Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ma-rốc: Samu – nơi chăm sóc, cứu vớt trẻ em đường phố

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học ở Ma-rốc (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Đây là một tổ chức xã hội đầu tiên của Ma-rốc ra đời vào tháng 9 năm 2006 ở Casablanca. Tuy còn nghèo nàn nhưng nó đã đem lại niềm an ủi, sự chăm sóc thiết thực cho trẻ em cơ nhỡ sống lang thang trên đường phố.
Trên những con đường của Casablanca, quanh những biệt thự sang trọng, nhà ga, một xã hội nhỏ đã hình thành với các luật lệ, quy tắc riêng. Một cảnh nghèo khó lầm than bày ra trước mắt: hàng trăm trẻ em lang thang đang tranh nhau hít chất gây nghiện để giết thời gian, những bà mẹ độc thân bị gia đình ruồng bỏ vì phạm tội “xác thịt”. Khaled, một người phụ trách tổ chức Samu, nói: “Tìm kiếm các người cơ nhỡ lang thang và chăm sóc khẩn cấp là nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi”.
Nhóm của ông gồm 3 người: ông, một nữ tình nguyện tên Wafa và người lái xe Mohamed. Đó là một trong 3 nhóm lưu động có nhiệm vụ tiếp cận những người sống lang thang trên đường phố. Trước hết, họ chăm sóc những người bị thương do tai nạn, ẩu đả, hoặc đang bị bệnh, nếu cần thì đưa đi bệnh viện cứu chữa. Mỗi tuần họ đi tuần tra 4 đêm (từ 21 giờ đến 6 giờ) và 3 lần vào ban ngày (từ 14 đến 17 giờ). Ban đêm rất dễ phát hiện những người sống đời vô gia cư vì họ tụ tập nhau lại để tìm chỗ ngủ. Ban ngày, trẻ em là đối tượng thu hút sự chú ý của nhóm. Chúng lang thang đi kiếm ăn, đi xin, mua rẻ chất sơn có mùi thơm để hít, tập trung ở nhà ga hoặc khu phố sang trọng Ain Diab. Khi xe của Samu đến, một số em chạy lại, kéo theo sau hàng chục em khác, tay còn cầm miếng có tẩm chất sơn để trong lọ, thỉnh thoảng lại chia nhau hít. Giữa chúng và nhóm công tác đã có sự tin tưởng, và theo trưởng nhóm, điều này rất quan trọng vì đó là cách duy nhất để phát hiện ra những em mới để giúp đỡ kịp thời các trường hợp khẩn cấp (bệnh nặng, bị thương, đói…) trước khi quá trễ. Những em đã bỏ nhà đi từ bé không muốn về trại, vì chúng muốn tự do hút, hít và ở lại với “gia đình” do chúng lập ra ngoài đường. Phát hiện những em mới và thuyết phục chúng về trại là điều được nhóm ưu tiên hàng đầu, dù trại hiện nay đã quá tải và sau này không biết đưa chúng đi đâu. Thực ra trại chỉ có khả năng giải quyết những trường hợp cấp bách, nhưng vì các viện mồ côi không chịu nhận các bà mẹ độc thân và trẻ em nghiện, nên Samu đành phải gánh vác tạm. Về nguyên tắc, với những trường hợp khẩn cấp, trại chỉ cho tá túc một tuần, nhưng thực tế đã có một cô gái mang thai hai tháng ở lại đây cho đến ngày lâm bồn. Samu chỉ có 40 giường nhưng lại đón hàng trăm người đến ở mỗi ngày. Để giúp đỡ người khó khăn tìm một chỗ trú thân tạm, trong thời gian tới, Ma-rốc sẽ thành lập thêm 15 trại giống như Samu.
Ouled Ziane, mẹ của đứa con 7 tháng tuổi vừa được đưa về trại Samu từ một nhà ga. Cô nói mình bị gia đình ngược đãi nên đành phải bỏ đi. Cha của đứa bé, theo cô, là một người anh họ, đã chối bỏ đứa con của mình. Cô được ngủ trên một chiếc giường sạch sau khi ăn no và tắm rửa sạch sẽ. Nếu muốn, cô sẽ ở lại Samu một thời gian trước khi được một tổ chức khác tiếp nhận. Tìm một giải pháp cho các trường hợp này rất khó, mà khả năng của Samu thì có hạn, vì đây là một tổ chức tự nguyện.
 Trẻ lang thang đường phố là một vấn nạn xã hội. Giải quyết vấn đề này là cả một công trình, đòi hỏi nhà nước và toàn thể xã hội phải có tính kiên trì bên cạnh những kế hoạch thiết thực, khoa học. Khẩu hiệu của UNICEF đưa ra: “Trẻ em ngày nay, thế giới ngày mai” hiện nay vẫn còn là khẩu hiệu.
Theo L’Express
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)