Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Má Bảy” của tôi

Tạp Chí Giáo Dục

NS Bạch Tuyết mừng thọ 99 tuổi của “má Bảy” Phùng Há. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

LTS: 0 giờ 30 phút ngày 5-7-2009, NSND Phùng Há (tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30-4-1911 tại làng Điều Hòa, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) đã từ giã cõi trần, hưởng thọ 99 tuổi. Cả cuộc đời bà đã cống hiến gần hết cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Bài viết của người học trò thân yêu của bà – Nghệ sĩ Bạch Tuyết xin gửi đến độc giả như một nén hương tiễn biệt vị tổ cuối cùng của nghệ thuật cải lương Nam bộ.
Ngày tôi bước chân vào sân khấu cải lương thì tên tuổi của má Bảy – NSND Phùng Há đã ngự trị trên đỉnh cao. Ấy vậy mà giữa những buổi tập tuồng, truyền nghề, má bảo: “Con đừng tưởng là chỉ có má đang dạy con không thôi mà trong khi dạy, má lại đang học con đó chứ!”. Buổi học đầu tiên của tôi là loại hình ca kịch cải lương, má yêu cầu học nói lối và ca bài bản Bắc thay vì trau chuốt bài vọng cổ. Nhắm thấy người nào không mặn mà với hai bài học trên, không đủ sức theo nghề má thẳng thắn khuyên nên tìm nghề khác. Má nói với tôi: “Nếu học ca đúng một bài vọng cổ thì ai cũng dễ dàng trở thành nghệ sĩ cải lương tựa như viết dăm ba câu lục bát khiến bạn trở thành thi sĩ. Linh hồn của cải lương là âm nhạc. Nhạc tính của cải lương không chỉ xuống hò ở câu vọng cổ mà những “giao thoa” từ thoại – nói lối – vào bài ca – Ca…”. Trên 40 năm theo sân khấu cũng chỉ đủ để cho tôi làm các bài tập từ những bài dạy của má. Những chuẩn mực khuôn vàng thước ngọc của loại hình kịch hát phải hòa quyện vào trong thần thái của người diễn viên khi bước lên sàn diễn. Má dạy tôi: “Con làm đào thương, chỉ mỗi động tác đưa cánh tay ra thôi thì cũng phải học để làm sao khán giả ngồi xem mà muốn chạy đến để nâng niu lấy nó. Diễn xuất tâm trạng bi thương, gương mặt con chỉ mới thoáng buồn thì khán giả đã khóc chứ không phải con khóc đầm đìa rồi mà khán giả vẫn… ráo hoảnh tỉnh bơ thì xem như về kiếm nghề khác”. Với ba Năm – tức NSND Nguyễn Thành Châu, tôi vẫn tự nhận mình là “học trò hai lần” của ông, bởi thầy của tôi – NSND Phùng Há lại là học trò của ba Năm. Nếu ba Năm là người tạo lực cho tôi thì má Bảy lại là người truyền lửa, thổi bùng sức thu hút công chúng mỗi khi xuất hiện, truyền cho tôi sức tự tin để xác lập vị trí chủ thể của nhân vật trong không gian nghệ thuật mênh mông, mà không bị lẫn khuất trong đám đông sàn diễn. Từ chiếc quạt bé xíu, mà dường như má chưa bao giờ rời xa nó, tôi có cảm giác cả một “kho báu” làm nghề cứ xòe ra rồi khép lại, đủ để kích thích sự ngạc nhiên, thú vị của đứa học trò như tôi về một người thầy.
NSND Phùng Há là người sáng lập nên Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở Q.8, TP.HCM, Chùa Nghệ sĩ ở Q.Gò Vấp để chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn; lập nên Nghĩa trang Nghệ sĩ cũng ở Q.Gò Vấp làm nơi an táng các nghệ sĩ khi qua đời. NSND Phùng Há còn tham gia giảng dạy tại Khoa Diễn viên cải lương, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 1963, làm cố vấn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, học trò của bà đều là những nghệ sĩ tài danh như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao…
Má nói với tôi về phương pháp truyền nghề của loại hình sân khấu: “Không đơn giản là “cầm tay chỉ việc”. Là người thầy, trước hết là những nghệ sĩ có nghề, truyền đạt và “thị phạm” theo cách riêng của từng người. Còn học trò, trước hết là một diễn viên đang học làm nghề, cứ tự chọn lọc, nắm bắt và xử lý theo khả năng và mục đích của mình…”. Tôi tự cho phép mình trở thành cô học trò nhỏ, đứa học trò vụng về, kém cỏi trong khu vườn nghệ thuật sân khấu cải lương dân tộc trước người nghệ sĩ tài đức này. Có thể má Bảy chưa bao giờ chấm tôi điểm cao, nhưng thành tích học tập lớn nhất mà tôi có được chính là vốn nghề, vốn sống được bồi đắp nên nhờ cái nhân cách làm người thanh cao, nhân hậu của người đi trước. Thỉnh thoảng, tôi gác lại mọi công việc đón má qua nhà hoặc chạy lên Chùa Nghệ sĩ, hai thầy trò cười đùa rồi sắm vai những tuồng xưa vở cũ. Thầy là Lữ Bố uy dũng, trò là Điêu Thuyền lả lướt; thầy là Võ Minh Thành, trò là cô Lựu… Cả hai tung tung hứng hứng. Bất giác, tôi nắm tay má như thể sợ tuột mất, hỏi: “Má có sợ chết không hả má?”. Má cười, cũng nắm lấy tay tôi: “Má sống tới giờ này là đủ lắm rồi con… Miễn sao khi sống thì được sống vui, nhẹ nhàng thôi con hả…?”. Mọi uẩn khúc quanh co của đời thường đều dồn hết vào nhân vật để ở tuổi 99, những lúc hai thầy trò ngồi lại, má cười sang sảng bảo: “Làm nghệ sĩ, rốt cùng, cái tự do, tự tại nhất là được sống một mình. Một mình mình khổ, mình buồn thì cũng được rồi, ai lại kéo người thân, người thương của mình vào, con hả?”. Cách đây 3 tháng, ngày 30-4, tôi cùng đông đảo anh em nghệ sĩ đã tổ chức lễ mừng thọ má 99 tuổi, lúc ấy má vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Cũng trong dịp này, má kiên quyết theo đoàn từ thiện của Chùa Nghệ sĩ đi thăm hỏi, phát thuốc, khám bệnh cho bà con nghèo của tỉnh Bình Phước. Đó cũng là chuyến đi từ thiện cuối cùng của má. Đạo Hát – nơi má là Đạo Văn hóa để má sống và cống hiến bằng sự tôn nghiêm, mẫu mực. Người thắp lửa cũng là người truyền lửa – không ai khác chính là má Bảy- người thầy của tôi – NSND Phùng Há. Với tôi, má chỉ ngủ một giấc dài vì hình hài của má vẫn ngự trị trong suốt cuộc đời tôi.
14 giờ ngày 5-7, lễ nhập quan của NSND Phùng Há được tổ chức tại Chùa Nghệ sĩ, Q.Gò Vấp, TP.HCM. 18 giờ cùng ngày, lễ viếng được bắt đầu tại Nhà tang lễ TP. 10 giờ ngày 8-7, linh cữu nghệ sĩ Phùng Há được đưa về Chùa Nghệ sĩ để tổ chức lễ truy điệu vào 7 giờ sáng ngày 10-7. Sau đó, thi hài bà sẽ được an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Lễ tang của NSND Phùng Há được UBND TP.HCM tổ chức, do ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
 
NS BẠCH TUYẾT

 

Bình luận (0)