Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mai Phương Thúy mang lòng nhân ái đến Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa hậu VN 2006 cho biết, hành trang của cô trong chuyến đi Mỹ kêu gọi mọi người ủng hộ ngày thế giới phòng chống AIDS chính là lòng nhân ái. Người đẹp 20 tuổi tham vọng “ôm cả đất, ôm cả trời”, chia sẻ nhiều hơn nữa với những mảnh đời bất hạnh.

Mai Phương Thúy nhận được nhiều tình cảm của những người Việt tại Mỹ.

Chuyến hành trình trên đất Mỹ của chị diễn ra thế nào?

– Tôi có mặt tại San Francisco từ ngày 27/11, trong cái se lạnh của tiết lập đông, một thoáng bỡ ngỡ nhưng có gì đó gần gũi với Hà Nội lúc cuối năm. Theo chương trình, chuyến đi trải dọc nước Mỹ bắt đầu từ San Francisco và qua các thành phố lân cận như San Jose, Los Angeles, rồi tới Chicago, Washington DC nhằm mục đích kêu gọi mọi người ủng hộ ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12), tham dự các buổi giao lưu với các cơ quan báo chí, truyền hình. Suốt chuyến đi, tôi rất vui và hãnh diện với những tình cảm ưu ái của mọi người, nhất là những người Việt Nam xa xứ dành cho mình, cũng như tự hào khi được chọn làm đại sứ thiện chí của Global Community Service Foundation (GCSF) – tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động từ thiện có trụ sở tại Mỹ.

Chị đã chuẩn bị gì cho chuyến đi?

– Để xuất hiện trên những đài truyền hình danh tiếng nhất và phủ sóng toàn nước Mỹ là một áp lực rất lớn cho tôi cũng như chú Việt Hùng, người thiết kế trang phục của tôi. Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều cũng như tham khảo ý kiến những người xung quanh để cuối cùng đi đến lựa chọn là tính truyền thống đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. Nếu ở truyền hình CBS, tôi xuất hiện với hình tượng người con gái Hà Nội xưa từ chất liệu của chiếc áo, trang sức đến cách vấn tóc, thì ở truyền hình ABC tôi giới thiệu một màu sắc mới với sự ấm nồng của sắc cam trong thời tiết băng giá của thủ đô Washington dưới cái lạnh 0 độ. Khi tham dự những buổi tiệc hay giao lưu, tôi cũng chọn cho mình những chiếc áo dài với tông màu phù hợp khí hậu từng vùng như vàng, đỏ, xanh lá… Trong vai trò thiện chí của tổ chức GCSF, tôi xuất hiện tại trụ sở chính với chiếc áo dài nhung đen mang phong cách dạ hội và hiện đại thể hiện sự năng động của con người Việt Nam nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Mai Phương Thúy làm duyên ở cổng sau Nhà Trắng.

Ấn tượng của chị trong hai cuộc phỏng vấn với CBS và ABC?

– Có thể nói, chưa bao giờ tôi đối diện với nhiều câu hỏi như vậy, nhưng có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là phong cách của những con người nơi đây, hướng thiện và hợp tác. Những câu hỏi thật tỉ mỉ, đi sâu đi sát với mục tiêu của chương trình chứ không mang nhiều tính vĩ mô. Tôi cảm thấy mình học được nhiều từ phong cách ấy.

Câu hỏi để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là những câu hỏi về giáo dục, nuôi dưỡng và chữa trị những nạn nhân nhiễm AIDS. Tôi kể cho họ về mái ấm Mai Tâm, nơi nuôi dưỡng và định hướng cho vợ con người nhiễm AIDS, những người vô tội nhưng bị một bộ phận xã hội thậm chí chính những người thân ghẻ lạnh. Họ lắng nghe và chia sẻ rất chân thành.

Chị nghĩ sao khi là người đẹp Việt Nam đầu tiên được mời tới Mỹ để tham gia những cuộc phỏng vấn mang tính chất nhân đạo?

– Thật khó để diễn tả những cảm xúc đang đan xen nhau lúc này trong tôi. Tôi vẫn chưa thoát khỏi niềm hạnh phúc và sự lo lắng. Nó giống như một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời tôi, là động lực rất lớn để tôi có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho việc giúp đỡ những nạn nhân nhiễm AIDS trên lãnh thổ Việt Nam và nếu được là toàn thế giới.

Qua các cuộc phỏng vấn này, chị rút ra được những điều gì cho hoạt động từ thiện mình đang theo đuổi?

