Tại Lễ tổng kết cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 11 tổ chức tại Hà Nội vừa qua, mô hình “Mái che di động” của nhóm tác giả: Tôn Tiểu Băng, Đặng Phước Lộc, Nguyễn Gia Thịnh, Nguyễn Hà Phi Phụng và Lê Hoàng Uyển My, HS lớp 9A4, Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, đạt giải khuyến khích. “Mái che di động” là mô hình cần được nhân rộng trong môi trường học đường.
Nhóm tác giả và cô giáo chủ nhiệm Thu Thuận với mô hình “Mái che di động” |
1.Cô giáo Nguyễn Lê Thu Thuận, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4, người hướng dẫn và cố vấn cho nhóm HS thực hiện mô hình, tâm tư: “Nắng, mưa khiến HS mất tập trung. Các em tìm chỗ mát khi trời quá nắng hay chạy thật nhanh tránh các cơn mưa bất chợt. Dù nhà trường đã dùng bạt nilon để giải quyết khó khăn trên nhưng không mang lại hiệu quả cao, lại không có tính thẩm mỹ và độ bền”. Cô Thu Thuận “tham khảo” các HS, điều gì bức xúc nhất khi sinh hoạt trong sân trường? Tất cả đều chung tâm trạng như bức xúc của cô. Vậy là cô quyết định cùng HS lớp chủ nhiệm tìm biện pháp giải quyết hạn chế: “Tôi chọn các em: Tiểu Băng, Phước Lộc, Gia Thịnh, Phi Phụng, Uyển My, vì các em học giỏi, thích nghiên cứu khoa học, nhiệt tình với các hoạt động, phong trào của lớp và của trường” – cô Thu Thuận giải thích.
Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, thực hiện, “Mô hình mái che di động” hoàn thành. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí: Tạo bóng mát sân trường, cung cấp môi trường không khí trong lành và hành lang an toàn cho trường, đồng thời góp phần đáp ứng các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực – Trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn”.
Tiểu Băng ao ước: “Nhóm chúng em mong mô hình được nhân rộng tại nhiều trường để các bạn HS được học tập và sinh hoạt trong môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn”. |
Mô hình sử dụng các nguyên liệu: keo dán các loại. Vách và sân trường dựng bởi giấy ép. Cổng trường bằng giấy carton 5 li. Mái che làm bằng các nguyên liệu: Khung thép tĩnh điện tròn, lưới nilon, cây hoa bằng nhựa, dây chì, bánh xe nhựa. Sự chuyển động của mái che gồm: Mô tơ, nhong lớn để giảm tốc độ chạy, biến điện, dây điện (dòng điện xoay chiều 12V), công tắc điện. Về nguyên lý hoạt động: Dùng chuôi điện kết nối với điện nguồn, bên vách trái mô hình có 2 công tắc để điều khiển sự chuyển động của 2 mái che ở tầng trên cùng. Khi cần tạo độ mát che nắng, mưa cho sân trường ta bấm công tắc cho mái che di chuyển vào nhau. Muốn mái che di chuyển dừng ở tại điểm mong muốn thì bấm công tắc tắt nguồn. Các ống nhựa dựng trên thanh kim loại giữa là mô phỏng hệ thống vòi nước tưới phun sương tự động để chăm sóc hệ thống cây xanh trên dàn lưới mái che (Cây xanh có thể trồng loại cây “không khí” còn gọi là cây thủy sinh, chúng chỉ cần nước và không khí để sống). Hệ thống cây xanh này cung cấp lượng lớn ôxy cho môi trường. Khi cần ánh nắng chiếu xuống sân trường, ta bấm công tắc cho mái che di chuyển ra hai bên. Về nguyên lý hoạt động: Mái che di chuyển trên 4 bánh xe lăn trên thanh thép tĩnh điện tròn, vận hành bởi mô tơ có gắn nhong lớn để hãm tốc độ di chuyển. Các dây nối mái che với mô tơ được tính kỹ về khoảng cách để đảm bảo sự di chuyển chính xác. Hai mái che ở tầng 2 được gắn cố định để tạo môi trường cây xanh đồng thời tạo hành lang an toàn cho dãy tầng học bên trái của nhà trường.
2.Các tác giả cho biết, một bài toán khó là tìm mô tơ hợp với qui cách mô hình? Vậy là các bạn trẻ đến các chợ lùng sục. Gia Thịnh kể: “Lúc đầu chúng em mua mô tơ lớn rồi đem cho thợ tiện nhỏ lại nhưng xài không được, sau đó tìm loại nhỏ. Tuy nhiên loại nhỏ là những mô tơ rã ra từ các sản phẩm nên chất lượng không ổn định. Nhiều khi chúng em mua được loại có kích thước phù hợp nhưng ráp vào mô hình thì không chạy được, hoặc chạy một chút thì đứng lại, phải đến chỗ bán năn nỉ xin đổi. Tìm kiếm và thử mãi, cuối cùng chúng em cũng mua được mô tơ tốt và thích hợp”.
Mô hình được giải quốc gia khiến cả nhóm bất ngờ. Tiểu Băng bộc bạch: “Lúc làm, chúng em chỉ nghĩ là tìm ra giải pháp để tạo điều kiện cho chúng em học tập và sinh hoạt, không ngờ được giải”. Các em cho biết: Cô giáo chủ nhiệm chính là người có vai trò quyết định trong thành công này. Phi Phụng kể: “Cô Thu Thuận tư vấn cho chúng em ý tưởng, hướng thực hiện. Những khi có vấn đề cần tháo gỡ, mỗi thành viên đề xuất giải pháp. Mà khi đề xuất thì tranh cãi dữ lắm vì ai cũng bảo vệ ý tưởng của mình. Cô là người chọn giải pháp đúng nhất…”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)