“Nhà văn trẻ” Mạc Can |
Sau tiểu thuyết Tấm ván phóng dao gây xôn xao dư luận cũng như đoạt được khá nhiều giải thưởng, “nhà văn trẻ” Mạc Can tiếp tục trình làng tiểu thuyết Phóng viên mồ côi, Tạp bút Mạc Can, Tập truyện ngắn Những bầy mèo vô sinh cũng tạo được sự yêu mến nồng nhiệt của độc giả. Khi hỏi về thời đi học, ông trả lời một câu mà bất cứ ai cũng phải… giật mình: “Tôi chưa một lần được cắp sách đến trường…”.
PV: Vậy thì thưa ông, chữ nghĩa ở đâu mà ông lại “tuôn” ra tác phẩm ào ào như thế?
Ai cũng thắc mắc giống như cậu vậy. Bản thân tôi cũng không tin nổi có ngày mình được “nói chuyện” trong các trường đại học, trước hàng ngàn sinh viên và các giáo sư, tiến sĩ. Thật vậy, trong đời tôi chưa bao giờ được đến trường. Tuổi thơ của tôi lênh đênh trên thuyền theo cha hành nghề xiếc rong. Khi gánh xiếc đến các làng, nghe tiếng trống trường là tôi chạy tới, đứng ngoài cửa sổ, nhìn các bạn cùng lứa ngồi học, tôi cũng đánh vần theo những tiếng ê a trong lớp… mặc dù không hề biết mặt chữ “tròn méo” thế nào.
Vậy có nghĩa là cách “học lóm” ấy đã giúp ông “không mù chữ” và thành công như bây giờ?
Không đâu, tôi còn có một cách học… “kỳ cục” khác nữa là học chữ từ các quyển tiểu thuyết. Số là năm lên 10 tuổi, gánh xiếc có một thời gian dài ế ẩm nên phải lên bờ. Tình cờ quen một chú họa sĩ, chú kêu tôi tới nhà phụ vẽ, bù lại sẽ dạy chữ cho. Tôi mừng lắm. Chú họa sĩ thường lấy các quyển Don Quichotte và chiếc cối xay gió, Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris, Những người khốn khổ… ra dạy. Tôi nghe và “biết mặt” các chữ cái từ các quyển sách ấy, từ từ mới hiểu được nghĩa của câu. Chính cách học này mà dần dần giúp tôi thuộc hết các con chữ. Từ “vốn” căn bản ấy, mỗi khi ra đường, thấy những mảnh báo người ta dùng gói xôi, gói bánh mì quăng xuống, tôi nhanh chóng nhặt lên và dò đọc từng chữ trên đó… Chuyện này kể lại nhiều người cứ bảo tôi… xạo, nhưng là sự thật 100% đó.
Rồi sau đó, “việc học” của ông tiến triển thế nào?
Năm 13 tuổi, gia đình tôi lên định cư ở Sài Gòn. Ngoài giờ đi diễn, tôi hay lân la ra các quầy sách cũ “đọc cọp”. Đọc riết rồi ông chủ tiệm quen mặt, hiểu được hoàn cảnh nên kêu tôi ra phụ bán để được đọc sách thoải mái. Cậu không thể hình dung được sự sung sướng của tôi lúc ấy… Và từ ngày ra phụ bán, quyển sách nào tôi cũng đọc say sưa, đọc đến độ quên cả ăn uống khiến người ốm như que tăm. Niềm say mê kỳ lạ với con chữ chẳng những giúp tôi biết đọc mà còn biết “viết” nữa…
Vậy là ông đã tập tành viết truyện từ khi đó…?
Tôi không bao giờ quên cái ngày nhận được tin tiểu thuyết Tấm ván phóng dao được in thành sách. Đang chạy xe ngoài đường, tôi liền tấp xe vô lề, không chạy được nữa bởi nước mắt sung sướng cứ rơi dài. Tôi chỉ biết nói hai tiếng cảm ơn tất cả những người đã yêu mến và tin tưởng một người “ít chữ” mà dám “cả gan” viết sách như tôi. |
Trời đất, tôi đâu phải thần đồng, viết ở đây là viết ra những con chữ mà mình được học. Tôi lấy que tre viết trên đất, hay lúc ngồi uống nước, chấm ngón tay vô ly và viết những chữ gì đó lên bàn, có khi thành một đoạn dài nhưng… không có nghĩa. Nhiều lúc tôi còn huơ ngón tay trỏ lên… không khí để viết, viết quên cả trời đất khiến nhiều người cứ tưởng tôi bị… tâm thần (cười to). Chuyện “đi học” của tôi nó “ngộ” như vậy đó… Có lần nằm mơ, tôi thấy mình được đi học đàng hoàng, nhưng khi tỉnh dậy, tôi đang… ngủ gục trước hiên nhà, trên tay vẫn còn cầm quyển sách. Tôi cứ tức sao không chịu mơ lâu hơn để được ngồi học một cách trọn vẹn, nghĩa là phải mơ cho đến khi nào thi đậu đại học mới thỏa mãn.
Biết ông ham học vậy, sao ba mẹ không cho ông đến trường?
Hồi ấy chiến tranh, nhà tôi nghèo, lại đông anh em. Ba mẹ tôi phải lao vào việc mưu sinh. Chuyện cho con đi học là… không tưởng. Nhưng tôi không trách ba mẹ… Tôi cảm ơn những khó khăn đã tạo cho tôi nghị lực để có được những thành quả như ngày hôm nay.
Vậy bây giờ, phải gọi ông như thế nào cho đúng: nhà văn, nhà biên kịch, nhà ảo thuật, danh hài hay diễn viên điện ảnh?
Gọi tôi bằng tên gì cũng đúng cả bởi những danh xưng ấy đều liên quan đến nghệ thuật. Ai cũng bảo tôi là người đa đoan, tôi nghĩ cũng đúng. Trước đây, tôi lao vào làm tất cả mọi nghề để kiếm tiền mưu sinh lo cho gia đình, nhưng đó cũng là để thỏa mãn niềm đam mê của tôi.
Ở lĩnh vực điện ảnh, nhiều người gọi ông là “người đóng vai phụ suốt đời”, ông có buồn không?
Đối với người diễn viên, vai lớn vai nhỏ không quan trọng, quan trọng là phải làm sao cho khán giả nhớ đến vai diễn đó. Như vai bác Ba Phi trong phim Đất phương Nam là vai phụ nhưng khán giả rất yêu thích. Mỗi lần đi lưu diễn ở các tỉnh miền Tây, ai cũng gọi tôi là bác “Ba Phi”. Đạo diễn Vinh Sơn đùa rằng nếu sau này có làm phim về nhân vật bác Ba Phi sẽ mời tôi đóng tiếp… Hiện tại, tôi đã bớt đi diễn lại để ngồi viết. Không phải phụ nghề mà mình già rồi, phải làm một việc nhẹ nhàng hơn.
Xin cảm ơn ông.
SONG MINH (thực hiện)
Bình luận (0)