cùng thành phố
Tính vị thế có ý nghĩa rất quan trọng trong bóng đá. M.U đương nhiên là đội hiểu rõ nhất điều này. Dưới thời Sir Alex Ferguson, Quỷ đỏ được suy tôn là đội bóng mạnh nhất nước Anh. Trong phần lớn trận đấu, họ đã thắng ngay từ khi bóng còn chưa lăn. Đối thủ sợ M.U, sợ dàn sao của M.U, dù đôi khi đó chỉ là công thức Wayne Rooney + 10 khúc gỗ.
Chinh phạt khi có vị thế lớn dễ dàng hơn rất nhiều. M.U phiên bản Sir Alex từng là một chuẩn mực giá trị tại xứ sương mù nên khi ông thầy người Scotland nghỉ hưu, bóng đá Anh mới đại loạn, với rất nhiều thế lực trỗi dậy khi không còn bị cái bóng màu đỏ át vía nữa.
Nếu có được Ronaldo, Man City sẽ sở hữu cái vị thế đó. Do vậy, M.U buộc phải tranh chấp để không thể thua ngay từ lúc mùa giải mới bắt đầu. Nhưng sau khi có được Ronaldo rồi, bài toán thực tế mới bị đặt ra?
M.U không phải Man City, nên dù có bổ sung Ronaldo, họ vẫn chỉ là đội bóng mạnh thứ 2, thậm chí thứ 3 ở nước Anh mà thôi. Đây là tập thể vẫn đang trong quá trình tái thiết và định hình lối chơi. Ole Solskjaer vẫn đang cố gắng hết sức nhưng mọi người đều nhận ra ông non nớt thế nào so với những Pep Guardiola, Jurgen Klopp hay Thomas Tuchel.
Bài toán khó với Solskjaer là sử dụng Ronaldo như thế nào?
Chốt lại, M.U thực tế vẫn là bình mới rượu cũ, ngoài tiếng tăm nổ to hơn thì năng lực chưa cải thiện nhiều. Đắp ngôi sao vào cần nhiều thời gian! Hãy nhớ cả 3 tân binh của Quỷ đỏ vẫn chưa đóng góp được nhiều khi mà mùa giải đã đi đến vòng thứ 3.
Ronaldo là một bảo bối lợi hại nhưng cách điều khiển thì không dễ một chút nào. Solskjaer có thể xin Sir Alex bản "hướng dẫn sử dụng" nhưng ông cũng chỉ có thể giao cho cho cậu học trò tờ giấy cũ từ năm 2009 mà thôi. 12 năm đã trôi qua, mọi thứ đều thay đổi rất nhiều, cả Ronaldo và M.U đều thế, cả hai phải làm quen lại với nhau.
Xét về mặt tuổi tác, Solskjaer là một HLV trẻ. Ông càng "non" hơn nếu nói về mặt danh hiệu. Những tướng trẻ đôi khi chẳng biết làm gì dù trong tay có vũ khí tối tân, giống như Andrea Pirlo tại Juventus mùa trước. Khi nộp đề án tốt nghiệp khóa HLV chuyên nghiệp, Pirlo có rất nhiều ý tưởng. Nhưng khi bắt tay vào bài toán thực tế, ông cũng chỉ biết chơi 4-4-2 thô sơ với điều hướng duy nhất là: Tạt liên tục cho Ronaldo đánh đầu.
Juventus ngay lập tức thấy không ổn và phải sa thải gấp Pirlo chỉ sau 1 năm, trước khi đón lại người cũ Max Allegri gạo cội. Allegri đủ bản lĩnh để nói thẳng với Ronaldo rằng anh không còn sở hữu đặc quyền nữa, đó chính là lý do CR7 nhất quyết đòi ra đi.
Ronaldo không còn phù hợp với Juventus khi Allegri trở lại nắm quyền
Solskjaer có cái tầm để làm điều tương tự không? Hay lại vứt bỏ cả tiến trình gần 3 năm qua để chuyển sang phục vụ Ronaldo? Hãy lưu ý, Ronaldo không giỏi phòng ngự, sẽ không truy đuổi quả bóng về tận phần sân nhà như Edinson Cavani. Khi đá bên cạnh Ronaldo ở tuyển Bồ Đào Nha, Bruno Fernandes tắt điện hoàn toàn. Và khi Ronaldo đá chính, những Mason Greenwood, Anthony Martial và chính Cavani sẽ đi đâu?
Dãy domino hệ lụy đổ xuống, tác động đến cả những người tưởng chừng như không liên quan như Pogba, Sancho, Rashford. Đương nhiên, nếu toan tính của giới chủ M.U không chỉ nằm ở mức độ chuyên môn, việc tái hợp Ronaldo sẽ mang một màu sắc khác. Nhưng nếu nói Ronaldo là mảnh ghép cuối cùng để giúp Quỷ đỏ trở lại đỉnh nước Anh thì e rằng quá sai.
Ronaldo rất xuất sắc, sở hữu nội lực phi thường, và là một quả bom nguyên tử. Nhưng quả bom này không có điều hướng, nó có thể nổ lan cả tứ phía, hại chính người bấm nút. M.U vì thế cần một chuyên gia quản trị nhân sự. Solskjaer sao? Ồ không!
Hà My (theo bongdaso)
Bình luận (0)