Một ngày cuối năm, ông bạn nối khố một thời đánh xe hơi từ trong nội thành ra thăm. Khác với mọi khi, lần này vừa đến nhà bạn bước ngay ra mái hiên nhà tôi đứng ngồi săm soi, sải chân bước từng bước dài. Tiếng giày đinh nện xuống nền gạch nghe lộp cộp, ông bạn nói mà không nhìn mặt tôi: “Nhà bác có cái mái hiên khéo quá nhưng thời buổi đất quý hơn kim cương thế này bỏ trống thì phí phạm quá…”. Ông bạn loay hoay như gà mái tìm ổ, và để giải thích về sự phí phạm “có đất mà không biết dùng”, gã vào đề luôn: “Thôi thế này, bác cho em đậu nhờ “con xe”, mỗi tháng em gửi bác hai triệu tiền gara nhé”. Mái hiên nhà tôi chưa đến 10m2, mỗi tháng thu gần 2 triệu, tính ra hơn cả trồng “khế vàng”. Tiền đâu phải là giấy, thế thì tại sao lại không ừ nhỉ?
Nhà tôi nằm ở ngoại ô Sài Gòn, nó khác nhiều căn hộ ở đây vì có thêm mái hiên. Dưới mái hiên, tôi đặt bộ ghế đá, một chiếc võng, dăm giò phong lan. Mái hiên rộng rãi nên đủ gió và nắng để tôi hít thở. Quan trọng hơn, mái hiên còn là “bàn hội nghị” của bạn bè mỗi khi đến chơi, mọi người thoải mái “đăng đàn” thế cuộc, từ chuyện trời, chuyện đất. Nhà nằm ngay ngã ba, nên mái hiên lộ ra, nhiều người đi qua trông vào rồi bàn tán, thời buổi đất thành phố đắt đỏ như kim cương lại bỏ không, rõ là phí. Có người lại khuyên “Sao anh không xây mái hiên này làm phòng trọ cho thuê, mỗi tháng 400 ngàn đồng chứ chẳng ít”… Người đời hóa ra cũng tốt thật!
Tàn tiệc ông bạn về lại nội thành, tôi ra hiên nhà đung đưa võng hóng mát. Đêm khuya trăng hạ tuần rót từng sợi bàng bạc xuống mái hiên, trăng thành phố dù không đẹp nhưng nó đủ lực làm bật dậy trong tôi những kỷ niệm cũ. Quê tôi thuộc vùng Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, xứ sở được mệnh danh “đời có gì choa có nấy”. Tôi nhớ tuổi thơ của mình ảnh hưởng rất mạnh bởi bốn mái hiên nhà. Thủa ấy, dưới mái hiên, tôi đã cười đã khóc cùng với người lớn khi hãy còn rất bé.
Không biết nhà của nội tôi xây tự bao giờ nhưng khi tôi có trí khôn thì đã thấy cả gia đình sống dưới hai ngôi nhà to sừng sững và nằm giữa một làng quê tuyệt đẹp. Ngôi nhà trên (nhà chính) dài đến bảy gian, tường xây bằng đá, mái lợp ngói Tây, bên trong cột kèo rui mè nhiều không đếm xuể. Nhà quay mặt hướng Nam, hai bên có hai mái hiên rộng rãi và lót toàn gạch Tàu. Mái hiên phía Đông bà nội tôi dùng làm nơi chăn tằm, một năm lũ tằm cho bà bao nhiêu tơ thì tôi không nhớ, nhưng điều tôi chưa quên là “con nít cấm được đến gần” vì bà tôi sợ làm cho tằm… nghẹt mũi! Mái hiên phía Tây có một bộ phản làm bằng gụ (gõ đỏ) đen bóng. Mái hiên này là nơi “ngả lưng” buổi trưa của người lớn, riêng con trẻ chúng tôi thì chơi ô ăn quan, nghịch đất, lấy đất làm nồi và đập nổ kêu to như pháo suốt ngày. Mùa hè, mảnh đất quê tôi nóng như chảo lửa nên mái hiên trở thành “khách sạn” của mọi người trong những đêm hè. Ngủ ở mái hiên, gió nồm thổi nhè nhẹ, hương thơm hoa bưởi quyện trong gió, chảy sâu trong sống mũi làm nồng thêm cho giấc ngủ trẻ thơ. Vào dịp cuối năm, mái hiên là nơi dùng để gói bánh chưng, và những lần như vậy tôi lại được nghe nhiều câu chuyện thần thoại của người lớn kể.
Dưới mái hiên xưa, mẹ tôi kể nơi này bà nội từng hóa đá nhiều lần khi hay tin ông tôi đã vĩnh viễn không trở về nữa từ chiến trường Đông Bắc. Tôi cũng đã từng chứng kiến chị Hai tôi khóc sướt mướt bên mái hiên vì tương tư “anh bộ đội Bắc kỳ” về đóng quân rồi ra đi không hẹn ngày trở lại.
Quê tôi, dù đất chưa đến nỗi chật nhưng nhà xây mới ít ai làm thêm mái hiên. Còn ở Sài Gòn, nhà xây cứ như bao diêm, kín cổng cao tường. Riêng những căn nhà cổ thời Tây để lại thường có mái hiên, nhưng không thuần túy là nơi để gió vui đùa hoặc làm chỗ cho tiểu thư ngắm trăng. Người ta đã sử dụng một cách triệt để cho việc kiếm tiền. Những mái hiên ở Sài Gòn, nếu không bún bò Huế, phở Bắc Hải thì cũng là gara để xe. Tiền cho thuê mặt bằng cả bạc triệu, chẳng ai dại gì bỏ không.
Mái hiên của tôi không xây nhà trọ, cũng chẳng làm gara. Tôi kiếm cành mai, vài giò phong lan, thứ lan của người Châu Mạ lấy ở rừng Trường Sơn về, lá xanh mướt, hoa ngai ngái hương thơm. Nắng, gió, hơi sương của tiết trời Nam bộ vào xuân sẽ làm cho hoa lan rực rỡ hơn.n
Sài Gòn 1-2010
Thái Khuê
Bình luận (0)