Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mắc bệnh ung thư: Ăn gì để kéo dài sự sống

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Nhiều người vẫn cho rằng, mắc bệnh ung thư thì chỉ có chết sớm. Tuy nhiên, sự phát triển của y học chứng minh bệnh ung thư vẫn có thể chữa trị được. Một yếu tố cũng rất quan trọng trong việc kéo dài sự sống của các bệnh nhân ung thư là chế độ dinh dưỡng phù hợp. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai về vấn đề này…

Trái khổ qua là một trong những loại thức ăn có tác dụng hạn chế sự phát triển tế bào ung thư và có thể kéo dài tuổi thọ của người bệnh ung thư. Ảnh: I.T

4 nguyên tắc khi nuôi dưỡng người bị ung thư
Mọi người thường có quan niệm, dinh dưỡng đầy đủ khi mắc bệnh ung thư sẽ cung cấp dưỡng chất cho khối u tiến triển nhanh hơn. Điều này có thể đúng, nhưng nguyên tắc điều trị cơ bản trong ung thư là sử dụng các phương tiện như thuốc, xạ hay phẫu thuật đều đồng thời tiêu diệt tế bào ung thư và cả tế bào không bị ung thư (lành). Và như vậy, khi người bệnh không được cung cấp đủ dưỡng chất để tế bào lành có thể chịu đựng được tác động của các phương pháp trị liệu thì người bệnh sẽ chết vì tác dụng phụ của phương pháp trị liệu trước khi chết vì bệnh ung thư. Hoặc bác sĩ điều trị bắt buộc phải dừng quá trình trị liệu vì thể trạng bệnh nhân quá yếu. Như vậy trong ung thư, người bệnh cần được nuôi dưỡng thật đầy đủ để cơ thể thật khỏe có thể chịu được tác dụng phụ của phương pháp trị liệu trong quá trình tiêu diệt tế bào ung thư.
Có 4 nguyên tắc chính khi nuôi dưỡng người bị ung thư: Nguyên tắc thứ nhất là phải thường xuyên đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh xem có
Khi người bệnh ung thư có một trong 3 biểu hiện sau: sụt cân, không ăn được hơn 7 ngày, ăn dưới phân nửa mức ăn thường ngày trong thời gian khoảng 10 ngày thì gia đình cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để thực hiện nuôi dưỡng hỗ trợ.
cần đưa đến bệnh viện để được nuôi dưỡng hỗ trợ bằng các biện pháp y khoa như nuôi ăn tĩnh mạch, nuôi ăn qua sonde… hay không. Nguyên tắc thứ hai là bằng mọi biện pháp để người bệnh có thể ăn đủ nhu cầu như cô đặc thức ăn, chia nhiều bữa nhỏ… Nguyên tắc thứ ba là có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng loại trị liệu như cần bổ sung các chất chống oxy hóa khi xạ và hóa trị, cần có chế độ dinh dưỡng tích cực từ 10 đến 14 ngày trước khi mổ. Và cuối cùng là cần bổ sung các chất kích thích miễn dịch như Arginine, Omega 3, Nucleotides, Glutamin… 
Dinh dưỡng như thế nào là phù hợp?
Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, người bệnh cần phải ăn nhiều lần trong ngày, có thể 6-8 lần. Ăn đa dạng đủ 4 nhóm, thịt cá đậu, rau, trái cây, các loại sữa, yaourt… Bên cạnh đó phải bổ sung chất béo vào thức ăn. Có thể bổ sung béo nhũ tương (Coffeemate) và Maltodextrin (Nutricomp Caloric, Vita Malto…) vào sữa, một muỗng cà phê mỗi loại cho 100 – 200 ml sữa. Thay nước uống bằng nước pha Maltodextrin, 2 muỗng cà phê cho 100 ml nước, 500 ml nước loại này sẽ tương đương với 1 chén cơm.
Với mỗi loại điều trị, bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Với loại điều trị phẫu thuật: Cần dinh dưỡng tích cực từ 10 – 14 ngày trước khi mổ để nâng tổng trạng người bệnh. Vì nếu ăn uống quá kém có thể sẽ phải nuôi dưỡng qua ống, ống sẽ đặt từ mũi xuống dạ dày và thức ăn được đưa trực tiếp vào dạ dày, hoặc nuôi dưỡng qua tĩnh mạch.
Với loại điều trị xạ và hóa trị: Cần ăn tăng cường thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa như thực phẩm giàu vitaminC gồm cam, dâu, bưởi, đu đủ, su bông loại xanh…; thực phẩm giàu beta carotene gồm rau lá xanh và các loại trái cây hoặc củ màu vàng cam như rau ngót, bó xôi, cà rốt, bí đỏ, khoai lang bí…; thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương hay dầu hướng dương, đậu phộng, hạt điều, bánh mì thô, hạt lúa mạch…
Với loại điều trị ghép tủy: Cần ăn uống thật vô khuẩn, tránh dùng các loại thực phẩm có sinh vật sống như yaourt, các loại nước uống lên men như Probi…
Làm sao để tăng cường miễn dịch?
Người ta nhận thấy một số chất có tác dụng tăng cường miễn dịch cho người bệnh, nên bổ sung tối thiểu từ 5 – 7 ngày trước và suốt quá trình trị liệu. Glutamin với liều 30g/ngày được xem là có hiệu quả cải thiện chức năng sống cũng như kéo dài đời sống của bệnh nhân ung thư. Omega 3 liều 2.5g/ngày cũng có hiệu quả. Ngoài ra Arginine và Nucleotides cũng có hiệu quả tăng cường miễn dịch.
Omega 3, Nucleotides, Arginine có được bổ sung vào một số loại sữa. Glutamin, Omega 3, Arginine có trên thị trường ở dạng dược phẩm…
TS. BS Tạ Thị Tuyết Mai
(Bệnh viện Gia Định)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)