– Cái gì chân thật nhất sẽ thu hút được lòng chân thật và những việc làm lớn lao lại đến từ những cái rất nhỏ và cụ thể. Trong tôi bây giờ niềm vui nhân lên từng ngày. Những cánh thư, thông tin và cả những sự đóng góp rất cụ thể, mang tính tinh thần cũng như vật chất gửi về mái ấm Mai Tâm ngày càng nhiều. Rồi đây các mái ấm như Mai Tâm sẽ thoát khỏi những khó khăn mà họ đang hàng ngày phải đối diện. Những bệnh nhân nhiễm AIDS sẽ không chỉ được sống mà còn nhận được sự bao dung, tha thứ, chốn nương thân ấm áp, những chén cơm nghĩa tình, những viên thuốc của lương tri và chia sẻ.

Ngay khi trở về Mai Phương Thúy đến thăm mái ấm Mai Tâm.

Những điều đọng lại trong chị sau chuyến đi này?

– Chuyến đi đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi được đi rất nhiều nơi trên đất Mỹ trong cái lạnh băng giá với sự ấm nồng của những tấm lòng hướng đến những mảnh đời kém may mắn, được trải lòng mình cũng như đón nhận những tình cảm đậm chất Việt của những con người không sinh sống và lớn lên ở quê hương dù chỉ một ngày nhưng có cái tên vô cùng thân thuộc như chú Chương, cô Thu, anh Quang, chị Quyên… Đó sẽ là những ấn tượng không bao giờ quên trong tôi khi nhắc đến nước Mỹ phía bên kia đại dương.

Trở về Việt Nam, chị dự kiến thực hiện những hoạt động nhân đạo nào dịp Noel và Tết?

– Cuối năm thường là thời khắc bận rộn nhất của mọi người. Tôi cũng không ngoại lệ. Thời khắc hạnh phúc và viên mãn nhất của những con người may mắn lại thường là khoảnh khắc rét mướt, cô đơn vô hạn của những mảnh đời bất hạnh. Tôi cảm thấy tự lòng mình “muốn ôm cả đất, ôm cả trời” nhưng vòng tay của tôi quá nhỏ bé. Tôi chỉ hy vọng mọi người sẽ cùng tôi dùng bàn tay của mình để xoa dịu nỗi cô đơn, nỗi đau thể xác hay tâm hồn của những người không may mắn dù sự chia sẻ đó chỉ mang ý nghĩa tinh thần.

Mùng 5 Tết năm nay, tôi sẽ tiếp tục chuyến hành trình châu Âu với 10 buổi giới thiệu văn hóa Việt Nam. Vì thế, ngay từ lúc này, tôi đã phải chuẩn bị cho sự xuất phát của mình đến với những mảnh đời bất hạnh. Tôi không phân biệt người già hay em nhỏ, nam hay nữ, bệnh tật hay mạnh khỏe, giàu sang hay nghèo khổ. Tôi sẽ đến với họ khi họ cần sự sẻ chia.

Giáng sinh năm nay tôi sẽ làm một “bà già Noel” thật dễ thương với tiếng chuông ngân, những câu chúc lành, túi quà xinh trên vai đến các trung tâm, mái ấm giúp các em nhỏ thỏa ước nguyện trẻ thơ giản đơn của mình. Tết, ngoài một số kinh phí tôi tự bỏ ra, bộ lịch đậm chất nghệ thuật Việt, tập sách ảnh và thơ mang tên "Người xưa, áo lụa chiêm bao" của tôi cũng đã được nhiều công ty trong nước, tổ chức người Việt ở nước ngoài đặt mua với số lượng lớn để ủng hộ, giúp đỡ. Tôi hy vọng mình sẽ đi được nhiều nơi hơn, chia sẻ nhiều hơn không chỉ bằng lời nói.

Năm sau theo dự kiến, chị sẽ có khoảng thời gian dài ở Mỹ. Điều này ảnh hưởng thế nào đến những hoạt động nhân đạo của chị?

– Cuối năm 2009, tôi sẽ đến Mỹ tham gia một bộ phim hành động xen lẫn tình cảm do Mỹ sản xuất, quay ở Los Angeles, California trong vòng 6-9 tháng. Sau đó tôi sẽ trở lại Việt Nam để học tiếp bậc Master chuyên ngành thương mại mà tôi theo đuổi tại Đại học RMIT cũng như học chuyên ngành xã hội học tại vùng Bắc Mỹ. Tôi mong ước ngày trở về sẽ được tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện chuyên nghiệp hơn, hiệu quả, bài bản hơn so với sự đơn lẻ mà tôi đang một mình làm trong thực tại.

Ngọc Trần (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)