Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ma Hiêng – từ hái đậu thuê đến Thủ khoa

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà nghèo, bạn bè ít người học hết THCS nhưng cô học trò người Churu tên Mơ U Ma Hiêng (tên khai sinh là Ma Hiêng) ở làng K’Lông Bông thuộc xã Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) lại lập được thành tích đáng nể, trở thành Thủ khoa khối C và là Á khoa của ĐH Đà Lạt trong kỳ tuyển sinh vừa qua. Dù kết quả được thông báo từ 21/7 nhưng 3 ngày sau Ma Hiêng mới biết vì vừa thi đại học xong em đã về ngay vùng rừng Ma Lâm thuộc xã vùng sâu Ma Nới (Ninh Thuận) để hái đậu thuê kiếm tiền.
Cô học trò nhỏ Ma Hiêng vẫn miệt mài làm thuê để kiếm tiền ăn học. Ảnh: Internet
Trong những ngày qua, người Churu ở ba xã vùng Loan vốn từng nổi tiếng về nạn “vàng tặc” bỗng râm ran niềm vui vì lần đầu tiên có một cô học trò trở thành thủ khoa với kết quả ba môn Ngữ văn 7,25; Lịch sử 7,0 và Địa lý là 8,75 ở ngành Sư phạm ngữ văn của ĐH Đà Lạt. Tại trường Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng, nơi Ma Hiêng theo học ba năm THPT, cô giáo Vũ Thị Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng phấn khởi thông báo: “Ma Hiêng là người trở thành thủ khoa đầu tiên trong số hàng chục nghìn học sinh của chúng tôi trong suốt 21 năm thành lập trường. Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo rất tự hào về em!”.
Trong ba năm học THPT ở trường Dân tộc Nội trú Lâm Đồng, cô học trò Mơ U Ma Hiêng luôn là học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, tại Festival các trường Dân tộc Nội trú toàn quốc (tháng 8/2010), Ma Hiêng đã đạt giải khuyến khích môn Ngữ văn, tương đương giải Học sinh giỏi Quốc gia. Năm lớp 12, Ma Hiêng còn giành giải 3 Học sinh Giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Ngoài việc học tập, Mơ U Ma Hiêng còn được bầu làm Bí thư chi đoàn lớp, UV BCH Đoàn trường suốt 3 năm liền. Trước những thành tích nay, Ma Hiêng đã vinh dự nhận học bổng ODON – VALET (một học bổng của Pháp, trao cho học sinh giỏi các trường Dân tộc Nội trú trên toàn quốc – PV). 
Trong cái nắng như lửa đốt của vùng rằng Ma Lâm, Mơ U Ma Hiêng tâm sự: "Em đi hái đậu thuê đã gần 20 ngày, tiền công mỗi ngày được trả 60.000 đồng. Phải làm để có tiền mua sắm vài bộ quần áo và đồ dùng học tập, sách vở cho ngày nhập học sắp tới”. Nói với phóng viên TTXVN, bà Ma Thúy, mẹ Ma Hiêng cho biết: “Nhà tôi chỉ có 3.000 mét vuông đất trồng ngô và khoảng 1.000 mét vuông trồng cà phê, không thể đủ lương thực mà nuôi con. Ngày còn học cấp 2 ở xã nhà, Ma Hiêng cũng đã phải tranh thủ những ngày nghỉ để đi làm thuê ở rẫy cà phê cho người trong vùng”.
Vùng Tà Năng vốn nghèo, những người Churu ở đây càng nghèo hơn. Gia đình Ma Hiêng không là ngoại lệ. Nhà Ma Hiêng có tất cả 6 người con, nhưng anh trai đầu của Ma Hiêng đã chết từ nhỏ vì bị bệnh. Cha ruột e cũng mất sớm. Mỗi năm gia đình chỉ có vài tấn ngô và khoảng 5 tạ cà phê nhưng năm nào nhà Ma Hiêng cũng phải ứng tiền trước của các thương lái để nuôi sống bảy miệng ăn… Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng điều đáng mừng là bố dượng và mẹ Ma Hiêng luôn cố gắng động viên các con đến trường và họ đã thành công. Kết quả của Ma Hiêng là biểu hiện sinh động nhất cho sự quyết tâm, tinh thần phấn đấu, vượt khó vì con chữ nơi vùng rừng sâu.
Rời vùng Tà Năng khi hoàng hôn đã bao trùm rừng núi nhưng ngoái đầu nhìn lại thấy nhiều ánh sáng ấm áp hơn. Không có hoàn cảnh nào có thể đẩy người ta vào con đường cùng khi người ta có đủ ý chí phấn đấu, vươn lên. Mơ U Ma Hiêng là một biểu hiện sinh động cho điều đó./.
Theo Sơn Tùng
(baotintuc)

Bình luận (0)