Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mái ấm của ông hội trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tuy không giàu có về của cải nhưng ông Trần Văn Quý – Hội trưởng Hội Cựu chiến binh P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM đã có một “tài sản” lớn là sự thành đạt của ba người con trai. 

Ông Quý và bà Huệ bên cháu nội

Đó là anh Trần Ngọc Vũ (thạc sĩ ngành cơ khí chế tạo máy của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), Trần Ngọc Toàn (thạc sĩ ngành quản trị doanh nghiệp của Trường ĐH KH Tự nhiên TP.HCM) và anh Trần Ngọc Báu với nghề nghiệp ổn định sau khi học xong nghề lái xe để mưu sinh mấy chục năm nay. Theo lời kể của ông Trần Văn Quý, anh Báu sinh ra trong hoàn cảnh thật sự khó khăn khi ông còn trong quân ngũ, còn vợ ông lại là một công nhân may công nghiệp đồng lương quá thấp, một mình nuôi con nhỏ khi thiếu người trụ cột trong nhà. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Báu đi bộ đội nối gót truyền thống của gia đình. Thế là con đường học hành người con trai cả không được thuận lợi như hai người em của mình.

Năm 1976, khi đang là sinh viên trường luật, Trần Văn Quý được lệnh đi nghĩa vụ quân sự. Biên chế ở Trung đoàn 10 Rừng Sác là thời gian thử thách của chàng trai gốc Hải Dương mới 20 tuổi đời. Đây cũng là năm ông Quý kết duyên với nữ công nhân thợ may Từ Thị Huệ ở huyện Nhà Bè. Năm 1977, sau khi học xong khóa hạ sĩ quan ở Bà Rịa, ông bất ngờ được điều động sang nước bạn Campuchia chống sự hủy diệt của chế độ Pôn Pốt. Đó cũng là năm đôi vợ chồng trẻ đón niềm vui đầu tiên khi cậu con trai cả Trần Ngọc Báu cất tiếng khóc chào đời. Gác lại chuyện riêng của gia đình, người lính trẻ yên lòng lên đường làm nghĩa vụ dù không nguôi thương nhớ vợ con.

Đến khi cậu con trai lớn tròn 5 tuổi ông Quý mới ra quân chuyển ngành sang Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Thời gian đứa con trai thứ hai sinh ra có nhiều thuận lợi hơn vì bà Huệ đã có thêm một cánh tay đỡ đần của người chồng. Trách nhiệm cao với công việc, gương mẫu và có chí cầu tiến, sau đó ông Quý được Tổng Công ty Điện lực cử đi học khóa học cải tạo lưới điện ở nước ngoài. Sau 35 năm gắn bó và có nhiều đóng góp cho ngành điện ông nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2016. Trước khi nghỉ hưu, ông cũng đã quyết tâm lấy cho được bằng cử nhân chính trị để động viên và làm gương cho con cháu. Đồng đội vẫn nói đùa, ông Quý nghỉ hưu mà không nghỉ việc vì 15 năm trước ông đã tham gia sinh hoạt vào Hội Cựu chiến binh P.Tân Kiểng và hiện nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của phường. Vì thế, ông được coi là người gắn bó có thâm niên nhất với “ngôi nhà” chung này. Cũng như nhiều đồng đội khác, ông hội trưởng coi hội chính là ngôi nhà thứ hai của mình sau khi trở về cuộc sống đời thường. Không chỉ là “cánh tay nối dài” để quan tâm đời sống tinh thần của những người lính già, Hội Cựu chiến binh còn là địa chỉ tốt nhất để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua các buổi nói chuyện, về nguồn thăm địa chỉ đỏ cách mạng và khởi động các hoạt động từ thiện khác. Ông thật sự vui vẻ khi nhắc đến những công trình sửa chữa và xây dựng nhà tình nghĩa trong năm 2018 cho hội viên trong phường và cả huyện Nhà Bè.

Quan sát kỹ mới thấy, trong nhà ông chỉ treo một tấm bằng khen nhưng tìm hiểu ra mới biết, đây không phải là thành tích duy nhất của người hội trưởng có 15 năm gắn bó với hội. Mà ông có đến 3 Bằng khen của UBND TP.HCM trong 15 năm sinh hoạt, Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang vì sự nghiệp cựu chiến binh Việt Nam và nhiều giấy khen khác ông xếp trân trọng trên một chiếc tủ cao nhất nhà.

Hương Thủy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)