Những quốc gia như Campuchia và Việt Nam đang có sức hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng thời trang, may mặc
Công nhân tại một nhà máy may ở Phnom Penh, Campuchia. BLOOMBERG
Với mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các công ty thời trang đã mở rộng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á để có lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, đặc biệt khi nước này đang phải chịu đòn thuế quan từ Mỹ.
Theo Bloomberg, những quốc gia như Campuchia và Việt Nam đang có sức hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng thời trang, may mặc như Steven Madden và Tapestry. Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa của nhiều đối tác thương mại lớn trong năm nay, nhưng một số sản phẩm của Campuchia vẫn tiếp tục được miễn thuế khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
“Quá trình chuyển đổi đang diễn ra. Thuế quan đã tạo ra rất nhiều lo lắng và các công ty đang nhanh chóng thực hiện nhiều thay đổi hơn đối với nguồn cung ứng của họ”, Steve Lamar, phó chủ tịch điều hành Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, nói.
Một nghiên cứu được Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ công bố hồi tháng 7.2018 cho thấy, mặc dù tất cả các công ty tham gia khảo sát đều có nguồn hàng hóa được gia công từ Trung Quốc, nhưng dự kiến 67% trong số này sẽ giảm giá trị hoặc khối lượng sản xuất của họ tại quốc gia Đông Á này trong vòng hai năm tới.
Thay đổi nơi sản xuất
Edward Rosenfeld, giám đốc điều hành thương hiệu giày, phụ kiện biểu tượng của Mỹ Steven Madden, cho biết công ty đã chuyển sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia. Cụ thể, trong năm nay 15% số lượng túi xách của hãng trên thị trường được sản xuất tại Campuchia, và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm sau.
“Điều đó thực sự cho chúng tôi có được sự khởi đầu với khoảng cách vượt ba năm so với hầu hết các thương hiệu ngang hàng, những người bây giờ mới đang cố gắng để thay đổi. Bộ phận đầu não về nguồn cung ứng túi xách của chúng tôi ngay bây giờ đang ở Campuchia để thực hiện kế hoạch nâng đà tăng trưởng”, ông Rosenfeld nói tại một hội nghị diễn ra hôm 31.7.2018.
Tapestry, công ty đứng sau những thương hiệu túi xách sang trọng như Kate Spade và Coach, cũng đã áp dụng chiến lược tương tự khi thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam và chỉ để lại khoảng 5% nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Hãng túi xách và hành lý của Mỹ Vera Bradley tháng 12.2017 đã đề cập đến việc xem xét chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Campuchia và Việt Nam.
Ưu đãi đầu tư
“Campuchia cung cấp các ưu đãi đầu tư khá tốt về thuế. Chỉ cần giảm thuế, các công ty sẽ cảm thấy được khuyến khích nhiều hơn để đầu tư năng lực sản xuất tại Campuchia”, Matt van Roosmalen, giám đốc quốc gia Campuchia tại công ty tư vấn đầu tư chuyên về khu vực Đông Nam Á Emerging Markets Consulting, cho hay.
Dựa trên báo cáo hằng năm của Ngân hàng Quốc gia Campuchia, xuất khẩu giày dép của Campuchia tăng 25%, xuất khẩu hàng may mặc tăng 8% trong năm 2017. Nguyên nhân một phần do nhu cầu từ phía Mỹ tăng cao. Ngay trước khi xung đột thương mại Mỹ – Trung diễn ra, Campuchia đã được hưởng các đặc quyền miễn thuế đối với những mặt hàng như túi xách, va li và ví. Đây là một phần trong chương trình của Mỹ với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế ở các nước có thu nhập thấp. Cho đến nay chương trình này vẫn được chính quyền ông Trump duy trì.
Ngoài ưu đãi thuế, chi phí lao động thấp ở Campuchia cũng là một trong những yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài. Theo ước tính của Oxford Economics, chi phí lao động tại quốc gia Đông Nam Á này chỉ bằng một phần tư so với chi phí lao động của Trung Quốc.
Bước dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang bắt đầu cho thấy những tác động nhất định. Cụ thể, cổ phiếu của Stelle International Holdings, công ty có trụ sở tại Hồng Kông chuyên phát triển và sản xuất giày dép cho các thương hiệu bao gồm Prada SpA và Guess, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
“Không dễ”
Thế nhưng, theo ông Lamar, “có một thực tế là việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc không hề dễ dàng”. Giá lao động rẻ không hẳn sẽ tỷ lệ thuận với hiệu quả sản xuất. Tỷ lệ năng suất của Campuchia thấp hơn so với Trung Quốc, và đó là một thách thức khi bước vào sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn. Một cuộc khảo sát của Hội đồng Phát triển Hồng Kông cho thấy năng suất lao động trung bình của công nhân Campuchia chỉ bằng khoảng từ 50% đến 60% năng suất của công nhân Trung Quốc.
Một lý do nữa là cơ sở hạ tầng của Campuchia cũng kém xa so với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng của Campuchia được xếp hạng thứ 106/137, sau Việt Nam và Lào, theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
“Điều này có thể gây khó khăn trong việc đưa hàng hóa ra khỏi đất nước”, ông Lamar nhận xét.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn còn quan ngại sau khi râm ran xuất hiện thông tin Mỹ và châu Âu có thể xem xét “ngừng ưu đãi thuế quan đối với ngành may mặc của Campuchia” vì một số bất đồng chính trị, theo ông Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại hãng nghiên cứu Oxford Economics.
Nếu động thái đó được thực hiện, thì nền kinh tế Campuchia sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ vì ngành may mặc chiếm tới 64% tổng xuất khẩu.
Phương Anh/TNO
Bình luận (0)