Đây là chia sẻ của nhà thiết kế Sĩ Hoàng (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) tại lễ phát động chương trình “Áo dài với nét đẹp văn hóa học đường” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 13-3 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Đại diện các trường nhận tượng trưng áo dài từ cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong |
Buổi lễ phát động có đại diện các cụm thi đua, các trường THPT, TC, CĐ, trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố tham dự. Tại đây, ngoài các tiết mục biểu diễn thời trang do giáo viên và học sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thực hiện, còn có triển lãm trang phục áo dài các thời kỳ do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sưu tầm và lưu giữ. Đây là một trong những kênh thông tin giúp học sinh hiểu rõ lịch sử chiếc áo dài cũng như quá trình lưu giữ và phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: “Chương trình “Áo dài với nét đẹp văn hóa học đường” nhằm mục đích bồi dưỡng thế hệ học sinh vừa có tài vừa có đức hội đủ kiến thức chuyên môn, bản lĩnh, sáng tạo, có đầy đủ các kỹ năng để kịp thời thích ứng với nhu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy, tôi rất mong các đơn vị nghiên cứu, triển khai tổ chức thực hiện nội dung trên tại đơn vị trong năm học mới. Khuyến khích cán bộ – giáo viên – nhân viên nữ tiếp tục mặc áo dài đến trường trong điều kiện phù hợp. Các trường THPT và trung tâm GDTX đã thực hiện mặc áo dài 2 ngày/tuần; các đơn vị chưa thực hiện mặc áo dài đối với học sinh nữ, nhà trường cần xây dựng kế hoạch thực hiện và thông báo đến cha mẹ học sinh, triển khai mặc áo dài vào năm học 2017-2018”.
Chia sẻ về việc mặc áo dài, em Trần Bảo Khánh (học lớp 11A1, Trường THPT Cần Thạnh) bày tỏ: “Khi mặc áo dài sẽ nhắc nhở em luôn ý thức về bản thân, đặc biệt là cách ứng xử nhã nhặn với mọi người xung quanh. Tuy việc đi lại khó khăn, song em luôn cảm thấy hãnh diện khi được mặc áo dài đến trường mỗi ngày”.
Giáo viên – học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong biểu diễn áo dài |
Trong khi đó, nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: “Mặc áo dài không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, nét đẹp thẩm mỹ mà còn giáo dục ý thức về cử chỉ góp phần giáo dục lễ giáo, đạo đức. Cấu trúc nút áo dài chỉ cho phép người mặc có những cử chỉ nền nã, thùy mị… Chính vì vậy, mặc áo dài như thế nào để thoải mái, tự hào và hãnh diện chứ không phải mặc vì quy định”.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết thêm, muốn giữ được nét duyên dáng khi mặc áo dài đến trường cũng như đến công sở, người sử dụng cần chọn vải áo mát, nhẹ, chất liệu điều tiết được nhiệt độ cơ thể và môi trường bên ngoài. Khi may, gấu quần cách đất 1cm là chuẩn để hạn chế vướng khi đạp xe. Áo không may quá sát người, độ dài tay vừa phải. Nhiều người cho rằng áo dài phải xẻ tà cao để khoe eo nhưng đây là quan niệm sai lầm. Tà xẻ bằng hoặc thấp hơn lưng quần, tránh hở eo mất lịch sự. Mặc áo dài phải mang giày phù hợp, không quá cao. Cấu trúc nút áo dài chỉ cho phép các cử chỉ nền nã, nhẹ nhàng. “Xác định may áo dài để đi làm việc và đi học chứ không phải may để biểu diễn thời trang. Mặc áo dài không để thấy đồ bên trong, đây là nguyên tắc liên quan đến văn hóa áo dài”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Hưởng ứng chương trình “Áo dài với nét đẹp văn hóa học đường” của ngành giáo dục thành phố, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Thái Tuấn đã tặng học sinh nữ 3 trường THPT trên địa bàn huyện Cần Giờ 1.255 bộ áo dài. Theo đó, Trường THPT An Nghĩa (487 bộ), Trường THPT Cần Thạnh (238 bộ) và Trường THPT Bình Khánh (530 bộ).
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)