Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mặc đồ vest chú rể tuổi 63

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ cưới tập thể cho 60 cặp đôi người khuyết tật mang tên “Kết nối yêu thương – Vẹn tròn hạnh phúc” dự kiến sẽ được tổ chức vào 20-10. Mỗi cặp đôi là một hoàn cảnh. Họ gặp nhau ở cái nghèo và lòng khát khao vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lê Thái Thuận chia sẻ cảm xúc trước ngày lễ cưới tập thể “Kết nối yêu thương – Vẹn tròn hạnh phúc” diễn ra

Cùng nắm tay tới hạnh phúc

Với mong muốn thực hiện những chương trình cộng đồng mang tính lâu dài để hỗ trợ thiết thực cho mỗi cá nhân khuyết tật hòa nhập cuộc sống, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đã dành nhiều tâm huyết cho lễ cưới tập thể của các cặp đôi người khuyết tật. Nhiều cặp đôi có hoàn cảnh rất khó khăn khi cả 2 cùng bị khiếm thị hoặc cả 2 cùng bị câm điếc, cả 2 cùng ngồi xe lăn… Đây cũng là năm thứ 3 Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức chương trình này, số lượng các cặp đôi tăng hơn 20 cặp so với năm 2015.

Trong 60 cặp đôi khuyết tật tham dự chương trình, có người tóc đã bạc, da đã nhăn, cũng có người chỉ nghe mà không nhìn được, nhưng trên gương mặt họ, niềm vui, niềm hạnh phúc hiện rõ. Ông Lê Thái Thuận (SN 1953) bị liệt 2 chân, 1 mắt và 1 cánh tay của ông không thể hoạt động được. Ông gắn bó cuộc đời mình với bà Lê Thị Mến (SN 1971, liệt 1 chân) đã gần 15 năm nhưng họ vẫn chưa thể tự tổ chức cho mình một đám cưới. “Cuộc đời tôi chưa được mặc áo vest bao giờ. Lần này, 63 tuổi tôi được mặc là một lần ý nghĩa nhất cuộc đời vì đó là áo vest dành cho chú rể. Nhiều đêm nằm ngủ, tôi cũng mơ về một cái đám cưới, được nhìn thấy vợ tôi cười rạng rỡ trong chiếc đầm cô dâu sánh đôi bên tôi… Nhưng chỉ là ước mơ vậy thôi, chứ mình khó khăn quá nên đành chịu”, ông Thuận chia sẻ trước ngày lễ cưới tập thể diễn ra. Con gái của họ năm nay đã học lớp 10 nhưng cặp đôi này chưa bao giờ dám mơ đến một đám cưới cho riêng mình cho đến khi họ đăng ký tham gia chương trình này và hạnh phúc đã mỉm cười với họ.

Người bán vé số, người làm thuê, thương tật của mỗi người cũng khác nhau nhưng điểm chung của họ là nghèo và yêu thương nhau thật lòng. Ở họ có một tình yêu thương, quý trọng nhau, dù khó khăn nhưng đều vun đắp cho hạnh phúc nhỏ của mình…

Có nhiều cặp đôi người khuyết tật lấy nhau hơn chục năm trời, con cái đã lớn nhưng ngoài tờ giấy đăng ký kết hôn, họ chưa một lần được mặc áo cưới. Ước mơ về một ngày hạnh phúc ấy ai lại không nghĩ đến nhưng vì bệnh tật, nghèo khó luôn đeo bám nên họ cất giữ ước mơ ấy trong một góc riêng của mình.

Ấm áp sự sẻ chia

Tham gia chương trình, mỗi cặp đôi người khuyết tật được Ban tổ chức hỗ trợ trang phục cưới, hoa cầm tay, trang điểm, chụp hình cưới, tặng một cặp nhẫn, một bàn ăn cho người thân hai gia đình, bên cạnh đó còn có những phần quà của các nhà hảo tâm tặng cô dâu, chú rể. Bà Lê Kiều Nương, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Việt Nam cho biết: “Chương trình nhận được sự ủng hộ từ nhiều đơn vị và các mạnh thường quân. Hy vọng lễ cưới này sẽ thắp lên một ngọn lửa nhỏ để những người khuyết tật có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, cùng nắm tay vượt qua khó khăn. Và hơn hết, họ không hề cô đơn khi xã hội có những người luôn sẻ chia cùng họ”.    

Phần lớn các đôi uyên ương đã sống chung với nhau nhiều năm nhưng không có điều kiện tổ chức hôn lễ. Cùng hoàn cảnh, họ đến với nhau bằng trái tim đồng cảm, san sẻ khó khăn trong cuộc sống đời thường. Anh Vũ Quang Sanh và chị Lượng Thị Oanh có với nhau 2 mặt con nhưng họ cũng chưa khi nào dám nghĩ về một đám cưới bởi cuộc sống quá chật vật. Rời quê nhà Quảng Ngãi vào TP.HCM để bán vé số kiếm sống qua ngày, họ gặp nhau rồi cảm thông, chia sẻ khi cả 2 cùng là người khuyết tật. “Ngày đó, làm tờ giấy đăng ký kết hôn rồi dọn về ở chung nhà trọ với nhau chứ ngay trong mơ cả hai cũng không dám nghĩ sẽ có ngày được mặc trên người bộ quần áo cưới và được trao nhẫn cho nhau. Nếu không có chương trình này chắc cũng sẽ không có ngày tôi được lên xe hoa. Ba chồng của tôi cũng sẽ đón xe vào TP.HCM để dự ngày vui của chúng tôi”, chị Oanh bộc bạch. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Anh và anh Huỳnh Thơ Quý lại làm người khác rưng rưng bởi sự chân thành. Quen nhau 4 năm rồi mới quyết định về sống chung một mái nhà, niềm mơ ước của họ là có tiếng trẻ thơ nói cười nhưng điều kiện không cho phép. Đám cưới này là niềm vui lớn lao mà họ cũng từng mơ ước chứ chưa khi nào dám nghĩ sẽ trở thành hiện thực. Năm 2015, những người tổ chức chương trình đã không khỏi xúc động trước hình ảnh cô dâu Kim Hạnh đang mang trong mình căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Có lẽ, niềm vui được một lần được mặc áo cưới, sánh đôi cùng người mình yêu thương cũng đã làm trái tim chị ấm áp những ngày cuối đời.

Người bán vé số, người làm thuê, thương tật của mỗi người cũng khác nhau nhưng điểm chung của họ là nghèo và yêu thương nhau thật lòng. Ở họ có một tình yêu thương, quý trọng nhau, dù khó khăn nhưng đều vun đắp cho hạnh phúc nhỏ của mình…

Bài, ảnh: Yên Hà

Bình luận (0)