Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ma trận tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2021, các trường đại học có từ 2-6 phương thức tuyển sinh. Đa dạng phương thức xét tuyển tạo nhiều cơ hội trúng tuyển, nhưng cũng khiến thí sinh rối vì có quá nhiều điều kiện, tiêu chí phụ.

Thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH. Ảnh: Diệp An

Thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH. Ảnh: Diệp An

Đọc đề án tuyển sinh một số trường ĐH mà con gái muốn xét tuyển, chị Nguyễn Hà Thanh (ở Hoàng Mai, Hà Nội) thấy rối như canh hẹ. Với khái niệm tuyển thẳng hoặc xét tuyển thẳng, chị thấy mỗi trường dùng một kiểu. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là xét tuyển thẳng, nhưng trường ĐH Kinh tế Quốc dân lại là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Trong đề án tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, riêng phương thức xét tuyển tài năng đã có 3 hình thức, mỗi hình thức lại có nhiều đối tượng xét tuyển khác nhau.

Lê Thành Chí Vĩnh, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Kinh tế Quốc dân, vẫn nhớ như in quá trình làm thủ tục đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH năm 2020. Vĩnh có chứng chỉ IELTS nên ngoài sử dụng kết quả thi tốt nghiệp, em làm hồ sơ đăng ký xét tuyển kết hợp ở 3 trường ĐH là Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân và Ngoại thương.

Mỗi trường yêu cầu một kiểu nên Vĩnh khá vất vả trong khâu làm thủ tục. Và ở mỗi phương thức xét tuyển, các trường không công bố cụ thể chỉ tiêu cho từng nhóm đối tượng tham gia xét tuyển;thí sinh chỉ biết nộp hồ sơ và chờ đợi, không biết mình có bao nhiêu phần trăm cơ hội.

Năm nay, theo tìm hiểu của phóng viên, trường ĐH có ít nhất là 2 phương thức, nhiều nhất là 6 phương thức tuyển sinh. Ở phía Bắc, trường ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính đang giữ kỷ lục với 5 phương thức tuyển sinh.

Ở phía Nam, trường ĐH Mở TPHCM có 6 phương thức. Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM năm nay sử dụng 6 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TPHCM, xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM, xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi quốc tế và điểm trung bình tích lũy thí sinh tốt nghiệp ĐH các ngành gần.

Những điều cần lưu ý

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói rằng, với phương thức xét tuyển kết hợp (điểm thi tốt nghiệp THPT và kèm thêm một điều kiện khác), thí sinh cần đặc biệt lưu ý,vì năm trước có 5 đối tượng thí sinh có thể tham gia xét tuyển phương thức này.

“Thí sinh nên nhớ, các mức điểm IELTS 5.5 trường đưa ra trong phương thức xét tuyển này là ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) để nhận hồ sơ, không phải mức điểm trúng tuyển. Năm trước, có nhiều thí sinh nghĩ chỉ cần điểm thi IELTS đạt mức điểm này là đỗ nhưng thực chất, trường xét tuyển theo độ dốc từ trên xuống”, ông Triệu nói.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD&ĐT khẳng định,những năm gần đây, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh, nhiều trường ĐH đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, không còn phụ thuộc nhiều vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý tiêu chí phụ ở một số trường.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Dược Hà Nội… áp dụng sơ tuyển bằng kết quả học tập, xếp hạng hạnh kiểm trong học bạ và thực hiện cơ chế hậu kiểm đối với những môn có trong tổ hợp xét tuyển. Nếu thí sinh đã đủ điểm trúng tuyển nhưng khi nhập học không đạt sơ tuyển thì sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.

Thí sinh có quyền đồng thời đăng ký xét tuyển nhiều phương thức, nhưng tại mỗi thời điểm, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất. Nếu đăng ký xét tuyển vào trường ĐH A bằng phương thức xét tuyển kết quả học tập cấp THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS và đăng ký 5 nguyện vọng xét tuyển vào trường ĐH B bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh chỉ được phép trúng tuyển hoặc là trường ĐH A, hoặc là trường ĐH B.

Vụ Giáo dục ĐH cũng thông tin, theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT, Quy chế tuyển sinh không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký của thí sinh, nhưng thí sinh chỉ được xét trúng tuyển 1 nguyện vọng có thứ tự cao nhất. Nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường A và 3 nguyện vọng còn lại vào 3 trường khác nhau thì dù thí sinh đủ điểm để trúng tuyển cả 4 nguyện vọng, nhưng hệ thống chỉ thông báo thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường A. Do đó, thí sinh cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định.

Năm nay, nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển đa dạng, gồm xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dựa vào kết quả học tập cấp THPT kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu) và các phương thức kết hợp khác. Với các phương thức xét tuyển riêng của từng trường, trước hết, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh. Thí sinh nên vào website chính thống của trường để tìm hiểu. Nếu vẫn còn thắc mắc, nên gọi đến tổng đài tư vấn tuyển sinh của trường hoặc gửi email cho trường để có được những hướng dẫn chính xác nhất.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)