Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Ma đưa lối, quỷ đưa đường”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhận định về cuộc đời của Thúy Kiều, Tam Hợp đạo cô nói với vãi Giác Duyên: “Ma đưa lối, quỉ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Liệu chuyện ma, quỉ là tiện lời mà nói, là cách diễn đạt bóng bẩy hay đấy là sự thật?
Hãy xem cảnh Thúy Kiều từ “trú phường” về lầu xanh Tú bà. Xong lời thề ồn ào qua chuyện, Mã liền giục xe chạy: “Đùng đùng gió giật mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Ngoài ý nghĩa đời Kiều đã lao vào cõi “hồng trần”, cõi đời trần tục, có lẽ cần chú ý đến chiếc xe vội vã lao nhanh mà thi sĩ Tản Đà nhận xét thật chí lí: “Câu này nghĩ như cái xe ô tô ngày nay mới phải, tác giả thật quá là văn chương”.
Không chỉ cái xe vào “cõi hồng trần như bay” mà chủ yếu là tâm trạng của Kiều. Kiều đã thấy gì trên đường đi? Có lẽ đáng chú ý: “Nàng thì cõi khách xa xăm/ Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây”.
Đời Kiều hai lần đến thanh lâu, hai lần qua chiếc cầu. Đến Lâm Truy là vậy, sau này đến Vô Tích: “Mịt mù dặm cát đồi cây/ Tiếng gà đếm nguyệt dấu giày cầu sương”.
Điều đáng quan tâm trước tiên là chiếc cầu. Trong Truyện Kiều, hình ảnh cây cầu xuất hiện lần đầu ở đâu? Nhớ lại, ngày chơi mả Đạm Tiên, Thúy Kiều đã gặp một cây cầu: “Nao nao dòng nước uốn quanh/ Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang” (chiếc cầu này còn được Đạm Tiên nhắc lại khi Đạm giới thiệu nơi mình ở với Thúy Kiều: “Hàn gia ở mé Tây thiên/ Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu”. Có phải con đường dẫn đến mộ Đạm Tiên phải qua chiếc cầu mà giờ đây hai lần đến lầu xanh Thúy Kiều cũng phải bước qua một gạch nối đau buồn ấy?
Nhưng đáng chú ý hơn là nét đặc biệt trên chiếc cầu. Lúc đến Lâm Truy (Tú bà): “Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây”. Hai chữ “bạc phau” nhiều bản Kiều đã chú giải, chúng tôi chú ý nhất đến lời chú của nhà bác học Trương Vĩnh Ký: “Lội giá, đạp tuyết trắng phau phau”. Đành rằng màu trắng ấy không chỉ có tuyết, chắc là có cả sương rơi trở màu băng giá. Nhưng để tả cảnh thu nên yếu tố “tuyết” được lưu ý hơn. Còn khi về Lâm Truy (lần thứ hai đến thanh lâu), Nguyễn Du chú ý hẳn đến màu của sương sớm: “Tiếng gà điểm nguyệt, dấu giày cầu sương”. Vậy “sương, tuyết” ở đâu mà dẫn Kiều đến chốn “sống làm vợ khắp người ta?”. Đọc kỹ Truyện Kiều ta thấy: Suốt 15 năm lưu lạc, từ khi Kiều tự tử ở lầu xanh Tú bà đến tự vẫn ở sông Tiền Đường, Đạm Tiên luôn theo sát Thúy Kiều. Chính Đạm Tiên là người “đưa lối, đưa đường” Kiều đến chốn đoạn trường. Ta nhớ lại hình ảnh Đạm Tiên trong đêm tối đến với Kiều: “Sương in mặt tuyết pha thân/ Sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Phải chăng “sương tuyết ấy đã dẫn đường Thúy Kiều?
Trong sáng tác văn học, tác giả nào cũng có hai bộ phận của trí thức, của cái tâm tham gia. Đó là “có ý thức”và “vô ý thức”. Có ý thức đã rõ. Còn vô thức tức người sáng tác không thấy rõ, không có chủ định. Ở những bậc có tài năng hay cao hơn là thiên tài phần vô thức càng lớn, tham gia hình thành ý tứ, câu chữ mà người sáng tác không hay biết.
 Những điều chúng tôi nói ở trên phải chăng là sự tham gia của vô thức mà chính Nguyễn Du như vô tình đã vận dụng. Tìm được những biểu hiện này chính là góp phần vào tìm hiểu thêm thực tài của cụ Nguyễn Tiên Điền.
Là một nội dung nặng về phán đoán, là một hướng nghiên cứu Truyện Kiều trong mục “cảo thơm lần giở” này thảng hoặc chúng tôi có đưa vài suy nghĩ. Chỉ là đề xuất và cũng là mới mẻ, đành xin ý kiến bạn đọc.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)