Hồi nhỏ, tôi đã mong ước trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng sóng gió cuộc đời đã cuốn tôi ngày càng chìm sâu trong khói thuốc và bị nó phá hoại cuộc đời…
… Tuy nhiên, sẽ chẳng có bóng đêm mịt mù khi ta thực sự muốn tìm lại chính mình”.
Đó là những dòng tâm sự chân thành của anh Nguyễn Văn Dũng – người đã nếm đủ mọi mùi vị đắng cay vì khói thuốc nhưng vươn lên tìm lại ý nghĩa của cuộc sống.
Cách đây khoảng 10 năm về trước, nếu có một danh hiệu nào đó về người hút thuốc lá nhiều nhất thì chắc hẳn người dân ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ) không ai không nhớ tới anh Nguyễn Văn Dũng. Chị Hoa, vợ anh tâm sự: “Sở dĩ anh ấy nổi tiếng như vậy là do thói quen hút từ 40 điếu thuốc trở lên trong một ngày. Vì cái tật nghiện thuốc lá ấy mà anh tự hành hạ bản thân và gia đình đến khổ. Ngày ấy tôi xấu hổ với xóm giềng lắm”.
Thuốc là từng là liều thuốc duy nhất giúp Dũng quên đi cái cuộc sống tẻ nhạt này.
|
Là con trai độc nhất trong nhà, Dũng được cha mẹ chăm lo hết mực. Tuy nhiên, không vì thế mà anh quên mình là con cái nhà nông, quên cảnh cha mẹ phải cực nhọc để nuôi mình ăn học. Vốn chăm chỉ từ nhỏ, thời gian rảnh rỗi Dũng thường giúp cha mẹ rèn dao, cưa lưỡi liềm, làm nông kiếm tiền đỡ gia đình.
Bà con trong xóm ai cũng khen gia đình ông bà Tân Liễu có cậu con trai ngoan. Từ lớp 1 đến lớp 9, Dũng đều dạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc. Mong ước lớn nhất của Dũng là trở thành một người thầy, một mong ước thật cao quý.
Thế nhưng, dòng sông nào cũng có khúc và đời người cũng có lúc thay thời, đổi vận. Khi anh 17 tuổi, trong một lần tai nạn xe máy, mẹ anh đã qua đời ở tuổi 42. Vài năm sau khi bà mất, ông Tân – cha anh cũng đi thêm bước nữa.
Dũng đã chán cái cảnh sống ảm đạm, thảm thê của gia đình và muốn buông xuôi tất cả. Cũng từ đây, anh tìm đến thuốc lá. Anh tâm sự: “Ngày ấy, tinh thần tôi hoàn toàn suy sụp, và điếu thuốc đến với tôi như một mối duyên không hẹn mà gặp. Nó là liều thuốc duy nhất giúp tôi quên đi cái cuộc sống tẻ nhạt này”.
Lần đầu hút thuốc, Dũng cảm nhận được làn khói vừa ngai ngái, vừa hắc hắc, vừa tê tê dần dần lan tỏa trong miệng, trong cổ họng rồi từ từ di chuyển vào hai lá phổi và cuối cùng xông thẳng lên mũi gây cho anh một trận ho dữ dội. Nhưng hút mãi rồi cũng thành quen, mới đầu thì năm ba điếu, sau thì một bao, hai bao, có khi hơn hai bao một ngày. Khói thuốc lá đối với anh lúc đó là một thứ gì đó không thể thiếu. Anh nói: “Đôi lúc tôi có thể nhịn ăn nhưng không thể thiếu hơi thuốc”.
Anh Dũng kể: “Tôi yêu khói thuốc, nhất là những luồng khói bay ra từ điếu thuốc Vinataba. Giá của 1 bao khoảng 8 ngàn đồng và để có thể “yêu” nó tôi đã phải trả một cái giá quá đắt”.
Năm anh 20 tuổi, trong một lần hết tiền hút thuốc, anh đã cướp giật ví tiền của một người đàn bà và bị đi tù 2 năm. Khi ra tù, anh gặp chị Hoa và hai người kết duyên vợ chồng. Anh Dũng quay lại với nghề rèn của gia đình, còn chị Hoa làm nghề may.
Tiền kiếm được của gia đình anh chỉ đủ ăn, thế nhưng anh Dũng không thể quên đi thuốc lá. Một ngày không hút 40 điếu vinataba thì anh không thể chịu được. Cho nên cuộc sống gia đình anh cứ ngày một đuối đi.
Rồi đứa con thứ nhất, đứa con thứ hai ra đời, gánh nặng ngày càng đè nặng lên đôi vai vợ chồng anh. Vợ con anh ăn khổ lắm, nhưng ngày nào tiền thuốc lá của anh cũng ngót gần 20 ngàn. Anh rất thương vợ con, nhưng lại không có đủ can đảm để từ bỏ thuốc lá bởi lẽ làn khói trắng ấy đã ngấm vào máu của anh rồi.
Sau 8-9 năm triền miên trong khói thuốc, những cơn ho đến với anh ngày càng nhiều hơn, sức khỏe của anh cũng suy giảm nhiều. Chị Hoa nhiều lần cầu xin anh bỏ thuốc, nhưng mỗi lần cầu xin chị lại nhận được một trận đòn đau.
Đến một ngày kia, bé Sơn, con trai út của anh đang chơi trong sân thì bị ngất, đến bệnh viện, bác sĩ cho hay cháu bị bệnh yếu tim bẩm sinh và phải mổ để điều trị. Chi phí cho ca mổ là 20 triệu đồng.
Lúc này anh thực sự ân hận, anh nhớ lại những ngày vợ mình mang thai bé Sơn, anh thường xuyên hút thuốc trong phòng làm chị khó chịu, nhiều khi còn ho nữa. Anh cảm thấy mình là kẻ có tội và thuốc lá chính là nguyên nhân khiến anh trở thành người như vậy. Anh bắt đầu hận thuốc lá và thề sẽ quyết tâm từ bỏ làn khói độc ấy bằng bất cứ giá nào, và dù khó khăn đến đâu cũng phải chữa cho bé Sơn khỏi bệnh.
Anh đã bàn với chị Hoa bán một phần đất do cha anh để lại lấy tiền chữa bệnh cho bé Sơn, còn bao nhiêu thì dùng làm vốn làm ăn. Anh cũng hút thuốc ít dần, từ 2 bao một ngày, anh rút xuống còn 1 bao, 15 điếu, 10 điếu, 5 điếu…
Những lúc thèm thuốc, nhạt miệng, khó chịu trong người, anh thường pha một ấm trà thật đặc rồi uống liền ba chén, hoặc nhai kẹo cao su để quên đi. Nhìn thấy ai đó châm điếu thuốc trước mặt, người anh như run lên nhưng cứ nghĩ đến vợ con anh, anh lại cố kìm lại. Cứ thế, sau ba tháng anh đã thực sự từ bỏ được làn khói ghê rợn bay ra từ điếu thuốc lá ác nghiệt.
Số tiền bán đất sau khi chữa bệnh cho bé Sơn còn lại 30 triệu đồng, anh sử dụng nó làm trang trại nuôi gà, nuôi lợn, đào ao nuôi cá, nuôi ếch. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, cuộc sống gia đình được cải thiện nhanh chóng. Giờ đây, anh là tấm gương điển hình của xã về phát triển kinh tế trang trại và cũng chẳng ai còn nhớ hình ảnh của một thằng Dũng từng vào tù vì cướp giật của ngày xưa nữa.
Phùng Minh Phúc
Báo In K29A2 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bình luận (0)