Sau lũ dữ, đằng sau mất mát về người và của, những người trồng mai xuân tại vựa mai An Nhơn (Bình Định) lại trúng đậm bởi sự bồi đắp của phù sa đúng thời điểm thúc mai ra nụ. Trong khi đó tại Hội An, nhiều chủ vườn điêu đứng vì mai nở sớm do mưa trái mùa.
Vườn mai tại An Nhơn. Ảnh: Việt Hương |
Phù sa đưa tiền vào túi dân
“Chưa năm nào nguồn mai làng này xuất đi dễ dàng và nhiều đến vậy. So với mọi năm, đến thời điểm này người trồng mai chúng tôi nơm nớp lo, vì chưa ai ngó ngàng gì đến, vậy mà mới đầu tháng chạp, hàng vạn cây mai xuân đã được bán” – ông Bùi Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho biết.
Cả xã có 2.416 hộ dân thì có đến 75% hộ bỏ ruộng lúa trồng mai. Hộ trồng nhiều nhất có đến 5.000 chậu, hộ trồng ít cũng 300 – 500 chậu. Với các hộ có từ 4.000 chậu mai trở lên có thể thu bạc tỷ, hộ trồng ít mai cũng kiếm được 30 triệu đồng. Cứ đến giữa tháng chạp vựa mai cảnh bắt đầu được xuất ra Bắc, vào Nam, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Anh Trần Văn Ba, thôn Trung Định, xã Nhơn An cho biết: “Cuối tháng 11 âm lịch, mai xuân trong vườn đã bán hết cho các chủ buôn trong Nam, tiền bỏ túi rồi”.
Nghệ nhân 40 năm trồng mai xuân tại làng mai Háo Đức (Nhơn An), ông Đặng Xuân Hoàng nói: “Làng mai cảnh ở đây “cha truyền con nối”, già trẻ, gái trai cứ lớn lên là theo học cách trồng mai, chúng tôi thu nhập chính từ cây mai, còn ruộng lúa thì bỏ lâu rồi”.
Anh Huỳnh Văn Bảy, người thường trưng bày mai cảnh bên QL 1A, địa phận An Nhơn cho hay: “Năm nay số mai phải trưng bày ra đường bán lẻ chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Số mai đẹp thì các chủ buôn mua hết tại vườn cách đây 1 tháng rồi, số còn lại này vừa bán vừa chơi, không lo bị lỗ nữa”.
Đến nay các hộ trồng mai xuân trên địa bàn huyện An Nhơn đã bán đi hơn một nửa. Lý do, theo ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng kinh tế huyện: “Do nguồn mai xuân các địa phương khác năm nay không được đẹp nên các chủ buôn mai đổ dồn về đây mua ngay tại vườn. Cách đây cả tháng họ đã rục rịch đến chọn vườn và bao hết số mai mà họ thích”.
UBND xã Nhơn An cho hay, chỉ riêng tháng 10, 11 và đầu tháng 12 âm lịch, tổng thu từ việc bán mai tại vườn nhà dân lên đến gần 5 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với thời điểm này năm ngoái.
Thôn Háo Đức có 483 hộ dân thì cả 100% hộ đều trồng mai cảnh. Bà Hồ Thị Dư, Bí thư Chi bộ thôn, nhận xét: “Năm nay lũ lớn tàn phá nhưng may mắn nó rút nhanh, để lại một lượng phù sa rất lớn. Người trồng mai năm nay được mùa cũng vì “trong rủi có may” của thời tiết”.
Cả tỉnh Bình Định chỉ có An Nhơn là địa điểm trồng mai xuân thích hợp vì nó nằm đầu nguồn của các nhánh sông Kôn. Năm 2009, xã Nhơn An có 3 làng được công nhận là “Làng nghề trồng mai”, là Háo Đức, Thanh Liêm và Thuận Thái. Năm 2010 này xã tiếp tục đề nghị được công nhận thêm 3 làng còn lại.
Ông Thời bên vườn mai nở rộ trước tết. Ảnh: Nguyễn Thành |
Chủ vườn ở Hội An điêu đứng
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa kèm theo mưa lớn trong những ngày qua, nhiều vườn mai tết tại Hội An nở rộ trước dự kiến khiến những chủ vườn điêu đứng.
Ông Mai Văn Mứt (55 tuổi, khối 1 phường Thanh Hà – TP Hội An) người nổi tiếng phường Thanh Hà về trồng mai với 300 gốc mai đủ các loại như mai xuân lá xanh, diệp hồng mai… Những ngày qua, do mưa lớn kèm theo không khí lạnh đã làm hơn một nửa gốc mai của gia đình ông nở rộ.
Hơn 15 năm trồng mai, chưa năm nào ông Mứt gặp phải cảnh này. “Mưa và lạnh đột ngột đã làm mai nở gần hết. Những gốc mai nở sớm coi như bỏ đi. Đành chờ sang năm vậy” – ông Mứt buồn rầu.
Ông Trần Công Thời (75 tuổi, phường Tân An) chủ vườn mai Tân An nổi tiếng, cho biết: “Chưa năm nào mai lại nở sớm như vậy. Năm nay là năm nhuận, lại gặp mưa bão và áp thấp, gió mùa nên mai đào nở sớm là chuyện khó tránh”.
Hơn 500 gốc mai của gia đình ông nở rộ khiến gia đình ông thiệt hại hàng chục triệu đồng. Dù cố gắng thuê nhân công chăm bón, tìm cách hãm hoa nở nhưng ông Thời và nhiều hộ khác cũng đành bó tay vì thời tiết.
Việt Hương – Nguyễn Thành /TPO
Bình luận (0)